- Ca dao tục ngữ Đồng Nai
- Những bài thơ ca dân gian về Đồng Nai
- Những bài thơ Đồng Nai ý nghĩa sâu sắc
- Thơ lục bát về Đồng Nai
- Thơ ngắn Đồng Nai
- Đàn đá Bình Đa (Tác giả: Trần Ngọc Tuấn)
- Đồng Nai (Tác giả: Trần Ngọc Tuấn)
- Biên Hòa (Tác giả: Nguyên Long)
- Rừng cao su Xuân Lộc (Tác giả: Trần Ngọc Tuấn)
- Khúc qua sông Biên Hòa (Tác giả: Minh Hạ)
- Vịnh núi Bửu Long (Tác giả: Huỳnh Liên)
- Em!!! (Tác giả: Lê Vinh Nội Vũ)
- Chờ Duyên (Tác giả: Lê Vinh Nội Vũ)
- Người tạc tượng đá ở Bửu Long (Tác giả: Trần Ngọc Tuấn)
- Đồng Nai nguồn cội (Tác giả: Đặng Hoàng Vũ)
- Những bài vè về Đồng Nai
Đồng Nai là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ Việt Nam. Đồng Nai hội tụ những sắc màu văn hóa, bề dày lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trải qua bao năm tháng chiến tranh gian khổ, mảnh đất và con người nơi đây được các thi sĩ khắc họa qua từng con chữ để lưu dấu muôn đời. Bài viết dưới đây, VOH sẽ gửi đến bạn những bài thơ, ca dao tục ngữ hay nhất về Đồng Nai - vùng đất thấm đẫm nghĩa tình.
Ca dao tục ngữ Đồng Nai
Là một vùng đất với hơn 300 năm hình thành và phát triển, Đồng Nai ghi dấu trong trái tim nhiều người bởi sự đa dạng văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên độc đáo và tình ngươi sâu đậm. Cùng đến với những câu ca dao tục ngữ Đồng Nai được lưu truyền theo thời gian và trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa của người dân xứ Đồng Nai.
1. Ác như cá sấu Vùng Gấm
2. Cơm Nai Rịa, cá Rí Rang
3. Chẳng thà đi Đồng Nai
Không thà đi phá Cầu Hai tháng mười.
4. Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai
Ai về xin chớ cho ai theo cùng.
5. Bao giờ cạn nước Đồng Nai
Sụt chân đất Tháp mới sai lời nguyền.
6. Rủ nhau đánh cá Đồng Nai
Cá kia chẳng được một ngày đến trưa.
7. Bao giờ cạn lạch (rạch) Đồng Nai
Nát chùa Thiên Mụ mới phai lời nguyền.
8. Đồng Nai xứ sở lạ lùng
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um.
9. Đồng Nai gạo trắng nước trong
Ai đi đến đó thời không muốn về.
10. Đồng Nai có bốn rồng vàng
Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi.
11. Đồng Nai, Châu Đốc, Định Tường
Lòng anh sở mộ con gái vườn mà thôi.
12. Trần gian địa ngục là đây
Đồn điền Đất Đỏ nơi Tây giết người.
13. Bao giờ Long Thọ hết vôi
Đồng Nai hết nước anh thời quên em.
14. Bốn mùa em chẳng phải lo
Gạo Đồng Nai, vải Nghệ Tĩnh, em ấm no một đời.
15. Đồng Nai nguồn mọi cao sang
Chảy xuống hai hàng, hàng Đại, hàng Sâm.
16. Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định Đồng Nai thì về.
17. Đồng Nai nước ngọt gió hiền
Biên Hùng muôn thuở tiếng truyền an vui.
18. Đường về đất đỏ miền Đông
Cao su bao lá hận lòng bấy nhiêu.
19. Trần gian địa ngục là đây
Đồn điền Đất Đỏ nơi Tây giết người.
20. Hết gạo thì có Đồng Nai
Hết củi thì có Tân Sài chở vô.
21. Đồng Nai xa lắm ai ơi
Gởi thư thư mất, gởi lời lời quên.
22. Nồi đồng thì úp vung đồng
Con gái xứ Bắc lấy chồng Đồng Nai.
23. Đồng Nai gạo trắng như cò
Bỏ cha, bỏ mẹ xuống đò theo anh.
24. Bao giờ Long Thọ hết vôi
Đồng Nai hết nước anh thời quên em.
25. Xay lúa, giã gạo Đồng Nai
Gạo thóc về ngài, tấm cám về tôi.
26. Biên Hòa có bưởi Thanh Trà
Thủ Ðức nem nướng, Ðiện Bà Tây Ninh.
27. Ngày xưa giặc Pháp sang đây
La Ngà máu đổ chôn thây quân thù.
28. Nhà Bè nước chảy phân hai
Lòng Tàu, Soài Rạp, Đồng Nai oai hùng.
29. Chim bay về núi Biên Hòa
Chồng đây vợ đó ai mà muốn xa.
30. Chị Hươu đi chợ Đồng Nai
Bước qua Bến Nghé ngồi nhai thịt bò.
31. Ai ơi về Đại Phố Châu
Thăm núi Châu Thới, thăm cầu Đồng Nai.
32. Ai về Phú Hội, Phước Thiền
Chôm chôm xóm Hố, sầu riêng xóm Vườn.
33. Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng.
Những bài thơ ca dân gian về Đồng Nai
Không chỉ là tình yêu dành cho quê hương, xứ sở, những bài thơ ca dân gian Đồng Nai còn là tiếng nói trái tim của người lao động xưa, thể hiện sâu sắc những tình cảm về mảnh đất và con người nơi đây.
1. Trầu Đồng Nai trầu ăn nhả bã
Thuốc Đồng Môn thuốc hút phà hơi
Trầu nồng thuốc thắm ai ơi
Gá duyên chồng vợ ở đời trăm năm.
2. Sông Đồng Nai nước trong lại mát
Đường Hiệp Hòa lắm cát dễ đi
Gái Hiệp Hòa xinh như hoa thiên lý
Trai Hiệp Hòa chí khí hiên ngang.
3. Trà Phú Hội, nước Mạch Bà
Sầu riêng An Lợi, chuối già Long Tân
Cá Bui, sò huyết Phước An
Gạo thơm Phước Khánh, tôm càng rạch Nhum.
4. Trèo lên Ba Dội tôi coi
Bốn dội tôi ngồi năm dội tôi trông
Nồi đồng lại úp vung đồng
Con gái xứ Huế lấy chồng Đồng Nai.
5. Biên Hòa xứ bưởi thanh thanh
Có cô bán bưởi xinh xinh trữ tình
Anh đây lên thác xuống ghềnh
Đá mòn sông cạn quyết chung tình với em.
6. Nước mắm ngon dầm con cá đối
Gạo Đồng Nai xáo với khoai bùi
Đợi chi sữa ngọt rượu mùi
Đợi chi vây bóng mới vui cửa nhà
Đợi chi nhung lụa lượt là
Đợi chi ăn diện mới ra con người.
7. Cậy chàng mua lụa Đồng Nai
Chàng sao lại hỏi vắn dài làm chi
Đã từng ăn cận nằm kề
Nóc này bao nả, chàng thì nhớ cho
Thì chàng liệu lấy mà mua.
8. Rồng chầu ngoài Huế ngựa tế Đồng Nai
Nước sông trong chảy lộn sông ngoài
Thương người quân tử lạc loài tới đây,
Tới đây thì ở lại đây
Bao giờ bén rễ xanh cây sẽ về!
9. Anh xa em chưa đầy một tháng
Nước mắt lai láng hết hăm tám đêm ngày
Răng chừ nước ráo Đồng Nai
Sông Gianh hết chảy, mới phai lời nguyền.
10. Nước sông Đồng Nai sóng dồi lên xuống
Cửa Đồng Môn mây cuốn cánh buồm xuôi
Bậu với qua hai mặt một lời
Trên có trời, dưới có đất
Nguyện sông cạn non dời cũng chẳng xa.
11. Ghe bầu trở lái về đông
Con gái theo chồng bỏ mẹ ai nuôi?
Mẹ tôi đã có người nuôi
Tôi thương chú lái, tôi xuôi một bề
Dầu mà chú lái có chê
Tui theo chú bạn tui về Đồng Nai
Đồng Nai hai nước giao kề
Kẻ đi có vợ người về có con.
12. Đốn cây cảm cọc ngăn tàu
Lòng sông Vũng Gấm, Bà Hào, Phước An
Làm cho quân giặc hoang mang
Không cho khủng bố ruồng càn chiến khu.
Những bài thơ Đồng Nai ý nghĩa sâu sắc
Vào thời kỳ chiến tranh khói lửa, người dân Đồng Nai đã không tiếc máu xương anh dũng đứng lên giành lấy từng tất đất quê hương. Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng những bài thơ về Đồng Nai khi viết về thời kỳ kháng chiến luôn tạo dấu ấn khó phai trong lòng những lớp người được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình.
Du kích Đồng Nai (Tác giả: Đoàn Văn Nghệ)
Chiến khu Đ có từ thuở ấy
Có một anh đồng chí
Sau Nam Kỳ khởi nghĩa năm bốn mươi
Đưa chi bộ về rừng Đồng Nai
Lập chiến khu nuôi chí lớn.
Nước ngọt, dân thương, rừng rộng
Tiếng súng đêm đêm phá mộng bọn lính, tề
Bạn với núi rừng, trái cam, măng le.
Đêm lắng nghe gió trời muôn dặm:
Thuyền Hít-le chìm đắm.
Biển Liên Xô sóng đỏ dâng trào
Pháp mở cửa Đông Dương quỳ gối
Rước Nhật vào
Hơn hai triệu đồng bào chết đói…
Chi đội vũ trang mới tròn tiểu đội
Cơ sở nhân dân chỉ nội huyện Tân Uyên.
Phải chống nguỵ, tề bố ráp ngày đêm
Suất năm năm, hai chính quyền Pháp, Nhật.
Ngày đói ăn rau, đêm lo thao thức
Mỗi năm thêm nấm mộ giữa rừng:
Ba Tôn, Bảy Chiếp, Út Liễng, Tư Mừng…
Bỗng một chiều sương
Gió thu đang tơ vàng lá cám.
Động bước chân ai, giật mình rừng thẳm.
Anh Giỏi về, người thợ xưởng Ba Son.
Lá cờ son
Tay anh hé mờ
Lệ du kích Đồng Nai thấm vào vải đỏ.
Giữa mùa thu mà hoa nở thình lình.
Đọc truyền đơn như đọc bức thư tình
Từng chữ một đánh vần đến thuộc
Chiến khu xanh đêm vui đỏ đuốc
Suối mừng reo, tiếng guốc nhịp đều đều.
Chợ Tân Uyên bỗng lên giá lụa điều
Mua lụa đỏ cũng bị tra, bị đánh.
Cờ Việt Minh, ngôi sao năm cánh
Như tim vàng ngự giữa lòng son.
Cách mạng đến giữa mùa trăng tháng Tám
Chiến khu Đ, rừng vắng bóng tưng bừng.
Sợi dây thừng thắt bao đạn quanh lưng
Áo rách vai, đầu trần, đi khởi nghĩa.
Những tròng mắt bừng bừng ánh lửa
Gót chân chai giậm vỡ nhựa đường.
Cờ đỏ sao vàng
Đã ngập trời Nam Bộ:
Những đoàn người như thác đổ
Tiếng hò reo đất lở nghiêng trời
Bọn giặc Nhật rụng rời
Quỳ dâng lại Sài Gòn và lục tỉnh
Người du kích Đồng Nai gác tòa thị sảnh
Ngỡ từ nay hết nghe lạnh rừng sâu.
Nhớ miền Đông (Tác giả: Xuân Miễn)
Chưa chi mà đã nhớ miền Đông
Cứ muốn ghì ôm lấy núi rừng
Ôi! Tiếng chim hoàng kêu buổi sáng,
Nỉ non trong lá vượn ru con.
Ta sắp xa rồi! Ta sắp xa:
Những chiều rừng thẳm gió bao la,
Bập bùng ngọn lửa trong lều nhỏ,
Vang tiếng bầy voi giữa rú già.
Những buổi vai mang nặng gánh mì
Trảng xa ngập nước mỏi chân đi.
Những trưa tranh cắt mình đau xót,
Nhà cất lên rồi lại dọn đi.
Nửa đĩa cơm chia đỡ đói lòng,
Phá rừng gai móc xé da lưng
Mồ hôi đổ xuống se lòng đất
Cho lúa khoai lên mượt rẫy vồng.
Cơn sốt nằm run đến sập giường,
Rét xong lại dậy cuốc như thường.
Miền Đông “gian khổ mà anh dũng”
Đôi lúc tương tư một tán đường.
Lá bứa chua chua, củ chụp bùi
Nhiều khi cơm lạt vẫn cười vui.
Tòn ten chiếc võng trong giờ nghỉ,
Mẩu thuốc tàn chia bập mấy người.
Ấm sao tình bạn lính miền Đông
Một bước xa đi nhớ núi rừng
Men mét làn da cười nghẹn nghẹn
Ra đi kết ngãi với bàng đưng.
Sông Đồng Nai (Tác giả: Huỳnh Văn Nghệ)
Đồng Nai sông nước anh hùng.
Nguồn xa, xa tận núi rừng hoang vu.
Lệ tiên kết đọng hồ sâu
Còn mơ cao rộng nhớ màu gió trăng
Xông pha vượt núi băng ngàn,
Gặp Là Ngà nghĩa bạn vàng kết đôi
Thề: “Dù trắc trở núi đồi
Cũng liều sống thác tìm trời tự do...”
Đôi lòng nặng chí giang hồ
Ngàn thu say bước trở về biển xanh.
Đường xa lên thác xuống gành
Ruộng đồng lưu luyến thị thành mến ưa.
Lệ đời tràn ngập hồn thơ
Bao phen lũ hận bẻ bờ đau thương.
Gió ngang, thuyền ngược trăm đường
Đồng Nai hoà Thái Bình Dương dâng trào.
Nghĩa trang quân đội Biên Hòa (Tác giả: Lê Thị Ý)
Ði trên đường phố Sài Gòn
Lòng nghe rạo rực tâm hồn trẻ thơ
Cuộc tình ướt át năm xưa
Em mười tám tuổi tóc vừa chấm vai
Chuông nhà thờ đổ ngân dài
Người về nắng cháy, hoa cài áo xanh.
Uy nghi trong bước quân hành
Dịu dàng êm ái, ân tình xa xôi.
Chiều nay ngang chỗ anh ngồi,
Tượng người lính đã mất ngôi bao giờ
Nghĩa trang quân đội bụi mờ
Tiếc thương đẹp ý bài thơ cho người.
Tan hàng còn nắm xương phơi
Và trong ân oán, xác trôi ngược dòng.
Quê hương khói lửa cay nồng,
Quê hương sau trận chiến, đồng cỏ xanh.
Bước trên đường phố một mình
Nhớ đường Thiện Thuật mối tình dở dang
Vô tình đạp chiếc lá vàng
Tiếng khô khan vỡ thời gian chuyển hình.
Thơ lục bát về Đồng Nai
Tình yêu quê hương là tình yêu lớn nhất, thiêng liêng nhất trong tất thảy các thứ tình yêu, bởi trong đó có tình yêu cha mẹ, tình yêu đôi lứa, bạn bè… Dưới đây là những bài thơ lục bát về Đồng Nai chứa tình cảm dạt dào của những người con khi nhớ về nơi mình sinh ra và lớn lên.
Biên Hòa (Tác giả: Nguyễn Liên Phong)
Biên Hoà tiếng gọi Đồng Nai,
Tục kêu Nồng Nại giọng sai gần gần.
Cao hoàng thâu phục Phú Xuân,
Nhờ nơi Lộc Dã binh hưng hiển tài.
Lộc Dã nghĩa là Đồng Nai,
Theo đường quãng hạt dặm dài tâm tâm.
Của nhờ tài mộc sơn lâm,
Đá xanh sỏi núi cà hằm cả hang.
Thường năm thường lấy muôn ngàn.
Sanh sanh hoá hoá lợi càng hóa sanh.
Ra công rẫy ruộng thâu thành,
Bắp khoai mía đậu để dành đủ tiêu.
Mía đường vật cũng khá nhiều,
Bưởi ngon ngọt với trà tiêu mọi loài.
Cau khô thuốc súc dầu chai,
Thịt rừng thời có hươu nai thường thường.
Mười tổng đất đặng bề trường,
Châu Thành thiết lập quan đường nghiêm trang.
Chỉnh tề bên niết bên phan.
Bực tiền cẩn đá đại giang thuỷ triều.
Phố phường vừa đủ không nhiều,
Vật ăn cũng ít mỹ miều thanh tân.
Dân cư phong tục kiệm cần,
Hễ nơi trù mật là gần thị thôn.
Đường Sứ, Đồng Váng, Đồng Môn,
Bến Gỗ, Bến Cá, Chợ Đồn, Chợ Dinh.
Đồng Môn, Bà Ký, rất xinh,
Vườn Cau mịch mịch tươi xanh cả ngàn.
Ta lại sông Ray ơi (Tác giả: Nguyễn Nguyên Phượng)
Về đây cứ ngỡ tình cờ
Mười lăm năm. Cuộc hẹn hò vẫn xanh
Sông Ray nắng, bụi đất lành
Vượt cầu, băng suối mà thành quê hương
Nông trường Một còn mờ sương
Áo trắng bay quyện trống trường lan xa
Ngã Tư bè bạn cùng ta
Tầng cao. Trang mộng mở ra bầu trời
Những cánh chim mạnh nhịp đời
Như trong cổ tích chan ngời dấu yêu
Những chiều Cống Lở mưa xiêu
Cuộn tràn Suối Đá cũng liều xe bon
Đêm hồng Hội trại dập dờn
Tiếng ca em ngọt còn hơn rượu tình
Cuộc cờ xe, pháo rập rình
Được, thua sảng khoái quên mình gian nan
Lại mùa phượng náo nức sang
Ve ngân li biệt cho bàng hoàng đau
Dòng trôi sinh tử về đâu?
Có chăng tri kỉ bền lâu với đời…
Ta lại về - Sông Ray ơi
Tươi nguyên thương nhớ đầy vơi hẹn hò…
Xa lộ Biên Hòa (Tác giả: Minh Sơn Lê)
Trời xanh như thuở xưa nào
Không mưa mà… mắt giọt nào thấm qua!
Khi ngang xa lộ Biên Hoà
Vắng pho tượng lính buồn nhoà mi cay
Tháng Ba nắng khóc trên cây
Vắng Anh… nhìn cỏ quanh đây thật buồn!
Thời gian non nước đau mòn
Còn ai đâu nữa giữ hồn quê hương?
Tôi đi một bóng trên đường
Hỏi thăm cây cỏ quê hương chỗ nào?
Lòng sao bỗng thấy nghẹn ngào
Tay lau hạt bụi rớt vào hư vô!
Em đi xa bến xa bờ
Thềm sương trăng ấy bây giờ nhớ ai?
Một mình nên lạnh bàn tay
Còn thương hơi ấm bờ vai nhu mì
Bây giờ thôi chẳng còn chi
Mượn thơ lục bát đi đi về về
Vì thơ ta đã ước thề
Còn thơ lục bát ta thì còn nhau…
Biên Hòa (Tác giả: Lê Tuấn Đạt)
Biên Hòa có núi Bửu Long
Có Cù lao Phố bên dòng Đồng Nai
Tân Phong đường xuống Trảng Dài
Ai về Dốc Sỏi chiều nay thì về
Cầu Gành nghiêng bóng chiều quê
Tân Lân đền cũ câu thề còn ghi
Dùng dằng nửa ở nửa đi
Nửa say Long Ẩn, nửa si Tân Triều
Thành Kèn mưa nắng đã nhiều
Tiếng xưa giờ đã phong rêu phủ mờ
Dốc xưa hò hẹn đợi chờ
Ai qua Kỷ Niệm còn mơ Ngô Quyền
Nhớ người từ độ bén duyên
Người từ phương ấy ngựa thuyền tới đây
Sông núi ấy, nước non này
Là do Nam Bắc chung tay mà thành
Quê hương ngọn nước trong lành
Phù sa vun đắp cho mình với ta
Đất đai sinh nghĩa đậm đà
Yêu nhau từ bưởi đơm hoa đến giờ
Biên Hòa, hay một bài thơ
Để người xa xứ đến giờ còn thương
Dẫu ta đi khắp ngàn phương
Cả đời ta vẫn vấn vương tình mình
Mối tình mãi mãi nguyên trinh
Sáng tươi như buổi bình minh ban đầu.
Về Đồng Nai (Tác giả: Ngô Quốc Việt)
Đi xa mới thấy nhớ quê
Hôm nay ta lại đi về quê ta
Ta đi trong buổi chiều tà
Chạy theo năm mốt phải qua Long Thành
Ven đường cây trái tươi xanh
Nhà cao cửa rộng.. mọc nhanh thật mà
Đi nhanh cho đến Biên Hòa
Tên cũ vốn được gọi là Trấn Biên
Trăm năm văn hiến đất hiền
Khi xưa thủ phủ toàn miền phía nam
Biên Hòa, Thống Nhất, Trảng Bom
Xuôi theo lộ một hòm hòm bốn mươi
Long Khánh thị xã vẫy cười
Tượng đài chiến thắng sáng ngời trong đêm
Lật từng trang sử ra xem
Mười hai ngày đánh vang rền chiến công
Xuân Lộc đang lúc mưa giông
Mưa giăng phủ lối cánh đồng xa xa
Nửa đêm mới bước tới nhà
Ta về với mẹ với cha ta rồi.
Về với Đồng Nai (Tác giả: Thiên Ân)
Quê em ở tận Đồng Nai
Miền Đông đất đỏ những ngày chiến tranh
Hai mùa mưa nắng, trôi nhanh
Chép câu duyên nợ, cho thành tình yêu
Cảnh quan hùng vĩ bấy nhiêu
Đá Ba Chồng,đứng trông chiều trơ gan
Rồi sang ngọn núi Chứa Chan
Con đường dốc đá, thở than ai hoài?
Cát Tiên chim chóc muôn loài
Thiên nhiên bứt phá cho đời nét xinh
Thú hoang đêm vắng, rập rình
Hoang sơ lạ lẫm thắm tình duyên quê
Bửu Long một thoáng ,tìm về
Nước Hồ Long Ẩn tràn trề bờ vui
Tây Đô sinh thái, vẽ vời
Tâm hồn thư giãn chân trời bình yên
Anh mê đắm đuối Giang Điền
Gót chân thoăn thoắt ru mềm môi nhau
Thác Mai nắng xuống gội đầu
Phân vân đôi mắt nhìn lâu trong chiều
Mời anh ăn bưởi Tân Triều
Mận roi An Phước đăm chiêu mơ màng
Long Thành bò sữa tiếng vang
Chôm chôm Long Khánh, vị càng xốn xang
Nhâm nhi ly đế, hát tràn
Ấm êm Bến Gỗ nhẹ nhàng tỉnh, say
Một lần lại ghé Đồng Nai
Gió chiều rụng cánh, mắt ai gieo tình?
Cô gái Đồng Nai (Tác giả: Bàng Bá Lân)
Em là con gái Đồng Nai
Hàm răng em trắng, khổ người em duyên
Em cười, em nói hồn nhiên
Tình em như trái sầu riêng đậm đà
Ta về ta nhớ đêm qua…
Nhớ ai nhớ cả món quà Đồng Nai
Món quà ai gởi cho ai
Kèm theo thăm hỏi đôi lời thương thương
Yêu em, yêu cả con đường
Đưa ta về chốn ruộng vườn phì nhiêu
Cần Thơ, Rạch Giá, Bạc Liêu
Rằng thương rằng nhớ rằng yêu lạ lùng
Cô em má đỏ hồng hồng
Buông xuôi bán ngược, có chồng hay chưa?
Xe đò ai đón ai đưa?
Mà em đi sớm về trưa một mình
Em cười, ô, xỉnh xình xinh
Hỏi em, em chỉ lặng thinh… mỉm cười.
Thơ ngắn Đồng Nai
Đồng Nai - vùng đất phương Nam đầy nắng gió. Trải qua bao tháng năm, mảnh đất và tình người nơi đây đã thấm và in sâu trong trái tim không chỉ những người dân bản địa mà cả những người tha hương đến đây lập nghiệp. Cùng đến với đôi dòng thơ ngắn dưới đây để cảm nhận về cái tình, cái nghĩa của người dân đất Đồng Nai.
Đàn đá Bình Đa (Tác giả: Trần Ngọc Tuấn)
Lặng im một góc bảo tàng
Bình Đa một thoáng giữa ngàn cổ xưa
Ngỡ đàn tàn nhịp nắng mưa
Chợt trong thớ đá nhặt thưa luân hồi.
Đồng Nai (Tác giả: Trần Ngọc Tuấn)
Người xưa cuốc gió bừa mây
Cho con cháu gặt bông say mùa vàng
Người xưa phát cỏ khẩn hoang
Đào kinh khơi tắc dựng làng lập quê
Người xưa gươm khắc lời thề
Tình son nghĩa sắt đề huề anh em
Đồng Nai con nước êm đềm
Còn nghe vó ngựa gõ thềm sông xanh.
Biên Hòa (Tác giả: Nguyên Long)
Sông Phố, Cù Lao ấy thuở xa
Xứ bưởi lừng danh đất Biên Hòa
Bửu Long thấp thoáng rồng ẩn hiện
Châu Thới ung dung ngọc một tòa
Đồng Nai ghềnh đá ngăn tàu giặc
Dốc Sỏi hồn thiêng máu chan hòa
Sân trường phượng đỏ miên man nhớ
Ngô Quyền áo trắng tuổi mơ hoa.
Rừng cao su Xuân Lộc (Tác giả: Trần Ngọc Tuấn)
Mùa đông
Lá rụng
Người giống thế
Mà đừng phải thế!
Rừng cao su
Vắt kiệt máu mình
Rồi lặng lẽ…
Người giống thế
Mà đừng phải thế!
Khúc qua sông Biên Hòa (Tác giả: Minh Hạ)
Sông và phố chẳng cách ngăn
Tình như đã thấm, muộn mằn gì đâu
Trăng lên lặng lẽ đỉnh đầu
Sóng đêm sóng sánh một màu dịu êm
Mới hay nào phải một đêm
Trăm năm duyên ấy đã nêm chặt rồi
Vịnh núi Bửu Long (Tác giả: Huỳnh Liên)
Hòn núi con con đẹp thế à
Đá kia ai sắp ngẫm tài ba?
Hàm long đồi cũ rồng in nét
Bạch hổ hang xưa cọp lẩn xa
Khúc vịnh quanh co hình rắn lộn
Đầu cành thánh thót tiếng chim ca
Giang sơn một bức tranh xinh xắn
Hòn núi con con đẹp thế à!
Em!!! (Tác giả: Lê Vinh Nội Vũ)
Cô gái Đồng Nai
Em đang xa
Với miệt mài nhớ, quên
Yêu đi!
Động sóng lòng lên
Mình so sánh thử chông chênh kiểu gì?
Thiên di, điểm ấy thiên di
Bao giờ có một lần đi, bao giờ?
Chờ Duyên (Tác giả: Lê Vinh Nội Vũ)
Tự nhiên nhớ một câu hò
Em treo bến Hạ duyên do năm nào
Đồng Nai sông nước xôn xao
Câu hò tiềm ẩn cuộc chao đảo tình…
Đang mùa má thắm môi xinh
Chiều bến Hạ đã thình lình tiễn đưa
Vấy bao nhiêu dạ cho vừa
Duyên trời lơ lửng đong đưa duyên mình
Ấy là thái thậm duyên xinh
Hay là cực bĩ duyên tình xưa nay?
Hò ơi… sông nước vơi đầy
Trời chiều bến Hạ giăng mây đợi chờ…
Người tạc tượng đá ở Bửu Long (Tác giả: Trần Ngọc Tuấn)
Người chân đất tạc rồng bay
Một đời lặng lẽ nắng ngày sương đêm
Mai hóa đất dưới cỏ mềm
Hồn còn cậy đá gánh thêm nợ trần.
Đồng Nai nguồn cội (Tác giả: Đặng Hoàng Vũ)
Hàng Gòn - Cẩm Mỹ nên thơ.
Cái Lăng - Nhơn Trạch một bờ gốm xinh.
Phú Hòa - Xuân Lộc chí tình.
Ai đi đến đó rượu bình say mê.
Những bài vè về Đồng Nai
Cùng xem thêm một số bài vè về Đồng Nai - một loại hình diễn xướng rất phổ biến trong sinh hoạt văn hóa dân gian ở Nam bộ thuở xưa.
Vè bài tới
Nghe vẻ nghe ve,
Nghe vè bài tới
Cơm chưa lập xới
Trầu chửa kịp têm
Tao đánh ba đêm
Thua ba tiền rưỡi
Về nhà chồng chửi:
“Thằng Móc, thằng Quăn,
Đánh sao không ăn
Mà thua lắm bấy?”
Tui lấy tiền cấy
Cho đủ mươi ngày
Bảy Thưa, Bảy Dày
Cùng là Ngạt kéo
Vè chợ
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè cái chợ
Sáng mơi xách rổ
Đi giáp một vòng
Hàng hóa mênh mông
Kêu bằng Chợ Lớn
Thiên hạ phát ớn
Là chợ Bình Đông
Ấm bụng no lòng
Kêu bằng Chợ Gạo
Thiệt là huyên náo
Là chợ Bến Thành
Xúm nhau giựt giành
Là chợ Bến Tranh
Ăn ở hiền lành
Đi chợ Thủ Đức
Mảnh đất Đồng Nai ngọt ngào, ấm áp, thắm đượm nghĩa tình. Dù trải qua bao năm tháng, vùng đất và con người nơi đây vẫn luôn thể hiện tinh thần kiên trung, bất khuất, can trường trước mọi nghịch cảnh khó khăn. Để khi những thế hệ tương lai mỗi lần nhắc đến Đồng Nai sẽ luôn tự hào về một vùng đất oai hùng, vẻ vang đã đi vào trong lịch sử của dân tộc.
Đừng quên theo dõi voh.com.vn - mục Sống đẹp để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.