Một người sau khi trưởng thành và kết hôn, cha mẹ họ thường bảo rằng có an cư thì mới lạc nghiệp. “An cư lạc nghiệp” là câu nói lâu đời, thế nhưng hiện nay câu thành ngữ này lại gây nhiều tranh cãi về việc chúng ta nên “an cư” rồi mới “lạc nghiệp” hay ngược lại. Vậy hãy cùng VOH tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này trong bài viết dưới đây.
An cư lạc nghiệp là gì?
“An cư lạc nghiệp” là câu thành ngữ mà người xưa hay sử dụng để răn dạy, nhắc nhở con cháu, nhất là những người đang ở độ tuổi chuẩn bị hoặc mới lập gia đình.
Xét theo ý nghĩa từng từ:
- An: Có nghĩa là sự yên ổn, ổn định
- Cư: Có nghĩa là nơi ăn chốn ở và là nơi con người cư trú, trở về
- Lạc: Có nghĩa lạc quan, vui vẻ, hài lòng
- Nghiệp: Có nghĩa là công việc, sự nghiệp
Như vậy, có thể hiểu nôm na “an cư lạc nghiệp” có nghĩa là sự ổn định về nơi ở, nơi sinh sống và sự hài lòng, vui vẻ trong công việc. Nói cách khác, khi cuộc sống ổn định thì việc gây dựng sự nghiệp mới trở nên hanh thông, thuận lợi hơn.
“An cư lạc nghiệp” tiếng Anh là “To have a stable life”, nghĩa là: Hướng tới một cuộc sống ổn định. Còn trong thành ngữ tiếng Trung, “an cư lạc nghiệp” được viết là “安居乐业”, có thể hiểu là: Sống ổn định ở một nơi, vui vẻ làm công việc của mình.
Thông điệp ý nghĩa từ thành ngữ “An cư lạc nghiệp”
“An cư lạc nghiệp” vốn là câu thành ngữ quen thuộc mà bất cứ ai cũng đã từng nghe qua ít nhất một lần trong đời. Câu thành ngữ chỉ gói gọn trong 4 chữ nhưng cũng đủ đúc kết được kinh nghiệm sống của ông cha ta ngày trước. Dù xã hội đã có những sự thay đổi, song quan điểm này vẫn giữ một giá trị nhất định trong đời sống tinh thần của người dân Việt.
Người xưa cho rằng, khi muốn bắt đầu một công việc làm ăn lâu dài, trước hết ta cần phải ổn định về nơi ăn chốn ở. Khi đã “an cư” thì ta mới có thể toàn tâm toàn ý cho công việc. Một người sống “nay đây mai đó”, không có một chỗ ở cố định thì khó mà có thể yên tâm để lo cho sự nghiệp.
Hơn thế, “an cư” không chỉ giới hạn ở việc ổn định về chỗ ở, nó còn bao hàm cả ý nghĩa là một ngôi nhà, một tổ ấm đúng nghĩa, không gian sống thoải mái, đem lại cảm giác bình yên, thư thái.
Ông cha ta ngày xưa không hề đi tìm kiếm chữ “an” ở các giá trị vật chất như nhà cao, cửa rộng, mà chỉ đơn giản là có một nơi ở cố định, thuộc về riêng mình. Sau đó, lấy nền tảng của chính sự ổn định này để tạo động lực chuyên tâm làm việc.
Vậy nên, “an cư” thật sự là ở trong lòng, chỉ cần chọn được một nơi ở phù hợp, không cần quá lớn, cũng không quá nhỏ. Quan trọng vẫn là sự thoải mái, vui vẻ và hạnh phúc khi trở về tổ ấm của chính mình.
Tương tự, “lạc nghiệp” cũng là một yếu tố cần thiết mà mỗi người chúng ta không thể thiếu. Tuy nhiên, công việc mà ta muốn làm sẽ không phải là ngày một, ngày hai mà nó theo chúng ta suốt khoảng thời gian dài. Vì thế, “lạc nghiệp” thật sự chính là ta lựa chọn một công việc phù hợp, cảm thấy hứng thú và đam mê khi gắn liền với nó.
Tóm lại, ngụ ý sâu xa mà người xưa muốn truyền tải chính là “an cư’ không chỉ để ở về mặt thể chất, mà nó còn là nơi lưu trú của chính tâm hồn mình. “Lạc nghiệp” không chỉ là để bắt đầu một công việc, mà nó còn là sự vui vẻ, hăng say và hứng thú lao động ở mỗi người.
Xem thêm:
Ý nghĩa câu thành ngữ 'Trăm hay không bằng tay quen'
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Giấy rách phải giữ lấy lề’
Ý nghĩa câu nói “Có qua có lại mới toại lòng nhau” là gì?
Quan điểm về chữ “an cư” trong thời đại mới
Ý nghĩa câu thành ngữ “an cư lạc nghiệp” trong thời đại mới đã có những sự thay đổi ít nhiều. Ngày nay, nhắc đến “an cư” người ta thường nghĩ ngay tới một ngôi nhà. Mà ngôi nhà của thời đại ngày nay dường như mang nặng yếu tố an toàn hơn an lành.
Đương nhiên, khi đề cao yếu tố an toàn chúng ta sẽ có được những tiêu chuẩn về an toàn xây dựng, an toàn về điện, về an ninh… cho một ngôi nhà. Tuy nhiên, cũng chính sự an toàn đã vô tình làm cho những ngôi nhà của thời đại mới có vẻ như ngăn cách với không gian sống xung quanh.
Ở thời xưa hay ngày nay thì ngôi nhà vẫn chính là xuất phát điểm của chữ “an”. Dù cho cảm giác an tâm trong ngôi nhà có tường cao, rào sắt sẽ không thể nào giống với cảm giác thư thái, an lành khi “ngồi bên hiên nhà”.
Có thể thấy quan điểm về “an cư” ở thời nay có phần thay đổi so với ngày xưa, nhưng giá trị tinh thần quý giá thì vẫn không hề thay đổi. Đa số những người sau khi mua nhà hay xây được một ngôi nhà đều có điểm chung là sự hài lòng. Sau một ngày làm việc mệt mỏi được trở về nhà, được sống an nhiên giữa không gian cư ngụ của riêng mình thì đã là hạnh phúc.
Nên “an cư lạc nghiệp” hay “lạc nghiệp” mới “an cư”?
Nếu như trước đây “an cư lạc nghiệp” là một quan niệm, lối sống thì ngày nay hai cụm từ “an cư” và “lạc nghiệp” lại được đặt tách rời nhau, trở thành mối băn khoăn của rất nhiều người về việc liệu rằng “an cư” mới “lạc nghiệp” hay “lạc nghiệp” rồi “an cư”?
Thực ra, câu nói “an cư lạc nghiệp” xuất phát từ quan niệm xưa về việc cần phải có một nơi an ổn rồi mới nghĩ đến sự nghiệp lâu dài. Nếu chỗ ở không ổn định thì sẽ ảnh hưởng đến tinh thần và nhiều thứ khác, khiến người ta khó có thể tập trung cho sự nghiệp. Như cái cách mà người xưa hay nói “một chỗ an thân còn chưa lo được thì nói gì đến sự nghiệp”.
Thế nhưng, ngày nay mọi sự có những biến hóa riêng, người ta không còn đi theo các khuôn khổ mà lựa chọn những thứ hợp với họ nhất. Do vậy, chọn “an cư” hay “lạc nghiệp” trước vẫn là tùy khả năng và hoàn cảnh mỗi người.
Có người cho rằng, có một ngôi nhà là điều quan trọng, khi ấy đời sống cá nhân mới không bị xáo trộn, họ có thể dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp. Việc sở hữu một ngôi nhà giúp đời sống họ được tự do, được nghỉ ngơi, thư giãn ở nơi thuộc về mình. Như vậy, tầm quan trọng của việc “an cư” là rất lớn.
Cũng có người nói rằng khi còn trẻ sự nghiệp mới là điều quan trọng. Họ đặt ra các mục tiêu mua nhà, mua xe khi mới bắt đầu công việc, vì đơn giản công việc chính là công cụ kiếm tiền để đạt được các mục tiêu kia.
Ban đầu họ lựa chọn ở nhà thuê và sử dụng nguồn tài chính hiện tại để lạc nghiệp. Khi đã vững vàng dư giả, họ mới đi đến việc mua nhà. Lúc đó “lạc nghiệp” rồi mới “an cư” cũng chưa hề muộn.
Nơi ăn chốn ở là điều cần thiết mỗi người, nhưng không vì vậy mà chúng ta phải vội vã chọn một nơi có chất lượng quá thấp, quá tệ hoặc chọn nơi xa hoa không phù hợp khả năng điều kiện kinh tế của mình. Nếu chúng ta có thể mua nhà từ một khoản dư tích góp, thì mới gọi là “an cư”, còn mỗi ngày phải áp lực vì trả những khoản nợ thì đã không còn gọi là “an” nữa rồi.
Cho nên, cả hai quan điểm trên bạn cho cái nào là đúng thì nó sẽ đúng, nếu bạn nghĩ sai thì sẽ là sai. Bởi thực tế, đích đến cuối cùng của mỗi người hướng đến sẽ định hướng và giúp bạn quyết định rằng nên “an cư” hay “lạc nghiệp” trước sẽ tốt hơn.
Xem thêm:
Tại sao lại nói ‘Con trâu là đầu cơ nghiệp’?
Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Liệu cơm gắp mắm’ nói tới điều gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ 'Của thiên trả địa' nói đến quy luật gì?
“An cư lạc nghiệp” từ nhiều góc nhìn
Khi bàn về “an cư lạc nghiệp” thì rõ ràng nhóm đối tượng cảm thấy băn khoăn nhiều nhất chính là người trẻ tuổi. Bởi họ đang đứng trước rất nhiều ngã rẽ của cuộc đời. Việc muốn “an cư” để “lạc nghiệp” với nhiều người là một bài toán khó khăn.
Khả năng mua nhà của người trẻ hiện nay
Hiện nay, các chung cư mini, nhà ở xã hội mọc lên rất nhiều, tạo điều kiện thuận lợi để những bạn trẻ có cơ hội tiếp cận với nguồn bất động sản nhà ở.
Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là những căn hộ dưới 1,5 tỷ là rất hiếm. Thị trường bất động sản thì biến động liên tục, chỉ có những ai biết nắm bắt cơ hội và theo dõi thị trường liên tục mới có thể chớp được thời cơ mua với giá hợp lý.
Mặt khác, với một người có mức lương trung bình thì việc sở hữu một căn hộ là điều rất khó khăn. Giá nhà đất tăng lên mỗi ngày đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng mua nhà của nhiều người trẻ.
Vay tiền mua nhà … được gì?
Nhiều người khi ở độ tuổi còn rất trẻ đã sở hữu được một căn nhà cho riêng mình khiến nhiều người ghen tỵ, cảm thấy ngưỡng mộ.
Đương nhiên, nếu như bạn kiếm được toàn bộ tiền mặt để trả toàn bộ cho căn nhà của mình thì đúng là rất đáng khâm phục, còn nếu bạn đi vay để mua nhà thì cần phải suy nghĩ lại. Đừng vì một vài lời khen ngợi thoáng qua mà bạn phải trả giá bằng những tháng ngày vật lộn với các khoản vay.
Nếu nguồn thu nhập không ổn định mà lại phải đi vay số tiền lớn chỉ để phục vụ cho việc “an cư” thì bạn rất dễ bị biến thành “con nợ” đúng nghĩa. Sức ép về tài chính có thể dẫn đến những căng thẳng, lo âu khiến cuộc sống bạn bị đảo lộn. Vậy thì liệu có đảm bảo được một cuộc sống để bạn tiếp tục “an cư” hay không?
“An cư lạc nghiệp” mà trước đây nhiều người thường hay nói vốn mang tính kinh tế nông nghiệp, tức là người dân ít phải di chuyển nên muốn có nhà gọi là “an cư” rồi mới lập nghiệp trên mảnh đất đó. Còn việc “an cư lạc nghiệp” với thời đại ngày nay đã có sự biến đổi, cho nên việc chọn “an cư” hay “lạc nghiệp” trước sẽ phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người.
Đừng quên cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.