Hãy cùng VOH tìm hiểu sâu hơn về phục hóa trang của bộ phim Ngũ Phúc Lâm Môn, qua đó ta sẽ có cái nhìn tổng thể về quá trình “hòa trộn” giữa lịch sử và sáng tạo nghệ thuật trong phục hóa trang.
Trang phục truyền thống nhà Tống
Trong triều đại Tống, trang phục không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà còn phản ánh địa vị xã hội và triết lý sống của tầng lớp trí thức. Người quý tộc ưa chuộng những gam màu trầm ấm như xanh dương nhạt, xám tro, hồng phấn, vàng mù tạt như được thể hiện qua các bức tranh cổ.

Trong Ngũ Phúc Lâm Môn, dàn nhân vật cũng được “trang hoàng” bằng những tông màu chủ đạo này, giúp khán giả cảm nhận được sự thanh lịch và trang nhã đặc trưng của thời Tống.

Bên cạnh màu sắc, chất liệu lụa mỏng và voan tự nhiên luôn là lựa chọn chủ đạo. Những lớp vải xếp tầng mềm mại, kết hợp với các đường thêu tinh xảo (họa tiết hoa mộc lan, cành đào, chim hạc hay biểu tượng cát tường) không chỉ mang lại vẻ đẹp sang trọng mà còn chứa đựng thông điệp về trường thọ, may mắn và nhân văn.

Mỗi đường kim mũi chỉ, mỗi họa tiết thêu trên trang phục đều mang một ý nghĩa riêng – từ biểu tượng của sự trường thọ, may mắn cho đến những giá trị nhân văn của thời đại.
Ví dụ, họa tiết bông hoa mộc lan hay cành đào không chỉ tô điểm cho bộ cánh mà còn là biểu hiện của tâm hồn người Tống, đậm chất lãng mạn và mộc mạc. Trong phim, những chi tiết này được chăm chút tỉ mỉ, giúp khán giả dễ dàng “đi ngược thời gian” và cảm nhận không khí của một thời kỳ văn hóa đỉnh cao.

Và dĩ nhiên, dù ở thời đại nào thì trang phục của nam và nữ vẫn luôn có sự khác biệt.
Trang phục nam
Trang phục nam thời Tống được thiết kế đơn giản nhưng không kém phần trang trọng. Áo dài dáng rộng, tay áo dài và cổ cao cùng những đường may tỉ mỉ tạo nên phong thái thanh tao, học thức cho các nhân vật.

Những chi tiết như cổ áo được thiết kế cao, phần thân trang phục có độ xếp tầng vừa đủ tạo cảm giác thoải mái nhưng vẫn mang đậm dấu ấn của sự quý phái và học thức. Những đường thêu tinh xảo, có thể là hình ảnh của các loài chim, hoa hay biểu tượng phong thủy, càng làm tăng giá trị thẩm mỹ và gợi nhớ đến các bức tranh thủy mặc của Tống.

Một điểm đặc sắc khác của các nhân vật nam chính là những bông hoa được cài trên chiếc mũ màu đen có hai vạt giống như đôi cánh. Các vạt mỏng cứng và thẳng, mỗi vạt có thể dài tới gần một mét. Được biết phong cách cài hoa này đã xuất hiện từ thời nhà Đường tuy nhiên đến đời Tống nó càng hưng thịnh hơn, thậm chí còn trở thành một loại lễ nghi quan trường.

Trang phục nữ
Vẻ đẹp của phụ nữ thời Tống được khắc họa qua những bộ áo dài ôm vừa, tay áo phồng nhẹ hay xếp tầng tinh tế, tôn lên đường nét duyên dáng và quyền lực.

Đặc biệt, kiểu dáng của phần eo, thiết kế cắt may tinh tế đã giúp tôn lên vẻ đẹp nhẹ nhàng mà vẫn không kém phần quyền lực của người phụ nữ.

Đặc trưng của hỷ phục thời Tống là kiểu Áo Khóa kết hợp với áo choàng dài (Bixi), áo cánh (Ru) và váy dài (Qun). Chất liệu lụa và voan mang đến cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát, còn những chi tiết thêu – hoa sen, chim hạc, cát tường – gửi gắm mong muốn phúc khí và may mắn. Phụ kiện không thể thiếu là mũ phượng (phượng quan) được trang trí bằng vàng, ngọc và tua rua lấp lánh, cùng kiểu tóc búi cao, kết hợp với trang sức đồng bộ, góp phần làm nổi bật vẻ đẹp vương giả và tinh tế của cô dâu.

Bên cạnh sắc đỏ quen thuộc, chúng ta còn thấy nhiều mẫu hỷ phục khác nhau, bao gồm cả xanh lá và xanh lam. Đây là minh chứng cho sự đa dạng về màu sắc của giá y thời Tống. Việc sử dụng nhiều màu sắc khác nhau trong hỷ phục thời Tống không chỉ phản ánh gu thẩm mỹ đa dạng của thời đại, mà còn hàm chứa những ý nghĩa nhất định về ngũ hành, biểu trưng cho may mắn và cát tường.

Trang điểm và kiểu tóc
Tóc phụ nữ thời Tống thường được búi gọn, cài trâm với nhiều chi tiết phụ kiện như hoa, lá hoặc các hạt cườm nhỏ. Kiểu tóc này không chỉ nhằm tạo vẻ đẹp thanh lịch mà còn thể hiện sự kín đáo, trang nhã của người phụ nữ xưa.

Cách thực hiện kiểu tóc dùng Bao Kế này là sau khi đã tạo hình xong, dùng khăn lụa hoặc vải quấn quanh. Đặc điểm của kiểu tóc này nằm ở kỹ thuật quấn khăn lụa: Khăn lụa được quấn thành nhiều hình dạng hoa khác nhau, hoặc tạo thành hình một đám mây trôi, trang trí trên búi tóc, kết hợp với hoa tươi, đồ trang sức,... tạo nên một kiểu tóc mới lạ, vừa giản dị, vừa thanh lịch, vừa sang trọng.

Triều Thiên Kế là một loại của búi tóc cao mang đậm dấu ấn thời đại. Theo sách (Tống Sử Ngũ Hành Chí-Mộc) : "Vào niên hiệu Kiến Long và giai đoạn cuối triều đại Thục Mạnh Xương, phụ nữ tranh nhau đễ kiểu búi tóc cao, có tên gọi là Triều Thiên Kế", kiểu dáng đặc trưng của kiểu búi tóc này có thể nhìn thấy trong những bức tượng đất nung thời nhà Tống tại diện Thánh Mẫu thuộc đến Cẩm Từ ở Thái Nguyên, Sơn Tây.

Trang điểm thời Tống chú trọng vào sự tinh tế: đôi môi được tô hồng phấn nhẹ nhàng, còn lông mày được cắt tỉa và uốn cong nhẹ tạo nên nét dịu dàng, thanh lịch. Dù phim có chút cách tân với sản phẩm hiện đại nhằm làm nổi bật cảm xúc, phong cách trang điểm vẫn hướng đến vẻ tự nhiên, phối màu hài hòa cho mắt, má và môi, đồng bộ với trang phục, giúp người xem cảm nhận được “hồn” của thời đại qua từng nét cọ.

Phụ nữ thời nhà Tổng rất thích búi tóc cao, để búi tóc nhìn cao hơn, họ đã đội thêm tóc giả. Thậm chí còn có người búi tóc cao hơn hai thước. Đó đều là kết quả của việc chạy theo xu hướng. Kiểu tóc thời này cơ bản gồm có búi cao và búi thấp. Thông thường tầng lớp cao quý sẽ chọn búi tóc cao và búi tóc thấp thiên về tầng lớp bình dân. Triều Thiên Kế là kiểu kết hợp giữa tóc giả và tóc thật. Đây là nguyên nhân thời nhà Tổng xuất hiện những cửa hàng chuyên về tóc giả.
Đồng Tâm Kế cũng có tương tự như Triều Thiên Kế nhưng đơn giản hơn, bằng cách chải tóc hướng về phía đỉnh đầu và búi tròn.

Ở thời kỳ này, trâm cài tóc không chỉ là phụ kiện cố định tóc mà còn thể hiện địa vị xã hội và gu thẩm mỹ của người phụ nữ. Chất liệu chế tác trâm rất đa dạng, bao gồm vàng, bạc, ngọc, gỗ, và xương, với thiết kế tinh tế và tỉ mỉ. Họa tiết trên trâm thường lấy cảm hứng từ thiên nhiên như hoa mai, hoa sen, chim hạc và các biểu tượng cát tường, thể hiện sự thanh tao và tao nhã.

Gợi ý những mẫu trâm cài xinh xắn như các chị em họ Lệ: https://vn.shp.ee/f1mrnZQ

Đối với nam giới, phong cách làm đẹp của thời Tống thiên về sự giản dị nhưng không kém phần nhã nhặn. Kiểu tóc thường được chải gọn gàng, có lúc đội thêm những loại mũ truyền thống hoặc khăn xếp, nhằm tạo nên hình ảnh người trí thức hay chiến binh lịch lãm. Phim đã khéo léo tái hiện những hình ảnh này qua các nhân vật nam, cho thấy sự tôn trọng đối với giá trị truyền thống mà vẫn tạo được sự mới mẻ trong mắt khán giả.

Phim Ngũ Phúc Lâm Môn đã thành công trong việc sử dụng hình ảnh của các nhân vật để tái hiện lại vẻ đẹp và tinh hoa của thời nhà Tống – thời kỳ mà trang phục, trang điểm và phong cách làm đẹp được coi là nghệ thuật đích thực.
Cùng VOH giải trí cập nhật thêm các thông tin mới nhất về phim ảnh mỗi ngày tại chuyên mục phim ảnh.