Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Giận cá chém thớt’ nói đến điều gì?

(VOH) - 'Giận cá chém thớt' là câu tục ngữ quen thuộc nhưng nhiều người lại sử dụng chúng sai ngữ cảnh. Hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa câu tục ngữ này để áp dụng đúng nhé!

Trong cuộc sống, dù là người dễ tính đến đâu cũng sẽ có lúc nóng giận, đôi khi cơn giận không được kiểm soát sẽ làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Chính bởi vậy cha ông ta đã đúc kết ra câu tục ngữ “Giận cá chém thớt” để nói về vấn đề này. 

1. “Giận cá chém thớt” nghĩa là gì?

gian-ca-chem-thot-voh-1
Ý nghĩa của "Giận cá chém thớt"

Từ hình ảnh công việc quen thuộc hàng ngày là “làm cá”, câu tục ngữ mang rất nhiều ý nghĩa trừu tượng thú vị. Đầu tiên, “thớt” là vận dụng được sử dụng thường xuyên, “thớt” có thể được làm từ gỗ hoặc nhựa, dùng để kê (lót) trong việc thái và chặt thức ăn. 

Khi làm cá, chắc chắn chúng ta cần dùng thớt để xử lý miếng cá. Đôi khi việc làm cá gặp nhiều khó khăn và người làm cá sẽ thấy rất khó chịu, họ có xu hướng dùng dao bổ thật mạnh lên con cá. Lúc này, dao trúng cá thì ít mà thường chém vào thớt nhiều hơn. Thớt chính là vật phải chịu những nhát dao ấy dù nó không phải là nguồn cơn gây ra cơn nóng giận.

Vận dụng hình ảnh “làm cá” rất quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam, câu tục ngữ “Giận cá chém thớt” truyền tải nhiều ý nghĩa sâu xa phía sau. Câu tục ngữ dân gian ấy mang nghĩa khi con người ta quá tức giận mà không làm gì được thì sẽ trút sự bực bội ấy lên những người xung quanh. Người thân hay bạn bè sẽ thường là đối tượng phải chịu cơn tức giận nhiều nhất. 

Xem thêm: ‘Góp gió thành bão’: rèn luyện tính cách này, cuộc đời ‘lên hương’ khi nào không hay!

2. Tại sao không nên “Giận cá chém thớt”?

Cuộc sống là một chuỗi các sự kiện liên quan đến nhau, bởi vậy sẽ không tránh khỏi những lúc chúng ta bị liên lụy hay ảnh hưởng bởi những sự việc những tưởng không kiên quan đến mình. Chính bởi con người sống theo cảm xúc, bị cảm xúc chi phối, nên khi cơn giận xảy ra, mọi người sẽ có tâm lý muốn được “xả” cơn giận ấy ngay lập tức, dù chính bản thân họ biết làm như vậy là không đúng. 

gian-ca-chem-thot-voh-2
Không nên "giân cá chém thớt" với người xung quanh

Trong cuộc sống thường nhật, không khó để chúng ta chứng kiến những sự việc “giận cá chém thớt”, đôi khi chính chúng ta là nạn nhân, là “thớt”, nhưng cũng có khi ta lại là người “chém thớt”. Ví dụ như hai người bạn thân thiết của chúng ta cãi nhau, là người ở giữa, bạn sẽ thường bị trút giận lây vào người. Hoặc khi ở nhà, bố mẹ cãi nhau thì con cái cũng thường phải hứng chịu sự giận dữ ấy mà không được cãi lại. 

Đối tượng mà con người ta chọn để “giận cá chém thớt” thường là người thân, bạn bè thân thiết hoặc những người yếu thế hơn mình.  Ai cũng mang tâm lý, vì đó là người quen của mình, nên dù mình có quá đáng thế nào thì sau tất cả, họ vẫn sẽ luôn tha thứ cho mình. Tuy nhiên, khi cơn nóng giận đến, ta thường sử dụng những từ ngữ rất khó nghe, và đôi khi là những hành vi bạo lực. 

Thế nên, cho dù mối quan hệ của hai người có thân thiết thế nào đi nữa, bị người khác “chém thớt” một cách vô lý thì lâu dần, ai cũng sẽ thấy khó chịu. Những người từng là nạn nhân của “giận cá chém thớt” quá nhiều sẽ dần cảm thấy họ không được tôn trọng, các vết nứt lúc này sẽ xuất hiện và mối quan hệ cũng sẽ nhanh chóng sụp đổ. 

Một người hay tức giận, liên tục “giận cá chém thớt” lên người khác, dần dần sẽ bị mọi người xa lánh vì tính cách khó ưa của mình. Không chỉ vậy, họ còn dễ mất đi những cơ hội thăng tiến trong cuộc sống. 

Xem thêm: Chung lưng đấu cật’ - câu thành ngữ đơn giản nhưng mang ý nghĩa sâu sắc về tình đoàn kết

3. Bài học từ câu tục ngữ “Giận cá chém thớt”

gian-ca-chem-thot-voh-3
Chúng ta học được gì qua "Giận cá chém thớt"?

Thế hệ ông bà ta từng nhắc nhở một câu “Giận quá mất khôn”, khi bạn nóng giận, bạn thường không làm chủ được cảm xúc và hành vi của mình. Bởi vậy, thay vì coi người khác là “thùng rác” cảm xúc cho mình, tại sao bạn không thử đặt vị trí của mình vào và cố kiểm soát cơn giận trước khi nói chuyện với người khác. 

Bạn hãy thử tâm sự với những người thân thiết của mình, chia sẻ những cảm xúc của bạn, học hỏi kinh nghiệm từ họ. Điều này vừa giúp mối quan hệ của các bạn thêm bền chặt, vừa giúp bạn giải tỏa căng thẳng. 

Hành động “giận cá chém thớt” hầu như chỉ mang đến những ảnh hưởng tiêu cực, không chỉ với cá nhân người “chém thớt” mà còn đến những mối quan hệ xung quanh. Bởi vậy, để tránh những tác động tiêu cực ấy, chúng ta cần giữ thái độ sống tích cực, luôn giữ bản thân tỉnh táo, bình tĩnh trước mọi tình huống. Suy nghĩ thật kỹ trước khi nói để không làm mất lòng những người xung quanh.

Xem thêm: Câu tục ngữ ‘Trăm nghe không bằng một thấy’ và ý nghĩa ẩn dụ đằng sau

4. Các câu nói dân gian đồng nghĩa với “Giận cá chém thớt”

gian-ca-chem-thot-voh-4

Trong kho tàng danh ngôn, tục ngữ, thành ngữ cũng có rất nhiều câu nói hay đề cập đến sự nóng giận của con người có thể làm tổn thương người khác. Qua những câu nói này ẩn chứa bài học muốn khuyên con người nên kiểm soát cảm xúc, học cách đối mặt với sự giận dữ để rèn luyện bản thân trở thành người tốt hơn.

  1. Cả giận mất khôn
  2. Giận chồng vật con
  3. Khi giận, ai bẻ thước mà đo
  4. No mất ngon, giận mất khôn
  5. Chẳng có gì làm vừa lòng cái lưỡi khắc nghiệt hơn là khi nó tìm thấy một trái tim giận dữ. – Thomas Fuller
  6. Sự tức giận là axit có thể gây hại cho vật chứa nó nhiều hơn là những gì mà nó được đổ lên. – Mark Twain
  7. Bất cứ điều gì bắt đầu trong giận dữ đều kết thúc bằng sự xấu hổ. – Benjamin Franklin
  8. Giống như gió lốc xé nát cây và hủy hoại gương mặt của thiên nhiên trong cơn thịnh nộ, hay giống như động đất lật đổ cả thành phố khi rung chuyển; cơn thịnh nộ của một người sẽ gây ra sự tàn phá quanh anh ta. – Akhenaten
  9. Cơn tức giận bắt đầu với sự dại dột, và kết thúc bằng sự hối hận – Beverly Sills

“Giận cá chém thớt” là câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta sự nóng giận, mất kiểm soát sẽ làm ta mang thiệt vào thân. Bởi vậy, hãy học các kiểm soát xúc cảm của mình và nói không với hành động trút giận lên người khác nhé!

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet

Bình luận