Đắc nhân tâm, Bạn đắc giá bao nhiêu, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Đời ngắn đừng ngủ dài,… là những quyển sách bán chạy nhất những năm gần đây và đó đều là những quyển sách thuộc thể loại self help. Vậy self help là sách gì?
Sách self help là gì?
Sách self help hay gọi là sách tự lực, sách tự trợ là thể loại sách được viết ra với mục đích đưa ra hướng đi, sự lựa chọn cho đọc giả, để từ đó giúp họ có cách giải quyết các vấn đề đang vướng phải trong cuộc sống. Sách self help đề cao giá trị bản thân, niềm tin cuộc sống, tạo động lực và luôn khuyến khích mọi người nhìn mọi thứ theo chiều hướng tích cực. Các chủ đề phổ biến nhất trong sách self help là tình yêu, hôn nhân, gia đình, ứng xử, giao tiếp, làm giàu,...
Dòng sách này được đặt tên self help bởi vì vào năm 1859 có một quyển sách viết về chủ đề tự lực có tên self help của tác giả Samuel Smiles người Scotland đã trở thành quyển sách bán chạy nhất, sau sự kiện này dòng sách tự lực trở nên phổ biến và được mọi người tìm đọc nhiều hơn, từ đó dòng sách này được gọi là self help cùng tên với cuốn sách. Sách self help cũng trở thành hiện tượng văn hóa hậu hiện đại ở cuối thế kỷ 20.
Đến nay self help vẫn là thể loại sách được nhiều người tìm đọc nhất và luôn là dòng sách bán chạy nhất trên kệ sách, mọi người đọc sách self help với mục đích là hoàn thiện bản thân. Tác phẩm “Đắc nhân tâm” của tác giả Dale Carnegie là một trong những cuốn sách tự lực được săn lùng nhiều nhất ở thời điểm hiện tại.
Xem thêm: 10 cuốn sách hay giúp người phụ nữ tìm ra phiên bản hoàn hảo nhất của mình!
Sách self help là một con dao hai lưỡi?
Ngày nay có rất nhiều cách để học tập, tiếp nhận thông tin nhưng không thể phủ nhận sách vẫn là kho tàng kiến thức vô tận và tinh túy nhất, nhưng đáng buồn là số người thích đọc sách đang ngày càng ít đi. Và sự xuất hiện của sách self help như một làn gió mới một lần nữa thổi bùng lên niềm đam mê đọc sách với giới trẻ, nhất là gen Z.
Tuy nhiên, sự phổ biến quá mức của sách self help cũng đã gây ra nhiều tranh cãi. Trong khi nhiều người xem self help như một liều thuốc chữa lành, một kho báu kỹ năng sống,… thì một số người lại cảm thấy “ghét” sách self help và cho rằng nó gây ảo tưởng cho người đọc, khiến họ chìm đắm trong những câu chuyện cuộc đời quá cao siêu rồi nghĩ rằng bản thân cũng như thế.
Nhưng sự việc nào cũng có hai mặt, và sách self help cũng không ngoại lệ. Chúng ta không thể phủ nhận những giá trị to lớn mà self help mang lại, sách tự lực đã giúp độc giả lấy lại niềm tin trong cuộc sống, có thất bại cũng không nản chí, luôn tích cực và khát khao về tương lai. Quyển sách này vô cùng bổ ích cho những ai mất động lực, đang chơi vơi giữa những ngã rẽ đường đời, nó giống như một người bạn tốt, luôn thấu hiểu và giúp bạn có những hướng đi mới tốt đẹp hơn.
Thế nhưng bởi vì những nhân vật và những câu chuyện trong self help dù cho có hoàn cảnh tệ hại như thế nào, thất bại ra sao thì bằng sự thay đổi trong quan điểm sống, bằng niềm tin và bằng sự cố gắng không ngừng đều có kết quả vô cùng tốt đẹp, thậm chí là mĩ mãn. Nhiều người cho rằng những câu chuyện này là phi lý, quá màu hồng, và những cách thức được đưa ra có chắc là đúng với mọi hoàn cảnh hay không? Hay đó chỉ là những lời hoa mỹ?
Những câu chuyện này khiến cho độc giả ảo tưởng bản thân cũng sẽ giống như những nhân vật đó để rồi chìm đắm trong suy nghĩ một ngày nào đó chính mình cũng sẽ trở nên tốt đẹp như vậy mà quên mất thực tế cuộc sống vô cùng khắc nghiệt và phũ phàng, không hề đơn giản như lý thuyết.
Suy cho cùng bất kỳ điều gì cũng luôn tồn tại hai mặt, quan trọng nhất là bạn hãy luôn tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin, chọn lựa và chắt lọc những giá trị phù hợp với bản thân, với nguyện vọng và câu chuyện của mình. Sách self help vẫn là một dòng sách rất đáng để đọc vì những giá trị mà nó mang lại cho độc giả là rất lớn, đặc biệt là với những ai đang bế tắc trong cuộc sống, nhưng cũng đừng quên phải chọn đúng quyển sách phù hợp với mình!
Nguồn ảnh: Internet