Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh’ nói lên điều gì?

(VOH) - Để ca ngợi tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, dũng cảm của phụ nữ Việt Nam, cha ông ta đã có câu ‘Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh’. Câu tục ngữ ấy có ý nghĩa gì?

Từ ngàn xưa, dân tộc ta đã trải qua hơn 1.000 năm chống giặc phương Bắc, gần 100 năm chống thực dân Pháp, phát xít Nhật cùng bè lũ tay sai và 21 năm chống đế quốc Mỹ. Mỗi khi giặc ngoại xâm lâm le bờ cõi nước nhà, người già, thanh niên trai tráng, thậm chí là phụ nữ cũng tham gia chống giặc. Mặc dù là phận nữ nhi, chân tay mềm yếu nhưng khi “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”.

Câu tục ngữ ‘Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh’ nghĩa là gì? 1
Những người phụ nữ Việt Nam oai hùng, bất khuất. Ảnh minh họa

1. “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” có ý nghĩa gì?

Để hiểu rõ được câu tục ngữ “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của từng từ trong câu. 

“Giặc” là chỉ đạo quân chuyên đi cướp phá, xâm lăng, đánh chiếm đất đai và gây hại cho một vùng hay một đất nước nào đó. Bọn chúng vơ vét hết của cải, tài nguyên thiên nhiên, thẳng tay giết hại dân lành và những kẻ chống đối lại chúng. 

“Nhà” là nơi sinh sống của con người, nơi có gia đình thương yêu, nguồn hạnh phúc vô bờ bến. Hiểu rộng ra, “nhà” trong câu tục ngữ trên chính là một đất nước, một quốc gia có lãnh thổ rõ ràng. “Ngôi nhà” to lớn chứa đựng hàng ngàn, hàng vạn “ngôi nhà” nhỏ bé khác của những người dân Việt Nam lương thiện.

Rồi bỗng một ngày, “giặc đến nhà” đã phá tan đi cảnh an yên, thái bình của nhân dân. “Giặc” - quốc gia hùng mạnh hơn - hiên ngang xâm lược bờ cõi nước nhà, gieo bao tan thương, đau khổ và đưa nhân dân vào tình cảnh nước mất nhà tan.

Câu tục ngữ ‘Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh’ nghĩa là gì? 2
 

Đứng trước tình cảnh khốn khổ của nhân dân, những người phụ nữ chân yếu tay mềm đã không chịu ngồi yên, đã đứng dậy đấu tranh đánh đuổi bọn giặc ra khỏi “nhà”. Với chút sức lực nhỏ bé cùng tinh thần yêu nước nồng nàn, họ luôn sẵn sàng hy sinh thân mình để đánh đuổi bọn giặc càng quấy, khiến bọn chúng khiếp sợ, rút quân về nước và trả lại yên bình cho nhân dân.

Câu tục ngữ “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” cho thấy truyền thống yêu nước của người phụ nữ Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp đó được thể hiện rõ qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Họ - những người đàn bà tưởng chừng là yếu đuối ấy lại có một sức mạnh vô cùng to lớn, dám đương đầu với hiểm nguy khi “nhà” bị “giặc” dòm ngó, xâm lăng.

Xem thêm: Tổng hợp 47 câu ca dao tục ngữ về lòng yêu đất nước

2. “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” truyền thống yêu nước giữ vững từ thời chiến đến thời bình

Theo ghi chép, mở đầu truyền thống “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” chính là hai vị anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị. Bởi trong cuộc nổi dậy hào hùng ấy, hầu hết các tướng lĩnh đều là nữ nhi.

Lúc bấy giờ, ở Huyện Mê Linh có hai người con gái tên Trưng Trắc và Trưng Nhị tài trí hơn người, giỏi võ nghệ. Khi chứng kiến cảnh lầm than của nhân dân cùng cái chết oan ức của chồng mình là Thi Sách (Trưng Trắc), nợ nước thù nhà, Hai Bà Trưng quyết định kéo quân hỏi tội kẻ thù (giặc phương Bắc). 

Với khí thế ngút trời, Hai Bà Trưng cùng nhân dân đánh đâu thắng đó, khiến cho chỉ huy giặc là Tô Định phải tháo chạy về nước. Hai Bà Trưng trở thành hai vị anh hùng chống giặc ngoại xâm đầu tiên trong lịch sử nước nhà.

Khép câu chuyện xưa lại, chúng ta thấy rằng người phụ nữ Á Đông, đặc biệt là phụ nữ Việt Nam luôn gắn liền với hình ảnh dịu dàng, nết na. Họ chỉ biết quanh quẩn nơi xó bếp, hy sinh vì chồng vì con, chăm lo hạnh phúc gia đình. Với cái nhìn gay gắt của chế độ phong kiến, người phụ nữ luôn chịu nhiều thiệt thòi, bị tước đoạt đi mọi quyền lợi. 

Thế nhưng, khi nước nhà bị xâm lăng với ý chí kiên cường, tinh thần yêu nước nồng nàn, phụ nữ đã đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, làm rạng danh phụ nữ Việt Nam. Họ không tiếc thân mình, hy sinh cả tính mạng để giành lấy độc lập, tự do cho nhân dân, giúp nước nhà sạch bóng quân thù.

Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, lực lượng tham gia kháng chiến ngoài đàn ông còn có cả những người phụ nữ chân yếu tay mềm. Họ đi tải đạn, mở đường, phát truyền đơn, đánh du kích,... công việc nguy hiểm nào họ cũng có mặt. Đồng thời, họ là hậu phương vững chắc giúp các anh yên lòng chiến đấu, bảo vệ nước nhà.

“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” thể hiện truyền thống yêu nước quý báu của dân tộc ta. Không chỉ có một Triệu Thị Trinh, Lê Chân, Võ Thị Sáu, chị Út Tịch,... mà hàng ngàn hàng vạn phụ nữ dám hy sinh thân mình, đánh tan cường quyền, đòi lại công lý. Họ xứng đáng với tám chữ vàng Bác dành tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.

Ở thời chiến là thế, thời bình thì chị em phụ nữ không những đảm việc nhà mà còn giỏi việc nước. Họ có thể xuống được nhà bếp, lên được phòng khách. Họ sẵn sàng xung phong đến những vùng đất xa xôi, nghèo nàn để chiến đấu với “giặc” lạc hậu, mang ánh sáng văn minh đến với mọi người, góp phần công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh hơn.

Ngày nay, người phụ nữ nắm giữ nhiều chức vụ cao và quan trọng trên những phương diện khác nhau từ chính trị cho đến kinh doanh. Họ sống độc lập, mạnh mẽ, có tiếng nói hơn trong cuộc sống. Không những thế, người phụ nữ gặt hái được nhiều thành công trên con đường sự nghiệp, đưa nước Việt Nam “bước lên đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Xem thêm: 30+ câu ca dao tục ngữ về yêu thương con người

3. Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ

Từ bao đời nay, người phụ nữ luôn là đề tài muôn thuở trong thơ ca Việt Nam. Ngoài câu “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” thì trong kho tàng văn học dân gian còn rất nhiều câu tục ngữ ca ngợi nét đẹp, phẩm chất quý giá của người phụ nữ. 

  1. Tề gia nội trợ.
  2. Cầm kỳ thi họa.
  3. Công dung ngôn hạnh.
  4. Giàu vì bạn sang vì vợ.
  5. Đàn bà chân yếu tay mềm.
  6. Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng.
  7. Nhác trông con mắt đáng trăm
    Miệng cười đáng chục, hàm răng đáng nghìn
    Nhác trông con mắt ưa nhìn
    Đáng trăm cũng chuộng, đáng nghìn cũng mua.
  8. Những người con mắt lá răm
    Đôi mày lá liễu đáng trăm quan tiền.
Câu tục ngữ ‘Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh’ nghĩa là gì? 4
 
  1. Miệng em cười như cánh hoa nhài
    Như nụ hoa quế như tai hồng.
  2. Mắt xanh tươi thắm môi trầu
    Miệng cười lúm má, cho cầu thêm xinh.
  3. Trăm năm quyết chí một chồng
    Dầu ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai.
  4. Nước trong ai chẳng rửa chân
    Cái má trắng ngần ai chẳng muốn hôn.
  5. Ba thương má lúm đồng tiền
    Bốn thương răng lánh hạt huyền kém thua.
  6. Ai xui má đỏ, môi hồng
    Để anh nhác thấy đem lòng thương yêu.
  7. Lấy cho trả thảo cho cha
    Đền ơn cho mẹ con ra lấy chồng.
  8. Chồng người xe ngựa người yêu
    Chồng em áo rách, em chiều em thương.
  9. Vì cam cho quýt đèo bòng
    Vì em nhan sắc cho lòng nhớ thương.
  10. Chân mày vòng nguyệt có duyên
    Tóc mây gợn sóng đẹp duyên tơ hồng.

Câu tục ngữ “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” như sợi chỉ đỏ xuyên suốt theo chiều dài lịch sử dân tộc, là minh chứng cho sự oai hùng, dũng cảm của phụ nữ Việt Nam. Họ như đóa hoa hướng dương luôn hướng về nơi có ánh sáng mặt trời, đón nhận những nguồn năng lượng tốt đẹp, để sẵn sàng cống hiến cho nhân dân, cho Tổ quốc.

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận