Từ xa xưa, ông cha ta đã nhắc nhở rằng ‘Lời chào cao hơn mâm cỗ’ vì lời chào đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống. Lời chào thể hiện nét cư xử lịch sự của bản thân và sự tôn trọng với người đối diện. Để hiểu rõ hơn về câu tục ngữ này, mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.
1. "Lời chào cao hơn mâm cỗ" là gì?
Trước hết, “lời chào” là lời nói dùng để chào hỏi giữa những người thân quen hoặc cả những người xa lạ. Thông thường, người có vai vế thấp hơn, người nhỏ tuổi hơn sẽ cất lời chào trước. Lời chào là một hình thức lễ nghi trước khi bắt đầu một cuộc trò chuyện nào đó mà con người tiến hành trong giao tiếp hàng ngày. Lời chào hỏi thể hiện tình cảm, thái độ kính trọng của mình đối với người khác. Trong cuộc sống, lời chào trở thành một quy tắc ứng xử lịch sự giữ con người với con người.
Còn “mâm cỗ” là những món ăn được bày thành mâm để cúng tổ tiên, thần phật có ý nghĩa thiêng liêng. Khi gia đình có việc trọng đại, thường sẽ tổ chức tiệc để thông báo cho mọi người xung quanh biết (cỗ cưới, cỗ giỗ…). “Mâm cỗ” cũng có thể dùng để thết đãi khách khứa theo phong tục truyền thống.
Trong một bữa tiệc, lời chào có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Biết chào hỏi nhau trước khi ăn uống là biểu hiện thái độ gắn kết thân thiết và tôn trọng lẫn nhau. Điều ấy thể hiện cách ứng xử tinh tế của một con người, không vì miếng ăn mà quên đi nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống.
Đến một bữa tiệc chúng ta không chỉ ăn mà còn gặp gỡ, chia sẻ niềm vui với gia chủ và những vị khách được mời. Bữa tiệc chỉ là một hình thức, là một lời cảm ơn, là tấm lòng của người chủ muốn gửi đến mọi người. Vì vậy, chào hỏi trước là để thể hiện sự cung kính đối với gia chủ, sau là tạo thiện cảm với mọi người.
Câu tục ngữ "Lời chào cao hơn mâm cỗ" là lời răn dạy, chỉ bảo của ông cha ta. Câu nói thể hiện được phép lịch sự, sự tôn trọng và mến khách của con người Việt Nam. Câu tục ngữ đã khẳng định việc coi trọng lời chào và thái độ ứng xử giữa con người với nhau, mâm cao cỗ đầy hay vật chất đều không thể sánh được.
Xem thêm: Học cách ứng xử qua câu nói 'Ăn lắm thì hết miếng ngon/Nói lắm thì hết lời khôn hóa rồ'
2. "Lời chào cao hơn mâm cỗ" nghĩa là gì?
Dân tộc Việt Nam ta từ xa xưa vốn rất coi trọng lễ nghĩa. Trong các nguyên tắc ứng xử truyền thống, người Việt Nam đề cao tình cảm, đạo đức hơn vật chất. Người được mọi người yêu quý khi họ biết cư xử đúng mực, trọng nghĩa và lấy cái tình, cái nghĩa làm trọng.
Lời chào có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với con mỗi người. Nghĩa của câu tục ngữ "Lời chào cao hơn mâm cỗ" là thể hiện thái độ lễ phép, tôn kính của người nhỏ đối với người lớn. Nhận được lời chào, người ta sẽ vui vẻ, hạnh phúc đáp lại. Bởi vì, họ đã nhận được tình cảm yêu mến, kính trọng của những người xung quanh dành cho mình.
Lời chào đáp lễ thể hiện sự tôn trọng của người có vai vế cao hơn, nhiều tuổi hơn dành cho người có vai vế thấp hơn hay nhỏ tuổi hơn. Nhận được lời chào ấy, những người con, người cháu, người học trò,... cũng sẽ thấy sung sướng, mãn nguyện. Không những thế, lời chào trong những cuộc gặp gỡ còn có tác dụng “mở đầu câu chuyện” giúp con người thêm phần gần gũi.
Bởi vậy, lời chào rất quan trọng. Nó thể hiện tình cảm gắn bó giữa người với người. Những giá trị về tình cảm, đạo đức sẽ luôn được coi trọng hơn giá trị vật chất. Lời chào khi được nói ra phải xuất phát từ trái tim, từ sự chân thành, niềm nở cho ta thấy sự kính trọng dành cho nhau.
Tóm lại, với câu tục ngữ “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, ông bà ta muốn khẳng định vị trí quan trọng và giá trị to lớn không gì có thể sánh được của lời chào hay nói cách khác là thái độ, tình cảm của con người với con người.
3. Những câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao bàn về lời chào, lời ăn tiếng nói
Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, có rất nhiều câu ca dao tục ngữ hay nói về lời ăn, tiếng nói. Dưới đây là một số ví dụ mà bạn có thể tham khảo.
- Tiếng mời thơm hơn mùi rượu.
- Gọi dạ bảo vâng.
- Đi thưa về trình.
- Đi hỏi về chào.
- Đi thưa cho biết về trình cho hay.
- Đi thưa về gửi.
- Lời nói, gói vàng.
- Học ăn học nói học gói học mở.
- Ăn có nhai, nói có nghĩ.
- Ăn bớt bát, nói bớt lời.
- Chào nhau một chút kẻo mà/ Trời chiều bóng xế dần dà hết xuân.
- Một chào, hai dạ, ba thưa/ Tưởng chừng là dễ, mấy ai tận tường.
- Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
- Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.
- Anh gặp em vừa mừng vừa hỏi: “Phụ mẫu ở nhà mạnh giỏi hay không?”
- Ăn lắm, thì hết miếng ngon/ Nói lắm, thì hết lời khôn hóa rồ.
- Lên xe nhường chỗ bạn ngồi/ Nhường nơi bạn dựa nhường lời bạn thưa.
- Khôn ngoan, chẳng lọ nói nhiều/ Người khôn, nói một vài điều cũng khôn.
- Đất tốt trồng cây rườm rà/ Những người thanh lịch nói ra dịu dàng.
- Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời.
- Một thương tóc bỏ đuôi gà/ Hai thương ăn nói mặn mà, có duyên.
- Kim vàng ai nỡ uốn câu/ Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời
- Sảy chân, gượng lại còn vừa/ Sảy miệng, biết nói làm sao bây giờ.
- Thổi quyên, phải biết chiều hơi/ Khuyên người, phải biết lựa lời khôn ngoan.
- Chim khôn, tiếc lông/ Người khôn, tiếc lời.
Xem thêm: Khôn khéo hơn trong giao tiếp, ứng xử qua những câu ca dao, tục ngữ giàu giá trị!
Hy vọng, qua bài viết trên, các bạn đã nắm được ý nghĩa quan trọng và giá trị to lớn của lời chào, của thái độ và tình cảm so với vật chất. Câu tục ngữ “Lời chào cao hơn mâm cỗ” là một bài học quý giá trong cuộc sống của mỗi con người. Chúng ta hãy ghi nhớ và rèn luyện bản thân mỗi ngày để trở thành một người hoàn thiện.
Nguồn ảnh: Internet