Tiêu điểm: Nhân Humanity

Giải thích ý nghĩa tục ngữ ‘Nước lã mà vã nên hồ' nói về đức tính nào?

(VOH) - 'Nước lã mà vã nên hồ' - câu tục ngữ này cha ông đã ngầm dạy chúng ta điều gì?

Cha ông ta từ ngàn đời xa xưa luôn dạy con cháu sống tự lập, bản lĩnh, không dựa dẫm vào người khác. Đức tính tự lập được cha ông đúc kết qua câu tục ngữ “Nước lã mà vã nên hồ”, lưu truyền trong dân gian cho đến hôm nay.

Thế nhưng giữa nhịp sống hiện đại mấy ai hiểu được ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ này? 

1. “Nước lã mà vã nên hồ” là gì?

Để hiểu được ý nghĩa sâu xa của câu tục ngữ “Nước lã mà vả nên hồ”, trước tiên ta cần phân tích ý nghĩa của từ và xét theo nghĩa cảnh đầy đủ của câu:

“Nước lã mà vã nên hồ
Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan”

nuoc-la-ma-va-nen-ho-voh-1

Trong câu nói này, từ “nước lã” theo từ điển Tiếng Việt có nghĩa là nước ngọt tự nhiên, nước chưa qua quá trình đun nấu hay xử lý.

“Hồ” là bột loãng hoặc vữa thường dùng để xây nhà. Ở trong câu nói “nước lã” – từ vật tự nhiên, thiếu thốn mà trở thành “hồ” – vật có tác dụng hỗ trợ đặt nền móng cho căn nhà.

Câu thứ hai “Tay không mà nổi cơ đồ mới ngoan” chính là câu giải thích hoàn hảo nhất cho vế trước. Người bắt đầu từ bàn tay trắng mà làm nên chuyện lại càng được trân trọng, đáng nể phục.

Đây là một câu nói mang ý nghĩa thúc giục con người sống tự lập, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm để hoàn thiện bản thân hơn mỗi ngày.

2. Ý nghĩa câu tục ngữ “Nước lã mà vã nên hồ”

Tục ngữ “Nước lã mà vã nên hồ” là một trong những câu ca dao từ ngàn xưa có tác dụng truyền động lực và tăng tính tự lập đối với giới trẻ hiện đại. Mỗi con người đều có chung một vạch xuất phát, tuy nhiên nếu bạn biết tự chủ, tự lập nên thành tích thì mới chính là điều đáng quý, đáng trân trọng.

Sống tự lập có nghĩa là tự vượt qua những khó khăn, tự giải quyết công việc, tự tạo dựng cuộc sống của chính mình.

Tự lập là một đức tính mà cha ông ta luôn muốn truyền đạt cho con cháu. Những người tự lập sớm cũng thường được yêu quý và tôn trọng hơn bởi họ có thể chủ động giải quyết được những khó khăn và sớm định được lối đi riêng trong cuộc sống.

Đức tính tự lập sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn và có thể trở thành chỗ dựa vững chắc cho người khác.

nuoc-la-ma-va-nen-ho-voh-2
Tự lập, tự chủ tạo ra con đường của riêng mình

“Nước lã mà vã nên hồ” là câu tục ngữ được đưa vào sách Giáo dục công dân lớp 8 để giúp các em học sinh, những thế hệ tương lai được tiếp xúc sớm và hiểu được tầm quan trọng của đức tính tự lập.

Rèn luyện đức tính tự lập là việc cần làm mỗi ngày để có thể thành công trong học tập, công việc, trở nên rắn rỏi và dám đương đầu.

Xem thêm: ‘Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân’ - tự chủ, đức tính quyết định thành công!

3. Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về tính tự lập

Ngoài câu “Nước lã mà vã nên hồ”, trong dân gian còn rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về tính tự lập, ý chí nghị lực được đúc kết từ kinh nghiệm cha ông để lại mà các thế hệ ngày nay có thể học tập theo như:

  1. Làm người ăn tối lo mai
    Việc mình hồ dễ để ai lo lường.
  2. Giàu người ta chẳng có tham
    Khí thì ta liệu ta làm ta ăn.
  3. Có khó mới có miếng ăn
    Không dưng ai dễ đem phần đến cho
nuoc-la-ma-va-nen-ho-voh-3
 
  1. Đói thì đầu gối phải bò
    Cái chân hay chạy cái giò hay đi
  2. Ăn 1 mình đau tức
    Làm 1 mình cực thân.
  3. Dù ai nói ngả nói nghiêng
    Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân
  4. Có vất vả mới thanh nhàn
    Không dưng ai dễ cầm tàn che cho
  5. Ngọc kia chuốt mãi cũng tròn,
    Sắt kia mài mãi cũng còn nên kim.
  6. Ai ơi giữ chí cho bền
    Dù ai đổi hướng xoay chiều mặc ai
  7. Chớ thấy sóng cả mà rã tay chèo (Khuyên con người cố gắng vượt qua mọi khó khăn, đừng nhụt chí mới thành công).
nuoc-la-ma-va-nen-ho-voh-4
 
  1. Có chí thì nên (Có ý chí, dũng khí đương đầu với khó khăn, thử thách mới thành công).
  2. Hữu thân hữu khổ (Câu nói thể hiện tinh thần tự chủ, tự do cho cuộc sống của chính mình để đạt được những kết quả tốt đẹp).
  3. Có cứng mới đứng đầu gió (Ai cũng phải gặp khó khăn, sóng gió trong cuộc đời. Điều quan trọng là phải cứng rắn, có ý chí mới vươn lên đón đầu ngọn gió).
  4. Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ (Câu nói chỉ những người nếu chăm chỉ lao động, có ý chí thì sẽ được ấm no, đủ đầy. Những người “tay quai” là những người lười biếng sẽ chịu cảnh thiếu thốn).
  5. Thân tự lập thân (Thể hiện ý chí, bản thân tự quyết định cuộc sống của mình).
  6. Có thân phải khổ, có khổ mới nên thân.
  7. Giúp lời, không ai giúp của; giúp đũa, không ai giúp cơm. (Không một sự giúp đỡ nào là trọn vẹn, muốn thành công thì quan trọng nhất vẫn là tự lực cánh sinh).
  8. Muốn ăn phải lăn vào bếp.
  9. Đầu người nào tóc người ấy (Câu nói thể hiện rõ quan điểm tự lập, mỗi người đều nên tự chủ động quyết định cuộc sống của mình).

Xem thêm: Tuyển tập thơ 2 câu về cuộc sống ai cũng nên đọc một lần

  1. Có trời cũng phải có ta: (Câu nói thể hiện ai cũng cần phải lao động, thành bại trong công việc đều do chính bản thân ta nỗ lực mà ra).
  2. Nước chảy đá mòn (Theo quy luật tự nhiên, sự kiên trì, nhẫn nại và cố gắng nào cũng sẽ đem lại được thành công như mong đợi).
  3. Lửa thử vàng, gian nan thử sức (Không thể tránh khỏi việc gặp khó khăn trong cuộc sống, điều quan trong là khó khăn giúp rèn nên tính tự chủ, tự lập và tìm ra người có nghị lực, tài năng).
  4. Chớ vì nghẹn một miếng mà bỏ bữa ăn, chớ vì ngã một lần mà chân không bước
nuoc-la-ma-va-nen-ho-voh-5

“Nước lã mà vã nên hồ” – câu tục ngữ dạy con người sống bản lĩnh, dám nghĩ dám làm.

Vì tính tự lập là một đức tính cao quý mà mỗi người nên rèn luyện trong cuộc sống hằng ngày, nên mong rằng câu tục ngữ “Nước lã mà vã nên hồ” sẽ giúp mỗi người có thể học tập và noi theo, sống có trách nhiệm, tăng khả năng tự duy, sáng tạo, trở thành "viên ngọc sáng" giữa cuộc đời.

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet

Bình luận