Chờ...

Ý nghĩa câu "Khôn ngoan đối đáp người ngoài; Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau"

VOH - Trong kho tàng ca dao, văn học Việt Nam, có rất nhiều câu nói mang ý nghĩa đề cao gia đình, tình cảm anh em. Điển hình có câu "Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau".

Giữ gìn tình cảm, truyền thống gia đình là trách nhiệm và nhiệm vụ của mỗi cá nhân. Gia đình không chỉ là bến đỗ bình yên cho mỗi người mà còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nhận thức của ta. Điều đó được thể hiện rõ nét qua ca dao:

“Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau."

“Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”? nghĩa là gì?

khon-ngoan-doi-dap-nguoi-ngoai-ga-cung-mot-me-cho-hoai-da-nhau-voh-1
Ý nghĩa câu ca dao "Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau" 

Không có những hình ảnh ẩn dụ phức tạp, câu ca dao “khôn ngoan đối đáp người ngoài gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” gây ấn tượng mạnh bởi ý nghĩa vô cùng dễ hiểu.

Theo đó, “Gà cùng một mẹ” tức là chỉ anh chị em, họ hàng chung quan hệ huyết thống. Còn động từ “đá nhau” chính là muốn nói về hành động xích mích, cãi vã, bất hòa giữa anh em trong gia đình. 

Trong khi đó, vế đầu tiên “Khôn ngoan đối đáp người ngoài” là muốn nhắc nhở mỗi người cần khôn khéo, biết cách đối nhân xử thế với thế giới bên ngoài, còn với gia đình, với anh chị em ruột thịt của mình thì phải biết chăm sóc và bảo vệ nhau. 

Như vậy, ý nghĩa câu ca dao muốn nhắn nhủ, đã là anh chị em cùng chung một dòng máu, chung huyết thống, cùng sinh hoạt dưới một mái ấm gia đình, phải biết bảo ban, chăm sóc lẫn nhau. Nếu có xung đột nên giải quyết bằng lời nói và không nên rêu rao điều xấu của gia đình mình ra ngoài. 

Mỗi cá nhân trong cuộc sống đều sở hữu những tính cách, lối sống và quan điểm sống riêng biệt, thế nên sống chung dưới một mái nhà khó tránh khỏi những bất đồng. Nếu như biết cách cư xử khéo léo, nhường nhịn và cùng nhau trò chuyện để giải quyết những mâu thuẫn thì tình cảm gia đình sẽ gắn bó, bền chặt hơn. 

Bài học về tình cảm gia đình qua “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”

khon-ngoan-doi-dap-nguoi-ngoai-ga-cung-mot-me-cho-hoai-da-nhau-voh-2

Câu ca dao là lời nhắc nhở đầy ân tình

Từ ngàn đời xưa, người Việt Nam đã có truyền thống yêu quê hương, yêu gia đình. Có được một gia đình êm ấm, anh em hòa thuận một lòng là điều hết sức đáng trân trọng mà bất cứ ai cũng đều mong muốn có được. Bởi gia đình chỉ thật sự hạnh phúc khi các thành viên biết thấu hiểu, yêu thương và chia sẻ với nhau.

Giống như câu nói “anh em như thể tay chân”, mà đã là “tay chân” thì sao sống thiếu? Điều đó càng nhắc nhở ta hơn về tầm quan trọng của việc học cách giữ gìn những truyền thống, tình cảm gia đình tốt đẹp. Nếu như không có họ hàng, anh chị em, thì đâu sẽ là bến đỗ an toàn, ấm áp cho mỗi người chúng ta tìm về sau những vấp ngã, khó khăn của cuộc đời. Ai sẽ là người không màng danh lợi, tiền bạc, địa vị để yêu thương ta vô điều kiện?

Ngày nay, câu ca dao “Khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” càng thể hiện ý nghĩa giáo dục to lớn hơn khi xã hội ngày càng thay đổi, lòng người trở nên lạnh lẽo và vô cảm hơn. 

Trong xã hội hiện nay có không ít những người sẵn sàng bỏ rơi hay tệ hơn là hãm hại gia đình, cha mẹ, anh chị em ruột thịt của mình chỉ để đạt được những mục đích cá nhân. Những thành phần đó cần được phê phán cũng như lên án mạnh mẽ để giữ gìn hạnh phúc cho mỗi gia đình cũng như góp phần tạo nên xã hội đáng sống hơn. 

Chúng ta - những người được sinh ra và lớn trong một xã hội hiện đại, văn minh, được hưởng những sự giáo dục tốt nhất. Vì thế, nếu thật sự là người khôn ngoan, bạn hãy dành sự khôn ngoan đó cho những kẻ xảo trá, xấu xa ngoài kia, những người đã đẩy người thân của mình vào hoàn cảnh khó khăn. Đừng lấy cái khôn ngoan ra để so đo, tính toán với người thân, bởi vì dù đúng dù sai chúng ta vẫn là anh em, là “gà chung một mẹ”.

Xem thêm: 
Cá không ăn muối cá ươn / Con cãi cha mẹ trăm đường con hư có còn đúng trong cuộc sống hiện đại
Tìm hiểu về ý nghĩa của thành ngữ ‘Ở bầu thì tròn ở ống thì dài’ và bài học gửi gắm phía sau
Ý nghĩa câu tục ngữ 'Cá không ăn muối cá ươn/Con cãi cha mẹ trăm đường con hư'

Những câu nói sâu sắc về tình cảm anh chị em trong gia đình

Những người thân trong gia đình, anh chị em họ hàng là những người không chỉ gần gũi với chúng ta à còn là điểm tựa tinh thần mỗi khi ta gặp khó khăn, bởi vậy cần biết “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. 

Dưới đây là một số câu tục ngữ, thành ngữ đồng nghĩa với câu ca dao trên để các bạn tham khảo nhé!

  1. Một giọt máu đào hơn ao nước lã.
  2. Anh em thuận hòa là nhà có phúc.
  3. Anh em như chông như mác.
  4. Anh em hạt máu sẻ đôi.
  5. Em khôn cũng là em chị, chị dại cũng là chị em.
  6. Cắt dây bầu dây bí, ai nỡ cắt dây chị dây em.
  7. Chị ngã em nâng
  8. Anh em như thể chân tay
    Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.
khon-ngoan-doi-dap-nguoi-ngoai-ga-cung-mot-me-cho-hoai-da-nhau-voh-3
  1. Anh em nào phải người xa
    Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân.
  2. Yêu nhau như thể tay chân,
    Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy
  3. Anh em ăn ở thuận hoà
    Chớ điều chếch lệch người ta chê cười.​
  4.  Anh em trên kính dưới nhường
    Là nhà có phúc, mọi đường yên vui.
  5.  Anh em như tre cùng khóm,
    Chị em gái như trái cau non.
  6.  Anh em như thể chân tay
    Cùng cha cùng mẹ hăng say việc nhà.
  7.  Anh em cốt nhục đồng bào
    Kẻ sau người trước phải hào cho vui
    Lọ là ăn thịt ăn xôi
    Quý hồ ở nết tới lui bằng lòng.​
  8. Anh em một họ một nhà
    Thương nhau chân thật đường xa cũng gần.

“Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” là câu ca dao thấm đượm bài học về tình cảm gia đình, cụ thể hơn chính là tình anh em ruột thịt. Đồng thời, thông qua những hình ảnh ẩn dụ ví von, câu ca dao còn là lời nhắc nhở mỗi người chúng ta cần biết trân trọng, nhường nhịn và yêu thương gia đình, anh chị em của mình!

Đừng quên theo dõi VOH Sống đẹp để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.