Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích ý nghĩa thành ngữ "Một người làm quan cả họ được nhờ"

(VOH) - Một người làm quan cả họ được nhờ là câu thành ngữ nhấn mạnh mối quan hệ khăng khít giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là những người cùng huyết thống.

Xưa nay anh em, gia đình nương tựa là chuyện bình thường, là một điều tất yếu. Nó đại diện cho truyền thống “lá lành đùm lá rách” nghìn đời của dân tộc ta. Minh chứng cho điều này, ông cha ta có câu: “Một người làm quan cả họ được nhờ”.

1. “Một người làm quan cả họ được nhờ” nghĩa là gì?

Câu thành ngữ mang hai lớp nghĩa tích cực và tiêu cực đối lập nhau. “Làm quan” là cách nói ẩn dụ cho người có quyền lực, địa vị trong cả xã hội cũ và xã hội hiện đại. Còn “cả họ” là những người có quan hệ huyết thống nói chung.

“Một người làm quan cả họ được nhờ”, theo góc nhìn tích cực là một người có quyền lực thì gia đình, họ hàng được nương nhờ. Ngược lại, câu thành ngữ cũng nói về tệ nạn “con ông cháu cha”, đi "cửa sau" để vào các vị trí có quyền lực, gây bất bình đẳng trong xã hội.

2. “Một người làm quan cả họ được nhờ” - hai mặt trái nhau của một vấn đề

Gia đình là một thể thống nhất, các thành viên có sự gắn bó với nhau cả về vật chất và tinh thần. Câu thành ngữ đã nhìn cuộc sống trong sự vận động, đặt cá nhân trong mối quan hệ với cộng đồng.

Thành ngữ Một người làm quan cả họ được nhờ nghĩa là gì? 1
Quan hệ huyết thống là quan hệ thiêng liêng và gần gũi nhất

Bởi chức quyền càng cao, con người ta càng giàu có. Trong nhà có người mạnh về kinh tế, gánh nặng gia đình sẽ đỡ đi rất nhiều. Không những thế anh em họ hàng cũng nhận được sự hỗ trợ về tài chính, nguồn lực; con cháu được nâng đỡ, tiến cử và đỗ đạt.

“Được nhờ” ở đây còn là ảnh hưởng tích cực về mặt tinh thần. Một người làm lớn, cả họ thơm lây. Đó là niềm vui, niềm tự hào để nở mày nở mặt. Bên cạnh đó, sự uy tín của các thành viên cũng được tăng lên, tạo được ấn tượng tốt đẹp với xã hội.

Bên cạnh ca ngợi quan hệ ruột thịt, câu thành ngữ còn vạch trần một tệ nạn trong xã hội, đó là người làm quan thường vun vén hạnh phúc cá nhân. “Nhất quan hệ, nhì tiền tệ”, người đời nói quả không sai. Xã hội thời nào cũng thế, để ngồi được vị trí tốt, không đút lót thì cũng vào bằng quan hệ, thành ra một người làm quan, cả họ cũng làm quan, cho dù cả họ chưa chắc đã đủ năng lực để làm quan.

Thành ngữ Một người làm quan cả họ được nhờ nghĩa là gì? 2
Một người làm quan, cả họ làm quan

Điều này để lại hệ quả vô cùng nặng nề trong xã hội. Trước tiên là sự bất bình đẳng, khi mà người có tài phải nhường chỗ cho người có cơ, thành ra “con quan thì lại làm quan, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Không những thế, đưa “con ông cháu cha” vào công ty, cơ quan thì những người khác phải nể mặt nâng đỡ nhân viên "con ông cháu cha", gây giảm chất lượng công việc, kéo theo đó là sự suy thoái xã hội.

Chưa kể lối tư duy “Một người làm quan cả họ được nhờ” còn tạo nên định hướng lệch lạc trong việc lựa chọn nghề nghiệp, khi con người không đi theo đam mê, mà đi theo thế lực gia đình, theo tiếng gọi của người đi trước. Thay vì cố gắng, người ta lại chọn sống an nhàn.

Xem thêm: Thấm thía lời dạy ‘Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó’

3. Bài học rút ra từ thành ngữ “Một người làm quan cả họ được nhờ”

Câu thành ngữ mang hai lớp nghĩa, tưởng như đối lập nhau nhưng thực chất lại bổ sung cho nhau. Từ hai cái nhìn tích cực và tiêu cực về quan hệ ruột thịt, ông cha ta mang đến cho con cháu bài học nhân sinh, là “quan hệ ruột thịt ” làm sao cho đúng.

“Lá lành đùm lá rách” là tinh thần ngàn đời của dân tộc, cần được trân trọng và phát huy. Nhưng “đùm” cũng cần có mức độ, anh em chỉ giúp đỡ nhau trên cơ sở không ảnh hưởng đến lợi ích của người khác. Như hiện trạng mượn chức quyền để nâng đỡ người nhà như trên, không phải đoàn kết, mà là ích kỷ. Ở đây con người đã đặt lợi ích gia đình, lợi ích cá nhân lên trên lợi ích cộng đồng.

4. Những câu ca dao, tục ngữ nói về tình cảm gia đình

Cùng với thành ngữ “Một người làm quan cả họ được nhờ, trong kho tàng văn học Việt Nam có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ cùng chủ đề ca ngợi tình cảm gia đình như:

  1. Chị ngã em nâng.
  2. Anh em hạt máu sẻ đôi.
  3. Đi việc làng giữ lấy họ, đi việc họ giữ lấy anh em.
  4. Anh em khinh trước, làng nước khinh sau.
  5. Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì.
  6. Anh em như thể chân tay
    Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần.
  7. Khôn ngoan đối đáp người ngoài
    Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
  8. Yêu nhau từ thuở trong nôi
    Em nằm em khóc, anh ngồi anh ru.
  9. Đắng cay cũng thể ruột rà
    Ngọt ngào cho lắm cũng là người dưng.
  10. Một giọt máu đào hơn ao nước lã.

Xem thêm: 28 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lòng nhân ái

Thành ngữ Một người làm quan cả họ được nhờ nghĩa là gì? 3
  1. Bầu ơi thương lấy bí cùng
    Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
  2. Anh em thuận hòa là nhà có phúc.
  3. Anh em như chông như mác.
  4. Cắt dây bầu dây bí, ai nỡ cắt dây chị dây em.
  5. Anh ngủ em thức, em chực, anh đi nằm.
  6. Anh em nào phải người xa,
    Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân.
    Yêu nhau như thể tay chân,
    Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy.
  7. Anh em trên kính dưới nhường
    Là nhà có phúc, mọi đường yên vui.
  8. Anh em chín họ mười đời
    Hai đằng cùng có, chẳng rời nhau ra​.
  9. Anh em một họ một nhà
    Thương nhau chân thật đường xa cũng gần.
  10. Chẳng thi, chẳng đỗ, chẳng sao
    Anh em không được người nào bỏ nhau.

“Một người làm quan cả họ được nhờ” là câu thành ngữ đúc kết bài học quý báu về tình cảm gia đình của ông cha ta. Hy vọng qua bài viết này, các bạn đã hiểu được ý nghĩa của câu thành ngữ trên và thêm trân trọng tình cảm gia đình.

(Sưu tầm - Nguồn ảnh: Internet)

Bình luận