Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích ý nghĩa thành ngữ ‘Điếc không sợ súng’ nói tới điều gì?

(VOH) - Thành ngữ luôn có tính hàm súc, khái quát cao, truyền tải được kinh nghiệm, những bài học dân gian của cha ông ta. Và trong số các câu thành ngữ lưu truyền, có câu “Điếc không sợ súng”.

Từ xa xưa, chỉ với các câu thành ngữ ngắn gọn, súc tích ông cha đã truyền tải được những thông điệp, kinh nghiệm sống quý báu trong cuộc sống. Họ luôn dạy bảo con cháu hãy sống trung thực, kiên cường, dũng cảm và dám đương đầu với khó khăn. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là lúc nào ta cũng làm việc liều lĩnh, bất chấp mọi thứ để đạt được mục đích. Đừng cố chấp biến mình thành những kẻ “Điếc không sợ súng”.

1. “Điếc không sợ súng” là gì?

Cái hay của thành ngữ là chỉ vỏn vẹn vài từ nhưng lồng ghép vào đó là cả một bài học làm người sâu sắc. Trong câu “Điếc không sợ súng”, từ điếc là khả năng mất thính lực ở người, ám chỉ người có vấn đề nặng về tai, không nghe được. Súng là một loại vũ khí tối tân, hiện đại. Nó có sức công phá lớn, có khi tạo ra tiếng nổ rất to, gây khó chịu.

diec-khong-so-sung-voh-0

Mỗi câu thành ngữ đều đan xen hai tầng nghĩa là nghĩa đen và nghĩa bóng. Nếu giải thích theo nghĩa đen thì “Điếc không sợ súng” là người điếc không nghe được âm thanh nên tiếng súng không thể làm họ bị giật mình. Với nghĩa bóng, câu thành ngữ này chỉ những người chưa biết hay chưa từng trải qua nỗi sợ hãi, họ sẽ không biết sợ là gì, chỉ thích làm theo ý mình.

Câu thành ngữ nhắc nhở chúng ta - những con người trẻ tuổi, hiện đại nên suy nghĩ thấu đáo, làm việc gì cũng đừng quá manh động, liều lĩnh. Hãy cân nhắc kỹ càng mọi chuyện, không biến bản thân thành trò cười trong mắt người khác khi chưa từng trải qua nỗi sợ hãi, nguy hiểm để rồi thất bại, họ sẽ chỉ trích chúng ta là kẻ “Điếc không sợ súng”.

Xem thêm: 'Tự lực cánh sinh' và bài học về một đức tình mà bất cứ ai cũng cần rèn luyện

2. Bài học quý giá từ thành ngữ “Điếc không sợ súng” 

Thấm thoát thời gian thoi đưa, những ý nghĩa sâu xa ẩn giấu đằng sau câu thành ngữ “Điếc không sợ súng” vẫn còn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Với câu từ ngắn gọn, súc tích nhưng truyền tải cho chúng ta bài học quý giá về cách suy nghĩ và hành động thấu đáo hơn khi đương đầu với khó khăn, nguy hiểm. 

diec-khong-so-sung-voh-1

Trong cuộc sống, không phải cuộc thám hiểm nào cũng đưa chúng ta đến đích. Do đó, làm việc đừng quá liều lĩnh, xốc nổi để rồi nhận lấy hậu quả không đáng có. Lúc ấy, chúng ta chỉ cảm thấy hối hận vì những hành động mình đã làm mà thôi. 

Những người “điếc không sợ súng” thường nhận những cái kết đáng tiếc do làm việc gì cũng không suy nghĩ thấu đáo, chu toàn. Họ chỉ chăm chăm làm việc mà mình muốn, liều lĩnh, hiếu thắng, bất chấp lao vào khó khăn mà không suy xét đến hậu quả một cách kỹ lưỡng. Họ hành xử theo cảm tính, mù quáng nên thường mắc phải sai lầm, gây hại cho bản thân và người khác.

Một số người cho rằng, những người “điếc không sợ súng” cũng là một lợi thế, bởi họ sẽ làm việc sẽ không ngại khó khăn, không sợ hiểm nguy. Họ dám đương đầu với mọi việc, sẵn sàng lao vào thử thách, làm những điều mà không ai dám thực hiện. Dường như họ quên đi sợ hãi, dẹp đi nỗi lo lắng trong lòng để hướng tới giá trị, những điều mình  mong muốn.

Thế nhưng, cần hiểu rằng “ranh giới” của sự can đảm và sự liều lĩnh rất mong manh. Do đó, chúng ta hãy thật thận trọng và chỉ nên làm người “điếc” đúng lúc, đúng hoàn cảnh để không mắc phải sai lầm không đáng có.

Xem thêm: ‘Thuyền theo lái, gái theo chồng’ là gì? - câu thành ngữ có ý nghĩa gì trong cuộc sống?

3. “Điếc không sợ súng” - dũng cảm hay liều lĩnh?

diec-khong-so-sung-voh-2

Có nhiều luồng ý kiến cho rằng, những người liều lĩnh, “điếc không sợ súng” cũng là một loại dũng cảm, gan dạ. Dù biểu hiện của hai trạng thái này giống nhau nhưng bản chất lại hoàn toàn khác. 

Người được xem là dũng cảm khi sẵn sàng hi sinh vì người khác, không e dè và sợ hãi những lúc đối mặt với khó khăn, thử thách. Họ có một tinh thần quật cường, lý trí mạnh mẽ để vượt qua mọi rào cản. Họ luôn suy nghĩ, tính toán chu toàn để hành động của bản thân không trở nên vô nghĩa mà đem lại lợi ích tốt đẹp cho mọi người xung quanh.

Còn với những người “điếc không sợ súng” họ theo khuynh hướng liều lĩnh, bất chấp mọi thứ, hăng hái tiến về phía trước mà không cân nhắc vấn đề hậu quả. Họ giống như những “kẻ phá bĩnh”, đem đến phiền toái, rắc rối cho bản thân và người khác. Những kẻ như thế thường làm việc theo cảm tính, nóng vội và bồng bột, khiến con đường đi đến thành công của họ gian nan và vất vả hơn rất nhiều.

“Điếc không sợ súng” là dũng cảm hay liều lĩnh? Nó sẽ phụ thuộc vào suy nghĩ và hành động của chính mình. Dũng cảm là một đức tính tốt, mang tới những giá trị giàu tính nhân văn. Liều lĩnh thì hoàn toàn trái ngược, nó trở thành rào cản nếu con người muốn chinh phục đỉnh cao thành công. 

Vậy nên mỗi người hãy suy nghĩ cẩn thận, suy xét đến hậu quả, đừng biến những hành động của bản thân thành vô ích. Đồng thời, chúng ta cũng không nên quá rụt rè, nhát gan, mạnh mẽ đối mặt với những khắc nghiệt của cuộc sống. Càng trong nghịch cảnh, càng cần có bản lĩnh hơn người.

“Điếc không sợ súng” là câu thành ngữ hay và ý nghĩa. Nó đúc kết kinh nghiệm quý báu của ông cha ta để truyền tải những thông điệp sâu sắc đến cho lớp trẻ ngày nay. Sống dũng cảm hay liều lĩnh là do chúng ta chọn lựa, đừng để bản thân phải cảm thấy hối tiếc về những việc mình chưa, đang hay đã làm. Hãy sống sao cho xứng đáng bạn nhé!

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet

Bình luận