Giữa muôn vàn khó khăn của cuộc sống thì tình người có lẽ là thứ ấm áp nhất mà chúng ta có thể dành cho nhau. Trong kho tàng văn học Việt Nam có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ nói về chủ đề này và một trong những câu tục ngữ phổ biến nhất là 'Một miếng khi đói bằng một gói khi no'. Chúng ta sẽ cùng giải thích, phân tích chi tiết hơn qua bài viết sau đây nhé!
1. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” nghĩa là gì?
“Đói” và “no” là hai trạng thái sinh học đối lập nhau. Nếu như “đói” là hiện tượng cơ thể báo động về việc thiếu thức ăn, thiếu năng lượng thì “no” là trạng thái sau khi ăn, lúc này cơ thể đã sẵn sàng để thực hiện các chức năng sống khác.
Câu tục ngữ “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” ý nói khi cơ thể chúng ta đói mà được tiếp nhận thức ăn, cho dù là ít ỏi nhưng lại mang đến cảm giác vui sướng, trân trọng và biết ơn. Còn khi đã no bụng thì cho dù chúng ta ăn cao lương mĩ vị cũng sẽ cảm thấy thật bình thường. Nói cách khác, khi đói, được giúp đỡ "một miếng" ăn nhỏ sẽ quý giá hơn so với việc khi no được cho "một gói" đầy.
Không chỉ có vậy, câu tục ngữ “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” còn ẩn chứa một bài học làm người sâu sắc. “Đói” nhằm nói đến tình cảnh khó khăn, nghèo khổ hay hoạn nạn của đời người trong khi “no” lại là sự đủ đầy, sung sướng, giàu sang.
Câu tục ngữ “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” muốn giáo dục chúng ta cần phải biết trân trọng sự giúp đỡ của người khác dành cho mình, dù sự giúp đỡ ấy cực kỳ nhỏ, trong lúc bản thân gặp phải tình cảnh éo le, ngặt nghèo. Bởi nhờ có sự hỗ trợ kịp thời ấy mà chúng ta mới thoát ra khỏi tình cảnh khó khăn và có một cuộc sống tốt hơn.
Bên cạnh bài học giáo dục về sự biết ơn, câu tục ngữ “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” còn lan tỏa đến mọi người về sự san sẻ, tương thân tương ái trong cuộc sống. Khi chúng ta biết giúp đỡ người khác cũng là lúc bản thân mình biết yêu thương, đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh.
Và hơn nữa, điều chúng ta nhận lại được sau mỗi hành động cao quý ấy chính là sự tôn trọng, yêu quý từ mọi người xung quanh. Sợi dây yêu thương sẽ gắn kết mỗi cá nhân lại gần nhau hơn và khiến cho cuộc sống này thêm phần ý nghĩa.
Xem thêm:
Ý nghĩa nhân văn và bài học yêu thương sẻ chia từ câu thành ngữ ‘Nhường cơm sẻ áo’
‘Có thực mới vực được đạo’ - câu tục ngữ mang tinh thần chủ nghĩa hiện thực của người Việt Nam
2. Học cách san sẻ chân thành với người khác qua câu tục ngữ “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”
Khi quan sát qua lăng kính xã hội, câu tục ngữ “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” mang trong mình 2 tầng nghĩa lớn dành cho 2 đối tượng: người nhận được sự giúp đỡ và người cho đi sự giúp đỡ đó.
Về phía người nhận được sự giúp đỡ, câu tục ngữ dạy chúng ta rằng trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, người sẵn sàng dang rộng cánh tay để giúp đỡ ta chính là những quý nhân của cuộc đời mình. Suốt đời ta phải mang ơn nghĩa đó và tìm cách báo đáp thì mới đúng đạo làm người.
Hãy tưởng tượng nếu bạn đang rơi vào tình trạng khó khăn đến mức hết tiền mua đồ ăn và bạn đang rất đói. Trong tình cảnh ấy, nếu một người nào đó xuất hiện và tặng bạn một bữa ăn thì có đáng quý không? Về mặt vật chất, nó không đáng là bao, nhưng nếu xét trong tình cảnh bạn sắp chết đói thì quả thật bữa ăn ấy còn đáng giá hơn vàng bạc, châu báu.
Về phía người cho đi sự giúp đỡ, câu nói trên khuyên chúng ta rằng “của cho không bằng cách cho”, nghĩa là ta cần học cách san sẻ, giúp đỡ người khác một cách chân thành. Để cho đi một cách tinh tế thật không dễ, đó là cả một nghệ thuật. Cho làm sao để người được nhận không tự ái, không chạnh lòng hoặc cảm thấy bị thương hại, giúp đỡ làm sao để người nhận thoải mái nhận và sự giúp đỡ của ta đạt được kết quả như mong muốn, tức mang lại giá trị cho người đó, giúp người đó vượt qua khó khăn.
Để làm được như vậy, ta cần đặt mình vào vị trí của người khác, xem xét hoàn cảnh thích hợp để giúp đỡ, khôn khéo trong cách dùng từ ngữ và tùy vào tính cách của từng người mà ta muốn giúp đỡ, ta sẽ có cách ứng xử sao cho phù hợp. Nếu không, ta có thể vô tình làm cho người nhận áy náy, khó chịu và thậm chí là đánh mất luôn chính mối quan hệ đó.
Câu tục ngữ “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” không chỉ răn dạy chúng ta phải biết ơn, nhớ ơn và trả ơn quý nhân đã giúp ta những lúc nguy khốn mà còn nhắc nhở mọi người để ý đến cách cho đi sự giúp đỡ sao cho tinh tế và khéo léo. Ngoài ra, câu tục ngữ còn ẩn chứa một truyền thống đoàn kết tốt đẹp của dân tộc ta trong thời chiến lẫn thời bình, đó là tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau vượt qua giai đoạn khó khăn của cuộc sống.
3. Tục ngữ, thành ngữ, ca dao về sự san sẻ, giúp đỡ, yêu thương con người
Trong kho tàng văn học Việt Nam, ngoài câu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” thì còn có một số câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao mang ý nghĩa tương tự. Chẳng hạn như các câu dưới đây:
1. Lá lành đùm lá rách.
2. Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
3. Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
4. Thương người như thể thương thân.
5. Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ.
6. Nhường cơm, sẻ áo.
7. Dẫu xây chín bậc phù đồ
Chẳng bằng làm phúc cứu cho một người.
8. Chia ngọt sẻ bùi.
9. Máu chảy ruột mềm.
10. Anh em như thể chân tay
Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần.
Xem thêm:
Tổng hợp 30+ câu ca dao tục ngữ về yêu thương con người hay nhất
32 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về đoàn kết tạo nên sức mạnh cộng đồng
28 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lòng nhân ái giáo dục nhân cách mỗi con người
Câu tục ngữ “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” dù đã có từ lâu nhưng vẫn giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay. Qua những chia sẻ xoay quanh câu tục ngữ trên, mong rằng mỗi độc giả sẽ suy ngẫm về từng khoảnh khắc cuộc sống của mình, hãy bồi đắp thêm tình yêu thương đối với người khác để cuộc sống thêm ý nghĩa hơn bạn nhé!
Nguồn ảnh: Internet