Tình cảm gia đình là mạch nguồn cảm hứng xuyên suốt văn học Việt Nam từ cổ chí kim. Trong đó, câu thành ngữ “Con có mẹ như măng ấp bẹ” chính là một minh chứng tiêu biểu cho sức sống của đề tài này.
“Con có mẹ như măng ấp bẹ” là gì?
Câu thành ngữ gợi ra hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam là măng và bẹ. Măng là thân tre trúc còn non, vừa nhú lên khỏi mặt đất, còn bẹ là tàu lá ôm lấy thân cây. Khi thân tre còn non yếu, nó được “ấp” - được bao bọc, che chở bởi gốc lá xuề xòa ấy, để sau này sinh trưởng thành cây tre.
Nhưng ý nghĩa của câu thành ngữ không dừng lại ở đấy. Mượn chuyện thiên nhiên, người xưa muốn nói chuyện con người. Qua biện pháp so sánh, câu thành ngữ “con có mẹ như măng ấp bẹ” mang ý nghĩa đề cao tình mẫu tử, đặc biệt nhắn nhủ con người hãy biết giữ trọn đạo hiếu.
“Con có mẹ như măng ấp bẹ” có ý nghĩa như thế nào?
Câu thành ngữ “Con có mẹ như măng ấp bẹ” đang nói về vai trò cao cả và tình yêu thương bao la của người mẹ đối với mỗi con người: mẹ là người che chở ta trong suốt các giai đoạn của cuộc đời.
“Con có mẹ như măng ấp bẹ” - mẹ yêu con như một phần cơ thể của mình
Trước khi mở mắt chào thế giới, đứa trẻ được nuôi dưỡng trong bụng mẹ. Ở đó, con được bảo vệ, che chở bằng chính cơ thể của mẹ mình. Thời kỳ này, đứa trẻ được hấp thụ những chất dinh dưỡng tốt nhất, những cảm xúc tích cực nhất mà chính mẹ đích thân chọn lọc, trải nghiệm để đưa vào cơ thể cho con.
Chín tháng mười ngày chỉ là con số, nó đếm được thời gian thai nghén chứ không đến hết nỗi nhọc nhằn của người mẹ. Gần một năm trời, mẹ hy sinh tất cả sức khỏe và sắc đẹp vì con. Nhưng trong khổ sở là hạnh phúc. Mẹ hạnh phúc khi con xuất hiện, mừng rỡ khi con lớn lên từng ngày.
Dưới sự chăm sóc của mẹ, đứa trẻ được khôn lớn và thành người
Điều đẹp đẽ nhất của tuổi thơ, có lẽ là có mẹ. Mẹ là người cho ta dòng sữa ngọt ngào, lo từng miếng ăn giấc ngủ. Cũng nhờ có mẹ, ta mới bập bẹ được những chữ đầu tiên, chập chững những bước đầu đời.
Giáo dục nhân cách cho con là sứ mệnh của mỗi người làm mẹ. Khi còn nhỏ, mẹ dạy ta ăn phải biết mời, đi phải biết hỏi, về phải biết chào. Khi con có nhận thức hơn một chút, mẹ lại mang đến những bài học về nhường nhịn, hòa đồng và yêu thương. Mẹ dạy ta từ sai lầm, đôi khi bằng roi vọt, bằng những lời trách mắng, nhưng suy cho cùng, có mẹ nghiêm khắc mới có con nên người.
“Con có mẹ như măng ấp bẹ” - có mẹ là được che chở đến suốt cuộc đời
Khi cây tre đã đủ thân cứng cỏi, lá xum xuê, bẹ măng sẽ tàn vào lòng đất, nhưng con người lại không như vậy. Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết thế này: “Con dù lớn vẫn là con mẹ, đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con” Trong mắt người mẹ, đứa con luôn bé bỏng, dại khờ, cần được che chở và nâng niu. Mẹ luôn là người đứng ra bảo vệ mỗi khi ta bị đối xử không tốt, là người hết lòng ủng hộ những quyết định của ta. Chỉ cần có mẹ cha, gia đình chính là chốn bình yên để trở về.
Xem thêm:
100 câu nói hay về cha mẹ, câu nói về lòng biết ơn cha mẹ ý nghĩa nhất
Thành ngữ, ca dao, tục ngữ về mẹ cha thức tỉnh đạo làm con
Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Giàu con út, khó con út’ là gì?
Nếu “măng không có bẹ” thì sẽ ra sao?
Ai sinh ra cũng có một người mẹ, nhưng không phải ai cũng may mắn có mẹ ở bên. Đứa trẻ thiếu đi mẹ là thiếu đi tình yêu thương, sự chăm sóc, sự dạy dỗ, là một phần thiệt thòi của tuổi thơ. Không những thế, có những trẻ không có mẹ nuôi dưỡng, không có nơi nương tựa, hoặc lang thang, hoặc sống trong sự ghẻ lạnh, chính sự thiếu tình thương yêu đó vô tình tạo nên sự mặc cảm cho con người, từ khi còn nhỏ đến tận lúc trưởng thành.
Bài học từ thành ngữ “Con có mẹ như măng ấp bẹ”
Giá trị của câu thành ngữ không chỉ nằm ở nghĩa đen mà điều có ý nghĩa hơn cả chính là thông điệp mà tác giả dân gian muốn gửi gắm. Từ vai trò của người mẹ, ông cha ta có ý răn dạy con cháu về đạo làm con.
Tình mẹ bao la là thế, người con hãy biết trân trọng mẹ của mình. Lòng biết ơn ấy phải được thể hiện qua hành động cụ thể, đó là quan tâm, chăm sóc, phụng dưỡng khi mẹ về già và thờ cúng nghiêm trang khi mẹ qua đời. Mẹ không mong giàu sang phú quý chỉ mong con khôn lớn thành người. Vì thế ổn định cuộc sống, làm người tử tế cũng là trách nhiệm của mỗi người làm con.
Những câu ca dao tục ngữ nói về tình thương bao la của mẹ
Cùng chủ đề với thành ngữ “Con có mẹ như măng ấp bẹ”, trong kho tàng văn học Việt Nam có nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ ca ngợi tình mẹ như:
1. Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết những lời mẹ ru.
2. Đêm nay con ngủ giấc trong
Mẹ là ngọn gió của con suốt đời.
3. Cánh cò cõng nắng cõng mưa
Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương.
4. Đố ai đếm được vì sao
Đố ai đếm được công lao mẹ già.
5. Nuôi con chẳng quản chi thân,
Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn.
6. Mẹ già một nắng hai sương
Trải thân làm bóng mát đường con đi.
7. Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẹ hiền.
8. Mẹ nghèo mưa dột mái tranh
Trải bao bất hạnh muôn phần gian truân.
9. Mẹ già như ánh trăng khuya
Dịu dàng soi tỏ bước đi con hiền.
10. Hoa này tàn thì hoa khác nở,
Mất mẹ rồi vạn thuở tìm đâu.
“Con có mẹ như măng ấp bẹ” chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn về tình cảm gia đình. Đây cũng là giá trị làm nên sức sống lâu bền của câu thành ngữ này.
Đừng quên theo dõi VOH Sống đẹp để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.