Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tiểu sử Bạch Cư Dị và màu sắc hiện thực cuộc sống trong thơ của Bạch Cư Dị

(VOH) - Bạch Cư Dị là nhà thơ thời Đường nổi tiếng, kể từ khi còn sống những bài thơ của ông đã cực kỳ phổ biến trong dân gian và ảnh hưởng đến các nước lân bang.

Người yêu thơ Trung Hoa xếp Bạch Cư Dị chỉ sau “thi tiên” Lý Bạch và “thi thánh” Đỗ Phủ. Vậy thơ ca Bạch Cư Dị có gì đặc sắc mà được đánh giá cao đến vậy? Mời bạn cùng tìm hiểu về cuộc đời và tác phẩm của thi sĩ Bạch Cư Dị qua bài viết dưới đây.

1. Bạch Cư Dị là ai?

Bạch Cư Dị (白居易) sinh ngày 28 tháng 2 năm 772 SCN tại Hà Nam, tên tự là Lạc Thiên (樂天).  Tổ tiên ông là người Thái Nguyên, Sơn Tây sau này di cư tới Hạ Khê, Vị Nam, Thiểm Tây (nay là tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc).

Bạch Cư Dị sinh ra trong gia đình quan lại nhỏ, trong thời kỳ Mạt Đường. Ông ra đời vào lúc mà chính quyền trung ương của họ Lý đã suy yếu sau loạn An Lộc Sơn, vì thế xã hội nhà Đường lúc bấy giờ không còn được như thời đỉnh cao, các mâu thuẫn trong xã hội đã khá gay gắt, hoàn cảnh của cuộc sống lúc bấy giờ đã ảnh hưởng khá lớn đến tư tưởng trong các tác phẩm của Bạch Cư Dị.

Từ nhỏ, vì loạn lạc mà gia đình Bạch Cư Dị phải di cư đến miền quê nghèo để sinh sống, chứng kiến người dân lầm than đói khổ đã tác động lớn đến quá trình trưởng thành của ông. Tuy trong thời buổi loạn lạc nhưng ông được giáo dục rất tốt, từ nhỏ đã chứng tỏ mình là người thông minh, 9 tuổi ông đã hiểu âm vận, 15 tuổi bắt đầu làm thơ, tuy vậy vì các biến cố trong cuộc sống mà đến năm 800 (28 tuổi) ông mới đậu tiến sĩ và được bổ nhiệm làm Tả thập di ở triều đình của hoàng đế Đường Đức Tông (Lý Quát).

Năm 815, vì hạch tội nhóm quyền thần mà ông bị giáng chứng, rời khỏi kinh thành Trường An biếm về làm Tư mã Giang Châu. Cũng vì không hợp với các quyền thần bấy giờ mà quan lộ của Bạch Cư Dị phải chịu nhiều phen lao đao.

Năm 820, ông được điều về kinh thành làm quan dưới thời vua Đường Mục Tông (Lý Hằng). Tuy nhiên vì chán ngán trước triều đình kết bè kéo cánh tranh quyền đoạt lợi, ông dâng sớ để được đi làm quan ở Hà Bắc, sớ không được chấp nhận, ông quyết định tự rời kinh đô.

Năm 822 ông được cử làm Thứ sử Hàng Châu. Năm 825 làm Thứ sử Tô Châu. Ở những địa phương này ông đều dụng công làm thủy lợi. Những công trình mà ông cho khởi công xây dựng đã giúp dân chúng có thể yên tâm sinh sống, làm ruộng vì thế dân chúng rất kính yêu ông.

Sau này ông được triệu về kinh nhận chức Thái tử Thiếu phó, đến năm 842 Bạch Cư Dị về hưu khi đang đảm nhận chức Hình bộ Thượng thư. 

Năm 846 ông mất ở Hương Sơn, Lạc Dương, thọ 70 tuổi ở thời vua Đường Tuyên Tông (Lý Thầm). Khi ông mất Tuyên Tông có làm bài thơ điếu để tỏ lòng thương tiếc như sau:

"Sáu mươi năm sáng tác ngọc liền châu,
Ai đã chỉ đường làm thi tiên?
Phù vân không gắn tên Cư Dị,
Tạo hóa vô vi tự Lạc Thiên.
Đồng Tử ngâm nga Trường hận khúc,
Hồ nhi ca hát tỳ bà thiên.
Văn chương đã đến cùng trăm họ.
Mỗi độ nhớ khanh trẫm đau buồn."

Những năm cuối đời Bạch Cư Dị chú tâm nghiên cứu Phật pháp ở Hương Sơn, Lạc Dương vì thế được mệnh danh (tự xưng) là Hương Sơn cư sĩ (香山居士). Ông còn có những tên hiệu khác như Túy ngâm tiên sinh (醉吟先生) hay Quảng Đại giáo hóa chủ (廣大教化主).

Tiểu sử Bạch Cư Dị và màu sắc hiện thực cuộc sống trong thơ của Bạch Cư Dị 1
Tượng của Bạch Cư Dị trong Trung tâm Khảo thí Hoàng gia Giang Nam, Trung Quốc - Ảnh:Sohu

2. Phân tích hồn thơ đậm màu sắc hiện thực cuộc sống trong thơ ca Bạch Cư Dị

Khác với chủ nghĩa lãng mạn trong thơ của  “thi tiên” Lý Bạch, Bạch Cư Dị kế thừa chủ nghĩa hiện thực của “thi thánh” Đỗ Phủ - có lẽ vì cuộc đời cũng trải qua nhiều thăng trầm, tuy vậy thơ ông không trầm uất, nghẹn ngào như thơ của "thi thánh" Đỗ Phủ mà thường là châm biếm, mỉa mai nhẹ nhàng. Các tác phẩm của ông luôn thấm nhuần tư tưởng nhân đạo, nhân văn với phong cách thơ ca giản dị, mang hơi thở của cuộc sống, phản ánh đời sống khổ cực của các tầng lớp dân chúng thấp kém.

Vì chủ đề gần gũi và lời thơ bình dị nên các tác phẩm của ông rất phổ biến trong dân gian, đương thời lúc ông còn sống thơ ca của ông đã phổ biến khắp Đại Đường và có ảnh hưởng đến các nước lân bang như Cao Ly, Đại Việt, Tân La, Nhật Bản,...

Một số tác phẩm nổi bật của Bạch Cư Dị nói về hiện thực cuộc sống dân chúng có thể kể đến như Tỳ bà hành, Quan ngải mạch, Mại thán ông, Liễu lăng,....

Trong bài thơ Quan ngải mạch (Xem gặt lúa) Bạch Cư Dị kể về đời sống gian truân vất vả của người nông dân. Trong bài thơ ông bày tỏ tâm trạng xấu hổ vì bản thân nhận bổng lộc 1 năm tới “300 phương gạo” (1 phương gạo = 12kg gạo) khi mà người nông dân còn phải đi lượm từng bông lúa sau mùa gặt.

Bài thơ Quan Ngải Mạch - Bạch Cư Dị - Hoàng Tạo dịch

Nhà nông ít tháng rỗi,
Tháng năm càng rộn ràng.
Đêm qua gió nam thổi,
Lúa chín lợp bờ vàng.
Thúng cơm các bà đội,
Bầu nước trẻ con mang.
Theo đem cơm ra ruộng
Trai tráng trên gò nam.
Chân bỏng sôi hơn đất,
Cật cháy ánh mặt trời.
Mải miết không biết nóng,
Chỉ tiếc ngày hè dài.
Lại có một bà nghèo,
Ôm con đứng bên cạnh,
Tay phải nhặt bông rơi,
Tay trái đeo giỏ rách.
Thoáng chuyện bà mới góp,
Người nghe thấy bồi hồi:
“Ruộng nhà bán nộp thuế,
Mót chút để cầm hơi!”
Nay mình công cán gì?
Việc nông tang chẳng biết,
Lương hưởng ba trăm phương,
Cuối năm ăn chẳng hết.
Nghĩ lại thấy thẹn thùng,
Suốt ngày lòng bứt rứt.

Tiểu sử Bạch Cư Dị và màu sắc hiện thực cuộc sống trong thơ của Bạch Cư Dị 2
Ảnh minh họa Bạch Cư Dị quan sát nông dân gặt lúa - Nguồn ảnh: Sohu

Hay bài thơ Ông bán than (Mại thán ông) nổi tiếng ông làm để miêu tả công việc kiếm sống khổ cực của người bán than lương thiện. Làm việc vất vả là thế nhưng khi gặp quyền thế bức ép, “ngàn cân than” đổi lấy “Nửa tấm lụa hồng, một trượng the” thì chỉ biết tiếc nhưng chẳng làm gì được.

Mại thán ông - Bạch Cư Dị - Hoàng Tạo dịch

Ông bán than!
Đốt củi đốt than trong núi Nam,
Mặt mày tro bụi khói lửa ám,
Mái tóc hoa râm tay đen ngòm!
Bán than được tiền ông tính toán:
Phần sắm quần áo, phần gạo cơm.
Thương thay! Trên mình áo mỏng dính,
Lòng lo than rẻ, mong trời lạnh!
Đêm qua ngoài thành tuyết hàng thước,
Sớm đánh xe than, rãnh băng ướt,
Trâu mỏi, người đói, mặt trời cao,
Bùn lầy cửa Nam tạm nghỉ bước.
Băng băng đôi ngựa, kìa ai nhỉ?
Áo vàng, áo trắng hai quan thị.
Tay giơ giấy tờ, mồm quát: “Sắc!”
Quay xe hò trâu kéo về bắc.
Một xe than nặng hơn ngàn cân,
Người nhà vua lấy, tiếc chẳng được.
Nửa tấm lụa hồng, một trượng the,
Buộc lên sừng trâu, không lấy? Mặc!

Tiểu sử Bạch Cư Dị và màu sắc hiện thực cuộc sống trong thơ của Bạch Cư Dị 3
Nguồn ảnh: Sohu

Trong bài bài Liễu lăng Bạch Cư Dị hỏi những người “múa hát ở Cung Chiêu Dương” (ý chỉ những người giàu, có quyền thế) có buông lời thở than khi nhìn những tấm lụa đẹp đẽ sinh ra từ công sức vất vả của người thợ dệt lụa ở Giang Nam:

Bạch Cư Dị - Liễu lăng - Ngô Văn Phú dịch

Thấy chăng ai, vẻ màu lụa nõn?
Chẳng giống the, lụa mỏng cũng không.
Núi Thiên Thai, trước ánh trăng,
Thác cao trắng xoá, bốn lăm thước dài.
Hoa văn in, đẹp tươi lạ mắt,
Như khói lan, hoa tuyết bay bay.
Lụa ai dệt? Áo cho ai?
Dệt là gái Việt, áo may phi tần.
Năm ngoái lệnh vua ban, sứ đến,
Mẫu từ trời, thợ kén trong dân.
Nhạn bay, ngoài cõi mây vần,
Giang Nam, màu nước mùa xuân nhuộm mềm.
Tay áo rộng, may quần đúng kiểu,
Sáng sao Kim, sao Đẩu vào đêm.
Hoa lay khi lụa soi nghiêng,
Chiêu Dương người múa, ơn trên cao dầy.
Nghìn vàng tấm áo này nên giá,
Phấn nhoè, mồ hôi vã đắng cay.
Dầm bùn đất, vẫn mê say,
Dệt nên lụa nõn, đêm ngày gắng công.
Những tơ lụa tầm thường khó sánh,
Tay nhức vì sợi mảnh, khâu dầy.
Chiêu Dương múa hát là ai?
Thấy người dệt, hẳn buông lời thở than.

Hoặc một trong những bài thơ được yêu thích nhất của ông là Tỳ bà hành được viết để cảm thương cho cuộc sống lênh đênh lưu lạc giang hồ của thân phận con hát hèn mọn trong xã hội bấy giờ.

Đoạn dẫn bài thơ Tỳ bà hành do chính Bạch Cư Dị chấp bút:
Năm Nguyên Hòa thứ 10, ta về giữ chức tư mã ở quận Cửu Giang (Giang Châu). Qua mùa thu năm sau, đêm ra tiễn khách bên bến sông Bồn, chợt nghe thuyền ai có tiếng đàn tỳ bà vọng lại. Nghe trong tiến đàn thánh thót, âm vang điệu nhạc ở kinh đô. Bèn hỏi gốc gác. Người đàn bà trả lời rằng “Tôi vốn là con hát, quê ở Trường An, học đàn tỳ bà với hai danh sư Mục và Tào. Nay tuổi đã cao, nhan sắc tàn tạ, lấy chồng làm con buôn (thường theo thuyền buôn đi đây đi đó)”. Nghe vậy, cho dọn rượu ra đãi, xin nàng đàn lại cho nghe. Lúc đàn xong cảm xúc vô vàn, nàng bèn kể lại cuộc đời mình từ lúc còn trẻ, vui sướng, cho tới lúc lưu lạc giang hồ khổ nhọc. Ta về đây làm quan đã được hai năm thanh thản yên ổn. Hôm nay nghe nàng này nói chuyện, cảm thương cho số phận lưu đày! Bèn làm một bài thơ dài tặng nàng ta, gồm 616 chữ, gọi là Tỳ bà hành.

Tiểu sử Bạch Cư Dị và màu sắc hiện thực cuộc sống trong thơ của Bạch Cư Dị 4
Bạch Cư Dị nghe con hát kể về cuộc đời gian truân của mình - Nguồn ảnh: Sohu

Tỳ bà hành - Bạch Cư Dị - Phan Huy Thực dịch

Bến Tầm Dương, canh khuya đưa khách.
Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu.
Người xuống ngựa, khách dừng chèo,
Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ty.
Say những luống ngại khi hầu rẽ,
Nước mênh mông đượm vẻ gương trong.
Tiếng tỳ chợt vẳng trên sông,
Chủ khuây khoả lại, khách dùng dằng xuôi.
Lần tiếng sẽ hỏi ai đàn tá?
Lửng tiếng đàn, nấn ná làm thinh.
Dời thuyền theo hỏi thăm tình,
Chong đèn, thêm rượu, còn dành tiệc vui.
Mời mọc mãi thấy người bỡ ngỡ,
Tay ôm đàn che nửa mặt hoa.
Vặn đàn vài tiếng dạo qua,
Tuy chưa trọn khúc, tình đà thoảng hay.
Nghe não nuột mấy dây bứt rứt,
Dường than niềm tấm tức bấy lâu.
Chau mày, tay gảy khúc sầu,
Giãi bày mọi nỗi trước sau muôn vàn.
Ngón buông, bắt, khoan khoan dìu dặt,
Trước “Nghê thường”, sau thoắt “Lục yêu”.
Dây to nhường đổ mưa rào,
Nỉ non dây nhỏ như trò chuyện riêng.
Tiếng cao thấp lần chen liền gảy,
Mâm ngọc đâu bỗng nảy hạt châu.
Trong hoa, oanh ríu rít nhau,
Suối tuôn róc rách chảy mau xuống ghềnh.
Tiếng suối lạnh, dây mành ngừng tắt,
Ngừng tắt nên phút bặt tiếng tơ.
Ôm sầu, đau giận ngẩn ngơ,
Tiếng tơ lặng lẽ bấy giờ càng hay.
Bình bạc vỡ tuôn đầy mạch nước,
Ngựa sắt giong, thét ngược tiếng đao.
Cung đàn trọn khúc thanh tao,
Tiếng buông xé lụa, lựa vào bốn dây.
Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt,
Một vầng trăng trong vắt lòng sông.
Ngậm ngùi đàn bát xếp xong,
Áo xiêm khép nép hầu mong giải lời.
Rằng xưa vốn là người kẻ chợ,
Cồn Hà Mô trú ở lân la.
Học đàn từ thuở mười ba,
Giáo phường đệ nhất sổ đà chép tên.
Gã thiện tài sợ phen dừng khúc,
Ả Thu Nương ghen lúc điểm tô.
Ngũ Lăng, chàng trẻ ganh đua,
Biết bao the tấm chuốc mua tiếng đàn.
Vành lược bạc gãy tay nhịp gõ,
Bức quần hồng hoen ố rượu rơi.
Năm năm lần lữa vui cười,
Mải gió trăng chẳng đoái hoài xuân thu.
Buồn em trẩy, lại sầu dì thác,
Lần hôm mai đổi khác hình dung.
Cửa ngoài xe ngựa vắng không,
Thân già mới kết đôi cùng khách thương.
Khách trọng lợi khinh thường ly cách,
Mải buôn chè, sớm tếch miền khơi.
Thuyền không đậu bến mặc ai,
Quanh thuyền trăng dãi, nước trôi lạnh lùng.
Ðêm khuya, sực nhớ vòng tuổi trẻ,
Lệ trong mơ hoen vẻ phấn son.
Nghe đàn ta đã chạnh buồn,
Lại rầu nghe nỗi nỉ non mấy lời.
Cùng một lứa bên trời lận đận,
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau.
Từ xa kinh khuyết bấy lâu,
Tầm Dương đất trích, gối sầu hôm mai.
Chốn cùng tịch lấy ai vui thích,
Tai chẳng nghe đàn địch cả năm.
Sông Bồn gần chốn cát lầm,
Lau vàng, trúc võ nảy mầm quanh hiên.
Tiếng chi đó nghe liền sớm tối,
Cuốc kêu sầu, vượn hót nỉ non.
Hoa xuân nở, nguyệt thu tròn,
Lần lần tay chuốc chén son riêng ngừng.
Há chẳng có ca rừng địch nội,
Giọng líu lo, nhiều nỗi khó nghe.
Tiếng tỳ nghe dạo canh khuya,
Dường như tiên nhạc gần kề bên tai.
Hãy ngồi lại gảy chơi khúc nữa,
Sẽ vì nàng soạn sửa bài ca.
Tần ngần dường cảm lời ta,
Dén ngồi bắt ngón đàn đà kíp dây.
Nghe não nuột khác tay đàn trước,
Khắp tiệc hoa tuôn nước lệ rơi.
Lệ ai chan chứa hơn người?
Giang châu Tư Mã đượm mùi áo xanh.

Có thể thấy dù đi đâu, làm gì thì Bạch Cư Dị luôn hòa nhập và chú tâm quan sát cuộc sống của nhân dân. Sự quan sát thường xuyên đó đã giúp ông hiểu và cảm thấy xót xa cho thân phận con người trong xã hội phong kiến để từ đó thai nghén ra những bài thơ tuyệt phẩm nói lên tiếng lòng, tiếng thở than, ngậm ngùi của người dân thấp kém. Đồng thời những bài thơ ấy cũng rung lên hồi chuông cảnh báo cho vua chúa, quan lại, giai cấp thống trị biết mà tự sửa mình.

Xem thêm:
Tổng hợp 46 bài thơ Đường hay nhất mọi thời đại
25 bài thơ tình bất hủ Việt Nam, những áng thơ tình yêu bất diệt
Tổng hợp 3254 câu thơ Kiều của đại thi hào Nguyễn Du

3. Danh sách tác phẩm của nhà thơ Bạch Cư Dị

Bạch Cư Dị để lại cho đời sau số lượng tác phẩm đồ sộ lên tới gần 2.800 tác phẩm, phần lớn trong đó là thơ ca. Những tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến như:

  • Hậu cung từ
  • Phú đắc cổ nguyên thảo tống biệt
  • Trường hận ca
  • Tỳ bà hành
  • Vấn Lưu thập cửu
  • Vọng nguyệt hữu cảm
  • Tử vi hoa
  • Ức giang liễu
  • Hoa phi hoa
  • Trường tương tư
  • Đại Lâm Tự đào hoa

Các tác phẩm khác:

DANH SÁCH TÁC PHẨM CỦA BẠCH CƯ DỊ
  1. Bạch lộ
  2. Bách luyện kính
  3. Bạch Vân tuyền
  4. Bản kiều lộ
  5. Bành Lễ hồ vãn quy
  6. Bát nguyệt thập ngũ nhật dạ cấm trung độc trực, đối nguyệt ức Nguyên Cửu
  7. Bát tuấn đồ
  8. Bệnh trung họa Tây phương biến tương tụng
  9. Bồ Đề tự thượng phương vãn diểu
  10. Bội hoàng
  11. Ca vũ
  12. Cảm cố Trương bộc xạ chư kỹ
  13. Cảm hạc
  14. Cảm Hoá tự kiến Nguyên, Lưu đề danh
  15. Cảm kính
  16. Cấm trung
  17. Cần Chính lâu tây lão liễu
  18. Chân nương mộ
  19. Chiêu đông lân
  20. Chiêu Quân từ kỳ 1
  21. Chiêu Quân từ kỳ 2
  22. Chu trung dạ vũ
  23. Chu trung độc Nguyên Cửu thi
  24. Chủng lệ chi
  25. Cửu bất kiến hàn thị lang, hí đề tứ vận dĩ ký chi
  26. Cửu niên thập nhất nguyệt nhị thập nhất nhật cảm sự nhi tác (Kỳ nhật độc du Hương Sơn tự)
  27. Dạ tranh
  28. Dạ tuyết
  29. Dạ vũ
  30. Đại Lâm tự đào hoa
  31. Đại lân tẩu ngôn hoài
  32. Đại mại tân nữ tặng chư kỹ
  33. Đáp Vi Chi
  34. Đề Lệnh Hồ gia mộc lan hoa
  35. Di Ái tự
  36. Dĩ kính tặng biệt
  37. Diêm thương phụ
  38. Đỗ Lăng tẩu
  39. Đồ Sơn tự độc du
  40. Độc Lão Tử
  41. Độc Trang Tử
  42. Đối tửu kỳ 4
  43. Đông chí túc Dương Mai quán
  44. Đông dạ văn trùng
  45. Đông đình nhàn vọng
  46. Đồng Lý Thập Nhất tuý ức Nguyên Cửu
  47. Dư Hàng hình thắng
  48. Dữ Mộng Đắc cố tửu nhàn ẩm, thả ước hậu kỳ
  49. Du tiểu Động Đình
  50. Du Triệu thôn hạnh hoa
  51. Du Vân Cư tự tặng Mục tam thập lục địa chủ
  52. Dục dữ nguyên bát bốc lân, tiên hữu thị tặng
  53. Dương liễu chi bát thủ kỳ 1
  54. Dương liễu chi bát thủ kỳ 2
  55. Dương liễu chi bát thủ kỳ 3
  56. Dương liễu chi bát thủ kỳ 4
  57. Dương liễu chi bát thủ kỳ 5
  58. Dương liễu chi bát thủ kỳ 6
  59. Dương liễu chi bát thủ kỳ 7
  60. Dương liễu chi bát thủ kỳ 8
  61. Dương liễu chi nhị thủ kỳ 1
  62. Dưỡng trúc ký
  63. Giang lâu vãn thiếu cảnh vật tiên kỳ ngâm ngoạn thành thiên ký Thuỷ bộ Trương Tịch viên ngoại
  64. Giang Nam tống bắc khách nhân bằng ký Từ Châu huynh đệ thư
  65. Giang thượng địch
  66. Giang thượng ngâm Nguyên bát tuyệt cú
  67. Hà đình tình vọng
  68. Hà Mãn Tử
  69. Hạ vũ
  70. Hắc đàm long
  71. Hải man man
  72. Hàm Đan đông chí dạ tư gia
  73. Hàn khuê oán
  74. Hàn thực dã vọng ngâm
  75. Hàng Châu xuân vọng
  76. Hạnh Viên hoa hạ tặng Lưu lang trung
  77. Hạo ca hành
  78. Hậu cung oán
  79. Hậu cung từ
  80. Hí đáp chư thiếu niên
  81. Hí đề tân tài tường vi
  82. Hồ tuyền nữ
  83. Hoạ đáp thi kỳ 4 - Hoạ đại chuỷ ô
  84. Hoạ Đỗ lục sự đề hồng diệp
  85. Hoạ Dương thượng thư bãi tướng hậu hạ nhật du Vĩnh An thuỷ đình, kiêm chiêu bản Tào Dương thị lang đồng hành
  86. Hoa phi hoa
  87. Hoạ trúc ca
  88. Hồng anh vũ (Thương Sơn lộ phùng)
  89. Hồng tuyến thảm
  90. Hung trạch
  91. Hương Lô phong hạ tân bốc sơn cư, thảo đường sơ thành, ngẫu đề đông bích kỳ 1
  92. Hương Lô phong hạ tân bốc sơn cư, thảo đường sơ thành, ngẫu đề đông bích kỳ 4
  93. Hương Sơn tị thử kỳ 2
  94. Hữu mộc kỳ 7 - Lăng tiêu hoa
  95. Hữu nhân dạ phỏng
  96. Hỷ bãi quận
  97. Khách trung nguyệt
  98. Khán thái liên
  99. Khốc Hoàng Phủ thất lang trung Thực
  100. Khốc Lưu Đôn Chất
  101. Khốc Lưu thượng thư Mộng Đắc kỳ 1
  102. Khốc Lưu thượng thư Mộng Đắc kỳ 2
  103. Khúc giang hữu cảm
  104. Khúc giang tuý hậu tặng chư thân cố
  105. Khúc giang ức Nguyên Cửu
  106. Khuê oán từ kỳ 1
  107. Khuê oán từ kỳ 2
  108. Khuê oán từ kỳ 3
  109. Khuê phụ
  110. Khuyến tửu
  111. Kiến Doãn Công Lượng tân thi ngẫu tặng tuyệt cú
  112. Kiến Xương giang
  113. Ký  n Hiệp Luật
  114. Ký Đường Sinh
  115. Ký Dương Vạn Châu Tứ Vọng lâu
  116. Ký Tương Linh
  117. Ký Vi Chi kỳ 1
  118. Ký Vi Chi kỳ 2
  119. Ký Vi Chi kỳ 3
  120. Lạc Dương tảo xuân
  121. Lâm Đô dịch đáp Mộng Đắc
  122. Lâm giang tống Hạ Chiêm
  123. Lam Kiều dịch kiến Nguyên Cửu thi
  124. Lãm Lư Tử Mông thị ngự cựu thi, đa dữ Vi Chi xướng hoạ, cảm kim thương tích, nhân tặng Tử Mông, đề ư quyển hậu
  125. Lãng đào sa kỳ 1
  126. Lãng đào sa kỳ 2
  127. Lãng đào sa kỳ 3
  128. Lãng đào sa kỳ 4
  129. Lãng đào sa kỳ 5
  130. Lãng đào sa kỳ 6
  131. Liễu lăng
  132. Lĩnh thượng vân
  133. Lưỡng chu các
  134. Luy tuấn
  135. Lý Bạch mộ
  136. Lý đô uý cổ kiếm
  137. Mại thán ông
  138. Mẫu biệt tử
  139. Mộ giang ngâm
  140. Mộ lập
  141. Mộng Vi Chi
  142. Nam Phố biệt
  143. Ngoạn tân đình thụ, nhân vịnh sở hoài
  144. Nguỵ vương đê
  145. Nhàn cư
  146. Nhân định
  147. Nhàn tịch
  148. Nhuận cửu nguyệt cửu nhật độc ẩm
  149. Niệm Phật ngâm
  150. Phiếm Thái Hồ thư sự, ký Vi Chi
  151. Phọc nhung nhân
  152. Phóng lữ nhạn
  153. Phóng ngôn kỳ 1
  154. Phóng ngôn kỳ 3
  155. Phong vũ vãn bạc
  156. Phú đắc cổ nguyên thảo tống biệt
  157. Phú đắc thính biên hồng
  158. Phủ tây trì
  159. Quan du ngư
  160. Quan ngải mạch
  161. Quan ngưu
  162. Sinh ly biệt
  163. Sơn giá cô
  164. Sơn hạ túc
  165. Tầm Dương xuân (Nguyên Hoà thập nhị niên tác) kỳ 1: Xuân sinh
  166. Tầm Dương xuân (Nguyên Hoà thập nhị niên tác) kỳ 2: Xuân lai
  167. Tầm Dương xuân (Nguyên Hoà thập nhị niên tác) kỳ 3: Xuân khứ
  168. Tam niên biệt
  169. Tầm quách đạo sĩ bất ngộ
  170. Tần Cát Liễu
  171. Tân chế bố cừu
  172. Tân Phong chiết tý ông
  173. Tần trung ngâm kỳ 01 - Nghị hôn
  174. Tần trung ngâm kỳ 02 - Trọng phú
  175. Tần trung ngâm kỳ 03 - Thương trạch
  176. Tần trung ngâm kỳ 04 - Thương hữu
  177. Tần trung ngâm kỳ 05 - Bất trí sĩ
  178. Tần trung ngâm kỳ 06 - Lập bi
  179. Tần trung ngâm kỳ 07 - Khinh phì
  180. Tần trung ngâm kỳ 08 - Ngũ huyền
  181. Tần trung ngâm kỳ 09 - Ca vũ
  182. Tần trung ngâm kỳ 10 - Mãi hoa
  183. Tặng Dương bí thư Cự Nguyên
  184. Tặng nội (I)
  185. Tặng nội (II)
  186. Tặng Quan Miến Miến
  187. Tặng Tiết Đào
  188. Tặng Vương sơn nhân
  189. Tảo thu độc dạ
  190. Tây Hồ lưu biệt
  191. Tây hồ vãn quy hồi vọng cô sơn tự tặng chư khách
  192. Tây Lương kỹ
  193. Thái địa hoàng giả
  194. Thái Hàng lộ
  195. Thái liên khúc
  196. Thanh thạch
  197. Thất đức vũ
  198. Thất tịch
  199. Thính lô quản
  200. Thôn cư khổ hàn
  201. Thôn dạ
  202. Thu giang tống khách
  203. Thù Lý thập nhị thị lang
  204. Thu mộ giao cư thư hoài
  205. Thù Mộng Đắc tỉ huyên thảo kiến tặng
  206. Thu sơn
  207. Thù tặng Lý Luyện Sư kiến chiêu
  208. Thư Thiên Trúc tự
  209. Thu tịch
  210. Thu trùng
  211. Thu tứ
  212. Thu vũ dạ miên
  213. Thượng Dương nhân
  214. Thương Sơn lộ hữu cảm
  215. Thương xuân khúc
  216. Tích mẫu đơn hoa kỳ 1
  217. Tích mẫu đơn hoa kỳ 2
  218. Tiền Đường hồ xuân hành
  219. Tỉnh để dẫn ngân bình
  220. Tống Tiêu xử sĩ du kiềm nam
  221. Tống Vương thập bát quy sơn ký đề Tiên Du tự
  222. Tranh
  223. Trì bạn kỳ 1
  224. Trì bạn kỳ 2
  225. Trì thượng
  226. Trừ dạ túc Danh Châu
  227. Trúc chi từ kỳ 1
  228. Trúc chi từ kỳ 2
  229. Trúc chi từ kỳ 3
  230. Trúc chi từ kỳ 4
  231. Trùng dương tịch thượng phú bạch cúc
  232. Trung thu nguyệt
  233. Trường An chính nguyệt thập ngũ nhật
  234. Trường hận ca
  235. Trường tương tư (I)
  236. Trường tương tư (II)
  237. Tự Giang Lăng chi Từ Châu lộ thượng ký huynh đệ
  238. Tự khuyến
  239. Từ ô dạ đề
  240. Tư phụ my
  241. Tử vi hoa
  242. Túc Chương Đình dịch
  243. Túc Huỳnh Dương
  244. Túc Tử Các sơn bắc thôn
  245. Tùng thanh
  246. Tuý hậu cuồng ngôn, thù tặng Tiêu,  n nhị hiệp luật
  247. Tuý trung kiến Vi Chi cựu quyển hữu cảm
  248. Tỳ bà hành
  249. Ức giang liễu
  250. Ức Giang Nam kỳ 1
  251. Ức Giang Nam kỳ 2
  252. Ức Giang Nam kỳ 3
  253. Ức Nguyên Cửu
  254. Vân Cư tự cô đồng
  255. Văn dạ châm
  256. Văn Dương thập nhị tân bái tỉnh lang, dao dĩ thi hạ
  257. Vấn Hoài thuỷ
  258. Vấn hữu
  259. Văn khốc giả
  260. Vấn Lưu thập cửu
  261. Vãn thu nhàn cư kỳ 3
  262. Vi Chi chỉnh tập cựu thi cập văn bút vi bách trục, dĩ thất ngôn trường cú ký Lạc Thiên, Lạc Thiên thứ vận thù chi, dư tứ vị tận, gia vi lục vận trùng ký
  263. Vịnh hoài
  264. Vịnh Vũ Hầu
  265. Vọng Dịch đài
  266. Vọng giang lâu thượng tác
  267. Vọng nguyệt hữu cảm
  268. Vũ Khâu tự lộ yến lưu biệt chư kỹ
  269. Xuân đề hồ thượng
  270. Xuân đề Hoa Dương quán
  271. Xuân giang
  272. Xuân từ
  273. Y Châu
  274. Yến tán
  275. Yến Tử lâu kỳ 1
  276. Yến Tử lâu kỳ 2
  277. Yến Tử lâu kỳ 3

 

4. Những bài thơ nổi bật của thi sĩ Bạch Cư Dị

4.1 Trường hận ca - Tản Đà dịch

Nói về Bạch Cư Dị không thể không nhắc tới Trường hận ca (長恨歌), bài thơ xuất sắc nhất của ông được mệnh danh là “Tuyệt thế thi ca”. Bài thơ Trường hận ca mượn câu chuyện của Hán Vũ Đế (Lưu Triệt) và Lý phu nhân để nói về cuộc tình nổi tiếng trong lịch sử giữa Đường Huyền Tông (Đường Minh Hoàng) và Dương Quý Phi (Dương Ngọc Hoàn). Trong bài thơ Bạch Cư Dị miêu tả tình yêu bằng bút pháp tuyệt đẹp ẩn chứa giọng điệu mỉa mai cuộc sống xa hoa, dâm dật không quan tâm đến dân chúng của bậc vua chúa làm nức lòng người yêu thơ.

Đức vua Hán mến người khuynh quốc
Trải bao năm tìm chuốc công tai
Nhà Dương có gái mới choai
Buồn xuân khóa kín chưa ai bạn cùng
Lạ gì của tuyết đông ngọc đúc
Chốn ngai vàng phút chốc ngồi bên
Một cười trăm vẻ thiên nhiên
Sáu cung nhan sắc thua hờn phấn son
Trời xuân lạnh suối tuôn mạch ấm
Da mỡ đông kỳ tắm ao Hoa
Vua yêu bận ấy mới là
Con hầu nâng dậy coi đà mệt thay
Vàng nhẹ bước lung lay tóc mái
Màn phù dung êm ái đêm xuân
Đêm xuân vắn vủn có ngần
Ngai rồng từ đấy chậm phần vua ra
Suốt ngày tháng tiệc hoa vui mãi
Đêm xuân tàn, xuân lại còn đêm
Ba nghìn xinh đẹp chị em
Ba nghìn yêu quý chất nêm một mình
Nhà vàng đúc, đêm thanh ấm áp
Lầu ngọc cao, say ắp mầu xuân
Anh em sướng đủ mọi phần
Mà cho thiên hạ có lần rẻ trai
Vẳng tiên nhạc khắp nơi nghe biết
Làn gió đưa cao tít Ly cung
Suốt ngày múa hát thung dung
Tiếng tơ, tiếng trúc say lòng quân vương
Ầm tiếng trống Ngư Dương kéo đến
Khúc Nghê Thường tan biến như không
Chín lần thành khuyết bị tung
Nghìn xe, muôn ngựa qua vùng Tây Nam
Đi lại đứng hơn trăm dậm đất
Cờ thuý hoa bóng phất lung lay
Sáu quân rúng rắng làm rầy
Mày ngài trước ngựa lúc này thương ôi!
Ai người nhặt thoa rơi bỏ đất
Ôi! Thuý Kiều ngọc nát vàng phai
Quân vương bưng mặt cho rồi
Quay đầu trông lại, máu trôi lệ dàn
Gió tung bụi mê man tản mác
Đường thang mây Kiếm Các lần đi
Vắng tanh, dưới núi Nga My
Mặt trời nhạt thếch, tinh kỳ buồn tênh
Đát Ba Thục non xanh nước biếc
Lòng vua cha thương tiếc hôm mai
Thấy trăng luống những đau người
Đêm mưa đứt ruột, canh dài tiếng chuông
Phút trời đất quay cuồng vận số
Bánh xe rồng đến chỗ ngày xưa
Đất bùn chỗ chết còn trơ
Thấy đâu mặt ngọc! Bây giờ Mã Ngôi!
Đầm vạt áo, vua tôi giọt lệ
Gióng dây cương, ngựa tế về đông
Cảnh xua dương liễu, phù dung
Vị Ương, Thái Dịch hồ cung vẹn mười
Phù dung đó, mặt ai đâu tá?
Mày liễu đâu? Cho lá còn như
Càng trông hoa liễu năm xưa
Càng xui nước mắt như mưa ướt đầm
Xuân đào lý gió đêm huê nở
Thu khi mưa rụng lá ngô đồng
Kìa Nam Uyển, nọ Tây Cung
Đầy thềm ai quét lá hồng thu rơi?
Vườn lê cũ những ai con hát?
Mái tóc coi trắng phớt lạ lùng
Những ai coi giữ tiêu phòng?
Mày xanh thuở ấy nay cùng già nhăn
Trước cung điện nhìn sân đêm tối
Đom đóm bay gợi mối u sầu
Ngọn đền khêu đã cạn dầu
Khó thay, giấc ngủ dễ hầu ngủ xong!
Tiếng canh tối tùng tùng điểm trống
Năm canh dài chẳng giống đêm xưa
Sông Ngân lấp lánh sao thưa
Trời như muốn sáng, sao chưa sáng trời?
Tren mái ngói sương rơi ướt lạnh
Trong chăn nằm bên cạnh nào ai?
Cách năm sống thác đôi nơi
Thấy đâu hồn phách vãng lai giấc nồng?
Khách đạo sĩ Lâm Cùng có gã
Chơi Hồng Đô phép lạ thần thông
Xót vì vua chúa nhớ nhung
Mới sai phương sĩ hết lòng ra tay
Cưỡi luồng gió như bay như biến
Tren trời xanh, dưới đến đất đen
Hai nơi bích lạc, hoàng tuyền
Dưới tren tìm khắp mơ huyền thấy chi!
Sực nghe nói tìm đi mé bể,
Có non tiên ngoài phía hư không
Rỡ ràng cugn điện linh lung
Xa trông năm sắc mây lồng đẹp sao!
Trong tha thướt biết bao tiên tử
Một nàng tiên tên chữ Ngọc Chân
Mặt hoa da tuyết trắng ngần
Dáng như người ấy có phần phải chăng?
Mái tây gõ cửa vàng then ngọc
Cậy đưa tin Tiểu Ngọc, Song Thành
Nghe tin sứ giả Hán Đình
Cửa hoa trong trướng giật mình giấc mơ
Cầm áo dậy, thẩn thơ buồn bực,
Mở rèm châu, bình bạc lần ra
Bâng khoâng nửa mái mây tà
Thềm cao xuống chiếc mũ hoa lệch đầu
Phớt tay áo bay màu ngọn gió
Giống Nghê Thường khúc múa năm xưa
Lệ dàn mặt ngọc lưa thưa
Cành lê hoa trĩu hạt mưa xuân đầm
Ngừng nước mắt âm thầm buồn bã
Đội ơn lòng, xin tạ quân vương
Từ ngày cách trở đôi phương
Vắng tanh tăm tiếng, mơ màng hình dong
Nơi đế điện dứt vòng ân ái
Chốn tiên cugn thư thái hàng ngày
Cõi trần ngoảnh lại mà hay
Tràng An chẳng thấy, thấy đầy bụi nhơ!
Lấy chi tỏ tình xưa thăm thú?
Gửi cành hoa vật cũ cầm xuôi
Thoa vàng hộp khảm phân đôi
Nửa xin để lại nửa thời đem đi
Chỉ xin nguyện lòng ghi dạ tạc
Tựa hoa vàng bền chắc không phai
Thời cho cách trở đôi nơi
Nhân gian rồi với trên trời gặp nhau
 n cần dặn mấy câu lâm biệt
Lời thề xưa lòng biết với lòng
Là đêm trùng thất ngồi chung
Trường Sinh sẵn điện vắng không bóng người
Xin kết nguyện chim trời liền cánh
Xin làm cây cành nhánh liền nhau
Thấm chi trời đất dài lâu
Giận này dặc dặc dễ hầu có nguôi…

4.2 Trường tương tư I - Nguyễn Minh dịch

Sông Biện chảy
Sông Tứ trôi
Cùng qua bến cũ đất Qua châu
Núi Ngô luống ngậm ngùi

Ý mênh mông
Giận thâm sâu
Giận tới khi nào người trở lại
Trăng soi ai tựa lầu.

4.3 Trường tương tư II - Nguyễn Minh dịch

Tháng chín trời gió tây thường thổi
Trăng lạnh lùng, sương gội thôi rơi
Suốt đêm thu nhớ chàng thôi
Hồn bay lên chín tầng trời mênh mông
Tháng hai thì gió đông thổi tới
Cỏ đâm ra lá mới, nở hoa
Nhớ chàng xuân chậm đi qua
Cả ngày ngơ ngẩn vào ra bồi hồi
Em ở phía bắc nơi cầu Lạc
Chàng ở nam cầu Lạc rõ ràng
Năm mười lăm tuổi biết chàng
Năm nay đã tám năm trường trôi qua
Em như cỏ nữ la thân mảnh
Sống đong đưa bên nhánh cây thông
Gặp cành cây ngắn hết hòng
Lên cao không được, quay vòng trở lui
Người ta bảo dâng lời phát nguyện
Lên tới trời sẽ biến thành mơ
Nguyện làm muông thú nơi xa
Sánh vai cất bước la cà bên nhau
Nguyện làm cây chốn rừng sâu
Giao cành kết lá bên nhau sống còn.

4.4 Hoa phi hoa - Nguyễn Thị Bích Hải dịch

Hoa chẳng phải hoa, sương cũng chẳng,
Đêm nửa đêm rồi, trời đã sáng.
Đến như xuân mộng chẳng bao lâu,
Đi như mây sớm không tăm dạng.

4.5 Hậu cung từ - Nguyễn Minh dịch

Khăn là lệ đẫm mộng tan
Canh khuya điện trước vẫn đàn ca vui
Má hồng ân sủng hết rồi
Tựa lò hương lạnh mà ngôì suốt đêm.

Bạch Cư Dị là nhà thơ tiêu biểu cho tư tưởng “nghệ thuật vị nhân sinh”, những tác phẩm của ông luôn ưu tiên biểu hiện tính chân thực của cuộc sống từ đó đả kích những bất công tồn tại trong xã hội phong kiến. Những tư tưởng nhân đạo trong thơ ca của ông, cách kể chuyện đặc sắc bằng thơ với cách dùng từ đẹp, bay bổng sẽ mãi lưu truyền trong tâm hồn những người yêu thơ ca.

Sưu tầm

Bình luận