“Chuột sa chĩnh gạo” liên quan đến một câu chuyện dân gian và thường được dùng để chỉ sự may mắn bất ngờ, gặp được nơi đủ đầy, nhàn hạ. Tuy nhiên, bài học ông cha muốn gửi gắm qua câu thành ngữ này không chỉ có vậy. Cùng VOH giải thích “Chuột sa chĩnh gạo” là gì để khám phá đầy đủ các tầng ý nghĩa sâu sắc này.
Giải thích “Chuột sa chĩnh gạo” là gì?
Người xưa rất khéo léo trong việc mượn các hình ảnh, hiện tượng, sự vật, loài vật… gần gũi với cuộc sống để khái quát kinh nghiệm, triết lý hữu ích. Nhờ vậy, trải qua hàng ngàn năm những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ vẫn luôn in sâu trong tâm thức người Việt. Các thế hệ cũng tiếp tục gìn giữ, lưu truyền và sử dụng rộng rãi. Câu thành ngữ “Chuột sa chĩnh gạo” chính là một trong số đó.
Nước ta vốn là một nước nông nghiệp và trồng lúa nước nên không còn xa lạ với chuột. Chúng là loài gặm nhấm thường đục khoét nhà cửa, phá hại mùa màng, gặm nhấm lương thực và gieo rắc mầm bệnh.
Con chuột không chỉ xuất hiện trong đời sống vật chất và còn xuất hiện trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt. Trong văn học dân gian, người xưa thường khai thác những đặc tính không mấy tốt đẹp của chúng và dùng chính điều này để liên tưởng, ví von, ám chỉ từ đó phê phán, chế giễu, đả kích thói hư tật xấu của con người.
Điều này được thể hiện rất rõ qua kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ đồ sộ. Bên cạnh đó, đây cũng là cách để ông cha ta gửi gắm những bài học sâu sắc về cách ứng xử, lối sống của con người.
Trở lại với câu thành ngữ “Chuột sa chĩnh gạo”, ta có “sa chĩnh gạo” là rơi vào đồ vật chuyên dùng để đựng gạo. “Chĩnh” là đồ đựng bằng sành hoặc đất nung, có phần miệng và đáy nhỏ, bụng phình giống như chum nhưng kích thước nhỏ hơn. Người xưa thường dùng nó để đựng mắm, đựng tương hay đựng gạo.
Giải thích theo nghĩa đen, “Chuột sa chĩnh gạo” chỉ việc loài gặm nhấm này rơi trúng vào chĩnh đựng gạo, tha hồ ăn mà không phải khổ công tìm kiếm hay tìm cách ăn vụng. Về nghĩa bóng, thành ngữ “Chuột sa chĩnh gạo” dùng để chỉ những trường hợp bỗng nhiên gặp may, được hưởng “món hời” nào đó hoặc hưởng cảnh sung túc, nhàn hạ mà không cần bỏ ra chút công sức nào.
Ngoài ra, “Chuột sa chĩnh gạo” hay các dị bản “Chuột sa hũ nếp”, “Chuột sa lọ mỡ”, “Gà rơi mâm gạo” cũng được mọi người dùng để nói việc nhờ hôn nhân (lấy vợ, lấy chồng) mà được vào nhà giàu có.
Xem thêm:
Giải thích thành ngữ "Được ăn cả, ngã về không" nghĩa là gì?
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Há miệng chờ sung’ phê phán đức tính nào?
Ý nghĩa sâu sắc của câu thành ngữ ‘Nhàn cư vi bất thiện’
Câu chuyện liên quan đến thành ngữ “Chuột sa chĩnh gạo”
Theo truyện Chuột và mèo, Truyện cổ nước Nam của tác giả Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, xưa chuột vốn là giống linh thiêng trên trời và được giao cho chìa khóa giữ kho lúa. Tuy nhiên, vì nó thường lạm quyền đến kho ăn thóc trấu nên bị đuổi xuống hạ giới. Trời thương tình, cho chuột giữ chĩnh gạo của trần gian nhưng nó quen thói cũ, gọi cả đàn đến ăn gạo.
Sự việc được người phát hiện tâu lên vua Bếp. Nhưng vì gạo không có trấu nên không có bằng chứng chuột ăn vụng nên nó được thả về trần gian. Mèo được cho xuống để canh gác chuột, từ đó chuột cũng không được giữ chìa khóa chĩnh gạo nữa. Nó chỉ có thể rình khi người, mèo đi vắng để ăn trộm.
Thành ngữ “Chuột sa chĩnh gạo” mang đến bài học gì?
Cái giá của cuộc sống sung sướng, an nhàn từ trên trời rơi xuống
Người ta thường dùng câu thành ngữ “Chuột sa chĩnh gạo” để chỉ những người tình cờ gặp may mắn, có cuộc sống sung sướng, đủ đầy, không phải lo nghĩ. Thế nhưng, trên thực tế "ngồi mát ăn bát vàng" mà không cần nỗ lực, phấn đấu, hưởng lợi lộc từ trên trời rơi xuống chưa hẳn đã là phúc.
“Chuột sa chĩnh gạo” có thể thoải mái ăn uống no nê nhưng làm sao để ra ngoài? Cho nên bỗng chốc, chĩnh gạo đầy ắp lại trở thành nơi giam cầm, trở thành cái bẫy khiến con chuột chỉ còn cách hưởng thụ rồi chờ chết.
Trong cuộc sống, khi con người có được một thứ gì đó quá dễ dàng, không cần phải bỏ công sức, nỗ lực thì đa phần đều không hiểu hết giá trị và biết trân trọng. Đó là lý do vì sao “sa chĩnh gạo” có mặt tích cực cũng có mặt tiêu cực.
Khi đủ đầy về vật chất hay nhận được “món hời” nào đó, con người sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề như sự cám dỗ từ những thói hư tật xấu. Ví dụ thói lười biếng, ỷ lại, “há miệng chờ sung”, thích hưởng thụ, tham lam... Đặc biệt, ý chí phấn đấu, nỗ lực vươn lên để đạt được thành tựu lớn hơn cũng chẳng còn. Đây chính là cái hại của việc bỗng được hưởng thành quả dù không bỏ chút công sức nào.
Ngoài việc không thể hoàn thiện, phát triển bản thân “sa chĩnh gạo” cũng khiến con người khó đưa ra đánh giá chính xác về bản thân mình. Sự chủ quan, đắm chìm trong việc tận hưởng còn cản trở tầm nhìn và làm chúng ta khó nhận ra những mối nguy.
Giống như con chuột rơi vào hũ gạo. Nó sung sướng vì được ăn no nê mà chẳng hề quan tâm đến chuyện làm thế nào để ra ngoài hay ăn hết gạo trong hũ thì phải làm sao? Đến khi nhận ra thì đã quá muộn.
Tóm lại, qua câu thành ngữ “Chuột sa chĩnh gạo”, ông cha ta cũng muốn nhắn nhủ con cháu rằng có được cuộc sống sung sướng một cách quá đơn giản chưa chắc đã là chuyện tốt. Đứng trước bất cứ “món hời” hay sự may mắn nào liên quan đến vật chất, con người cũng cần tỉnh táo và đề cao cảnh giác. Vì nó cũng có thể biến thành cái bẫy nguy hiểm, khiến bạn phải trả giá đắt.
Xem thêm:
Ca dao tục ngữ về lười biếng - Đầu đời biếng nhác, cuối đời bết bát!
23 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về ý chí nghị lực giúp rèn luyện tâm tính con người
40 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói về lòng tham, sự tham lam
Không có “bữa ăn” miễn phí
Người ta vẫn thường nói rằng, trên đời này không có “bữa ăn” nào miễn phí. "Có làm mới có ăn", có nỗ lực thì mới có thành quả bền vững. Trông chờ vào vận may hay những “chiếc bánh” từ trên trời rơi xuống chứ không dùng thực lực, sự cố gắng chỉ đơn giản là cách suy nghĩ, cách làm của kẻ lười biếng, không có chí tiến thủ hay năng lực.
Mở rộng hơn một chút, trong cuộc sống quyền lợi luôn đi kèm với nghĩa vụ. Tương tự, bất cứ lợi ích, món lợi lộc vô cớ nào cũng được đính kèm những điều kiện nhất định. Nếu không tỉnh táo, con người rất dễ bị sa vào cạm bẫy.
Cho nên, chúng ta không nên nhìn bề ngoài của sự việc rồi vội đánh giá. Cần phải suy nghĩ kỹ càng và đứng trên nhiều phương diện để có được cái nhìn chính xác hơn. Cần phải tìm ra bản chất của sự vật, sự việc và suy tính đến nhiều trường hợp, đến tương lai.
Tựa như câu thành ngữ “Chuột sa chĩnh gạo”, nếu không nghĩ đến chuyện kế tiếp, không thử chuyển góc nhìn có lẽ ai cũng nghĩ rằng con chuột thực sự may mắn và có số hưởng.
Trân trọng, nắm bắt cơ hội
Nhìn trên khía cạnh tích cực, thành ngữ “Chuột sa chĩnh gạo” cũng gợi lên cho chúng ta bài học về việc trân trọng, tận dụng, nắm bắt cơ hội. Rõ ràng, chuột rơi vào chĩnh gạo là sự việc tình cờ, hành động của con chuột sau đó mới quyết định cái kết của câu chuyện. Cho nên, nếu nó không mải hưởng thụ, lười làm hay không gian dối (như câu chuyện dân gian kể lại) thì có lẽ mọi thứ đã khác.
Trên thực tế, nếu chúng ta có cái nhìn đúng đắn và biết cách tận dụng vận may, sử dụng “miếng bánh” do người có thiện ý trao tặng thì nó không hề xấu. Trân trọng, nắm bắt cơ hội và biến nó thành sức mạnh, động lực để tiến về phía trước là một lựa chọn thông minh. Thành công có được bằng thực lực và sự cố gắng của bản thân mới là thành công chân chính, có giá trị và lâu bền.
Những câu thành ngữ, tục ngữ về vận may
“Chuột sa chĩnh gạo” là một trong những câu thành ngữ nằm trong chùm thành ngữ, tục ngữ bàn về sự may mắn, vận may. Dưới đây là một vài ví dụ khác được VOH tổng hợp.
1. Mèo mù vớ cá rán
2. Chó ngáp phải ruồi
3. Ngu si hưởng thái bình
4. Phúc bảy mươi đời
5. Thơm tay may miệng
6. Tốt số hơn bố giàu
7. Xẩm vớ được gậy
8. Duyên may ngư thủy
9. Đắc thời đắc thế
10. Đầu tay may xưa
11. Gặp thời gặp vận
12. Học chẳng hay, thi may thì đỗ
13. Không cầu mà được, không ước mà nên
14. Xởi lởi trời gởi của cho, co ro trời co của lại
15. Lù đù có ông Cù hộ mệnh
16. Buồn ngủ gặp chiếu manh
17. May tay hơn hay thuốc
Xem thêm:
30 tục ngữ thành ngữ nói về sự may mắn trong cuộc sống
340 câu ca dao, tục ngữ về đạo đức, lối sống, đạo lý làm người
70 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về kinh nghiệm sống hay và ý nghĩa
Hình ảnh con chuột trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam
Hình tượng con chuột trong văn học dân gian đa phần đều được dùng để phê phán, châm biếm, đả kích thói hư tật xấu của con người. Cùng VOH khám phá khả năng quan sát tinh tế và sự thâm thúy của người xưa qua những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nhắc đến loài động vật này.
1. Chuột bầy đào không nên lỗ
2. Chuột chạy cùng sào
3. Cháy nhà ra mặt chuột
4. Đầu voi đuôi chuột
5. Chuột chù chê khỉ hôi
6. Chuột chù đeo đạc
7. Chuột chù lại có xạ hươ
8. Chuột chù nếm dấm
9. Chuột chù phải khói
10. Chuột đàn đào không nên lỗ
11. Chuột đội vỏ trứng
12. Chuột gậm chân mèo
13. Chuột khôn có mèo hay
14. Chuột không hay, hay ỉa bếp
15. Chưa tập bắt chuột đã tập ỉa bếp
16. Da chuột căng làm trống
17. Dở dơi dở chuột
18. Đánh chuột phải coi chừng đổ vỡ
19. Để hồng ngâm cho chuột vọc
20. Hôi như chuột chù
21. Đuổi chuột cùng sào
22. Lấm lét như chuột ngày
23. Lờ đờ như chuột chù phải khói
24. Mèo nhỏ bắt chuột con
25. Mèo ra cửa, chuột xướng ca
26. Ướt như chuột lội
27. Voi đẻ ra chuột nhắt
28. Đom đóm sáng đằng đít, chuột chù ỉa cửa hang
29. Nhăn nhó như chuột chù mút giấm
30. Voi đú chó đú, chuột chù cũng nhảy cẫng
31. Bắc đường cho chuột lên kho
32. Mèo khen mèo dài đuôi, chuột khen chuột nhỏ dễ chui dễ trèo
33. Thứ nhất đom đóm vào nhà, thứ nhì chuột rúc, thứ ba hoa đèn
34. Hang hùm ai dám mó tay
Chuột nào lại dám cắn dây buộc mèo.
35. Vịt chê lúa lép không ăn
Chuột chê nhà trống ra nằm bụi tre.
36. Cần chi cá lóc, cá trê
Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều!
37. Chuột chê xó bếp chẳng ăn
Chó chê nhà dột ra lần bụi tre.
38. Con chi rọt rẹt sau hè
Hay là rắn mối tới ve chuột chù?
39. Đi khắp bốn bể chín chu
Trở về xó bếp chuột chù gặm chân.
40. Chim chích chòe đòi đậu cành sòi
Chuột chù trong ống đòi soi gương tàu.
41. Giàu chi anh gạo đổ vô ve
Chuột ăn không được mà khoe rằng giàu.
42. Anh kia quần áo đẹp sang
Cái nhà anh ở như hang chuột chù.
43. Chúng chị là hòn đá tảng trên trời
Chúng em chuột nhắt cứ đòi lung lay
Cha đời chuột nhắt chúng bay
Đá tảng rớt xuống chúng mày gãy xương.
44. Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.
45. Mẹ anh như mẹ người ta
Thì anh có cửa, có nhà từ lâu
Mẹ chồng đối với nàng dâu
Như mèo với chuột có thương nhau bao giờ.
Trên đây là phần giải thích “Chuột sa chĩnh gạo” là gì của VOH. Ngoài ý nghĩa may mắn gặp được nơi sung sướng, đủ đầy một cách ngẫu nhiên, mong rằng bạn đã khám thêm được những tầng nghĩa khác đồng thời rút ra cho bản thân bài học có ích từ câu thành ngữ này.