Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe’

(VOH) - ‘Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe’ là câu tục ngữ rất hay bàn về sự hiểu biết của mỗi người. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết sau đây.

Khiêm tốn là đức tính rất cần thiết trong cách ứng xử hàng ngày của chúng ta. Và để nhắc nhở thế hệ sau ghi nhớ điều này, người xưa đã đúc kết lại thành câu tục ngữ ‘Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe’. Để hiếu hết ý nghĩa ẩn sau lời dạy này, chúng ta hãy cùng tham khảo bài viết sau.

1. Câu tục ngữ “Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe” có nghĩa là gì?

“Biết” ý chỉ sự hiểu biết về một sự vật, sự việc, vấn đề nào đó của một người. “Biết thì thưa thốt” là ám chỉ khi bạn đã hiểu rõ về một vấn đề gì đó thì hãy nói với mọi người. 

Giải thích câu tục ngữ ‘Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe’ 1

Luôn cẩn trọng trong lời nói, giao tiếp 

“Không biết” chỉ sự không hiểu biết, không chắc chắn về một vấn đề nào đó. “Không biết thì dựa cột mà nghe” là muốn nói đến việc khi bạn không hiểu một điều gì, không nắm chắc vấn đề nào đó thì hãy ngồi yên để lắng nghe người hiểu biết giải thích rõ.

“Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe” được hiểu theo nghĩa đen là khi biết rõ về một vấn đề gì đó thì bạn hãy nói ra, còn không hiểu rõ thì tốt nhất bạn hãy im lặng để lắng nghe người khác nói.

Ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ này là muốn nhắc nhở chúng ta nên có đức tính khiêm tốn, không nói năng một cách lung tung khi chưa hiểu rõ vấn đề. Khuyên răn mọi người hãy không ngừng học tập, biết im lặng lắng nghe và tiếp thu kiến thức từ những người khác. Không nên tỏ ra hiểu biết trong khi còn mơ hồ về vấn đề đang nói.

Im lặng chưa chắc đã là tốt trong mọi trường hợp, tuy nhiên khi bạn không biết thì im lặng chính là giải pháp tốt nhất. 

Trong xã hội ngày nay, những người khôn ngoan luôn là những người biết lắng nghe người khác. Họ không phải là tuýp người thích nói nhiều hay ba hoa về những điều mà họ không chắc chắn. Thay vào đó, trong mọi cuộc giao tiếp họ đều thể hiện sự khiêm tốn, lắng nghe thông tin từ người khác. 

Lắng nghe để hiểu người khác muốn điều gì, để nghiền ngẫm và suy nghĩ về các sự vật, sự việc, hiện tượng, từ đó có những nhận định hoặc đánh giá khách quan nhất. Bên cạnh đó, khi chưa hiểu rõ vấn đề thì việc nói nhiều sẽ có thể trở thành nói sai, khoác lác. Điều đó chỉ khiến cho người khác chê cười, đánh giá thấp về sự hiểu biết của bạn.

2. Bài học của cha ông qua câu tục ngữ “Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe” 

Dưới đây là những bài học, kinh nghiệm quý báu được cha ông ta đúc kết lại để gửi đến cho thế hệ sau qua câu tục ngữ “Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe”.

1. Bài học về đức tính khiêm tốn 

Sự khiêm tốn luôn rất cần thiết đối với mỗi người, chỉ có khiêm tốn mới giúp chúng ta phát triển bản thân, học hỏi thêm những điều hay và nhiều kiến thức khác trong cuộc sống. 

Giải thích câu tục ngữ ‘Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe’ 2
Luôn thể hiện sự khiêm tốn trong mọi hoạt động của cuộc sống

Trong mọi hoạt động của cuộc sống thì khiêm tốn luôn rất cần thiết để dung hòa các mối quan hệ cũng như giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Ví dụ như bạn là người học hành giỏi giang nhưng không kiêu căng, tự phụ luôn lắng nghe để tiếp thu thêm nhiều kiến thức mới. Hay khi bạn là một nhân viên xuất sắc, có nhiều cống hiến trong công ty những vẫn luôn khiêm tốn, hòa đồng với tất cả mọi người.

Đức tính khiêm tốn không chỉ giúp ích cho bạn rất nhiều trong các hoạt động cuộc sống thường ngày. Bên cạnh đó, nó còn giúp bạn dễ dàng được lòng người khác, khiến cho rất nhiều người muốn kết giao với bạn.

2. Bài học về giao tiếp, ứng xử

Bên cạnh việc nói về sự khiêm tốn, câu tục ngữ “Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe” còn ẩn chứa bài học về giao tiếp, ứng xử, nhắc nhở chúng ta không nên nói quá nhiều mà hãy chịu khó lắng nghe. Bởi chỉ có lắng nghe nhiều hơn mới giúp bạn có được cái nhìn về sự vật, sự việc một cách chính xác và đúng đắn nhất.

Lắng nghe để học hỏi, để thu thập thông tin, để hiểu rõ vấn đề. Điều này không chỉ giúp chúng ta nâng cao hiểu biết, tri thức mà còn rèn luyện tính kiên nhẫn, hiểu hơn về mọi người cũng như tránh việc nói sai, nói nhiều, khiến cho người khác cảm thấy khó chịu. Biết lắng nghe còn được xem là biểu hiện của người có văn hóa, có kinh nghiệm, biết khiêm tốn, tôn trọng người khác và biết thể hiện bản thân đúng lúc, đúng chỗ.

3. Tạo dựng các mối quan hệ 

Nếu bạn là người nói nhiều, nói không hiểu biết, không chắc chắn về vấn đề mà mình đang nói thì chắc chắn sẽ có rất nhiều người không ưa bạn. Họ cho rằng bạn là người không khiêm tốn, tự cao, tự đại và không nên kết giao. Điều này sẽ khiến cho bạn có rất ít mối quan hệ chất lượng hay những người thật lòng với bạn.

Giải thích câu tục ngữ ‘Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe’ 3
“Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe” giúp bạn có thêm nhiều mối quan hệ chân thành

Biết thì nói không biết thì im lặng lắng nghe, nếu bạn thực hiện đúng như vậy thì chắc chắn một điều rằng sẽ có rất nhiều người yêu quý đức tính của bạn. Những mối quan hệ tốt đẹp cũng từ đó mà phát triển theo, và họ thường là những người luôn thật lòng, sẵn sàng giúp đỡ bạn khi gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống.

Xem thêm:
Học cách sống tử tế để tạo ra được sức mạnh to lớn trong xã hội
Vì sao con người sống trên đời nhất định phải có lòng tự trọng?
Biểu hiện và ý nghĩa của tôn trọng lẽ phải trong cuộc sống

3. Những câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao mang ý nghĩa tương tự câu tục ngữ “Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe”

Trong kho tàng ca dao, tục ngữ thành ngữ Việt Nam, có một số câu có ý nghĩa tương tự với “Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe”. Để tăng thêm kinh nghiệm, vốn sống cũng như học hỏi thế hệ trước, bạn nhớ tham khảo.

Giải thích câu tục ngữ ‘Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe’ 4
Câu tục ngữ đồng nghĩa với “Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe”

1. Người khôn nói ít nghe nhiều.

2. Sông càng sâu càng tĩnh lặng

Người càng trí càng tĩnh tâm.

3. Sảy chân, gượng lại còn vừa,

Sảy miệng, biết nói làm sao bây giờ.

4. Khôn ngoan, chẳng lọ nói nhiều,

Người khôn, nói một vài điều cũng khôn.

5. Biết người, biết ta trăm trận, trăm thắng

6. Khiêm tốn bao nhiêu vẫn thấy thiếu

Tự kiêu một chút đã thấy thừa​.

7. Một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự cao​.

8. Học ăn học nói học gói học mở.

9. Lời nói, gói vàng.

10. Uốn ba tấc lưỡi.

Bài viết trên đã giải thích cặn kẽ cho bạn đọc về câu tục ngữ “Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe”. Hy vọng qua đây bạn đọc đã có thể hiểu rõ được ý nghĩa của câu tục ngữ này, để từ đó có cách ứng xử lý khéo và thông minh hơn khi giao tiếp trong cuộc sống.

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận