Chờ...

Thành công là gì? 10 việc cần làm để trở thành người thành công trong cuộc sống

(VOH)–Nhiều người cho rằng, người thành công là người có công việc tốt hay có rất nhiều tiền. Nhưng thực tế 1 người được gọi thành công không nhất thiết phải là người kiếm nhiều tiền như ta vẫn nghĩ.

Thành công là gì?

Khi được hỏi về thành công, chúng ta thường nghĩ ngay đến công ăn việc làm, tức là một người có sự nghiệp ổn định, có địa vị xã hội hay có thể kiếm được rất nhiều tiền. Tuy nhiên, thực tế để có thể tự tin khẳng định mình đã thành công thì không phải ai cũng dám nói. Bởi một người thành công cần phải xét ở nhiều khía cạnh, nhiều góc độ khác nhau và chắc chắn một điều rằng điều kiện kinh tế tốt, ở một vị trí nhiều người mơ ước... không phải là thước đo duy nhất của sự thành công.

Một ví dụ đơn giản, nếu bạn sở hữu những thứ tiện nghi sang trọng hoặc có địa vị xã hội rất cao những gia đình bạn đổ vỡ, người thân yêu xa lánh thì liệu bạn có được gọi là thành công? Câu trả lời là CÓ, bạn thành công về mặt vật chất nhưng đã thất bại về đời sống tình cảm một cách hoàn toàn. Chính là như vậy, trên đời không có cái gì gọi là “thập toàn thập mỹ” khi bạn thành công đạt được cái này thì bạn sẽ phải đánh mất một cái khác, ít hoặc nhiều.

noi-nhieu-ve-2-chu-thanh-cong-nhung-ban-co-that-su-thanh-cong-voh

Mỗi ngày bạn bước ra đường, sẽ không khó bắt gặp những bước chân vội vã, những gương mặt đầy căng thẳng. Họ không biết mình đang đi đâu, ai vừa lướt ngang qua mình. Ngồi cạnh nhau hàng giờ trên xe buýt nhưng không ai bắt chuyện cùng ai, vì dường như ai cũng đang rất bận rộn với những kế hoạch trong đầu. 

Và bạn cũng thế, bạn gặp đồng nghiệp trong công ty nhưng không thể dừng lại hỏi thăm và chờ đợi câu trả lời vì sợ làm lỡ mất thời gian của chính mình, rồi dần dà bạn tự biến mình thành một cỗ máy vô tri và mất dần tình người với nhau lúc nào không biết. Đến khi bạn thành công và quay lại xung chẳng có ai, lúc ấy có thể bạn đã thành công nhưng sự thành công như thế vốn đã mang theo tính chất của sự hủy diệt.

Chúng ta nên nhớ, tài sản lỡ bị tiêu tán thì ta vẫn còn nhiều cơ hội để tìm lại được, hay vẫn còn nhiều điều ý nghĩa khác để sống. Nhưng một khi những phẩm chất thiêng liêng trong tâm hồn như sự bình an, lòng thương xót, đức tính thật thà,... bị “phá sản” thì có khi cả đời ta cũng không thể nào tạo dựng lại nổi.

noi-nhieu-ve-2-chu-thanh-cong-nhung-ban-co-that-su-thanh-cong-1-voh

Một người sống chỉ biết nghĩ đến mình, vì thành công của bản thân mà nhấn chìm, đạp đổ người khác thì chẳng khác nào một kẻ thất bại. Dù bạn có thành công về vật chất, địa vị xã hội hay tình cảm thì bạn cũng đã thua với chính lương tâm của mình.

Để thành công chúng ta cần phải làm gì?

Cho đến hiện tại, nếu như bạn vẫn còn nghĩ rằng, có đầy đủ của cải vật chất, sự giàu có thì đã là thành công thì bạn đã sai lầm. Bởi hầu hết các tỷ phú, triệu phú trên thế giới đều cho rằng, tạo ra của cải vật chất không phải là điều quan trọng nhất mà họ nghĩ tới. Tất nhiên, kiếm tiền cũng quan trọng, nhưng khi nói đến thành công, họ quan tâm nhiều hơn đến những thứ khác, chẳng hạn như suy nghĩ, thái độ, tầm nhìn, niềm tin, sự phát triển của bản thân và tiếp tục học hỏi. Vì thế, nếu muốn thành công, bạn cần:

1. Nhất định phải biết “nhìn xa trông rộng”

Khả năng đoán định tương lai trước khi nó thực sự xảy đến là một trong những tố chất quan trọng của một người đã, đang và sẽ thành công. Nói cách khác, bạn phải biết những gì bạn muốn, tại sao bạn muốn và sẵn sàng làm gì để có được điều đó. Thay vì để mỗi ngày trôi qua vô ích, ngay bây giờ hãy lên kế hoạch cho cuộc đời mình bằng cách vạch ra những gì mình cần làm và loại bỏ sự trì hoãn, do dự trong việc ra quyết định.

2. Có khả năng “kiềm chế cảm xúc”

noi-nhieu-ve-2-chu-thanh-cong-nhung-ban-co-that-su-thanh-cong-2-voh

Khả năng kiểm soát cảm xúc đóng một vai trò quan trọng trong sự thành công ở mỗi người. Những loại cảm xúc mạnh mẽ như tức giận, ghen tuông hay tuyệt vọng đều có thể can thiệp vào công việc và cuộc sống của bạn mỗi ngày. Nó chi phối cách bạn suy nghĩ và ra quyết định. 

3. Biết cách đơn giản hóa mọi vấn đề

Cuộc sống vốn rất phức tạp và con người cũng thế. Do đó để thành công bạn cần phải thật tỉnh táo giữa một thế giới hỗn mang. Hãy cố gắng đơn giản hóa mọi thứ và tập trung vào những gì quan trọng sẽ giúp bạn bớt được những rắc rối không đáng có.

4. Liên kết với những người thành công khác

Việc liên kết với những người đang tích cực theo đuổi mục tiêu và ước mơ giúp bạn tạo dựng nên một mạng lưới quan hệ xã hội tích cực. Điều đó giúp bạn luôn luôn được thúc đẩy bởi vô vàn những nguồn năng lượng khác nhau, với tất cả quyết tâm, can đảm để chinh phục mọi thử thách.

5. Phát triển lòng can đảm

noi-nhieu-ve-2-chu-thanh-cong-nhung-ban-co-that-su-thanh-cong-3-voh

Trên bước đường thành công đầy chông gai, thử thách luôn đòi hỏi bạn phải có lòng can đảm. Sẽ có người ủng hộ những ý tưởng của bạn và cũng sẽ có người chỉ trích hoặc cười nhạo những khát vọng của bạn. Rèn cho mình lòng can đảm sẽ giúp bạn có được những thành công phi thường, tạo ra những điều mới mẻ, những điều chưa có tiền lệ.

6. Học tập không ngừng

Học hỏi và phát triển là bản chất của cuộc sống tốt đẹp. Bởi điều đó cho thấy bạn luôn di chuyển về phía trước và không bao giờ nhìn lại. Ngày nay, có nhiều cách để bạn theo đuổi sự nghiệp học tập như: đọc, nghe, xem các chương trình giáo dục, tham dự các hội thảo và hội thảo phát triển cá nhân, hay đi du lịch thế giới,…

7. Sẵn sàng đối mặt với những lỗi lầm của bản thân

Ai cũng mắc sai lầm. Điều quan trọng là học cách tha thứ và yêu thương bản thân mình nhiều hơn. Đừng quá khắt khe với mọi người và với chính bản thân mình, phải biết buông bỏ mọi nghi ngờ, sợ hãi và chấp nhận những sai lầm trong quá khứ. Nói với bản thân rằng bất kể điều gì xảy ra trong cuộc sống, điều đó rồi cũng sẽ qua đi và bạn đã sẵn sàng đối mặt với hiện tại.

8. Đừng quá tập trung vào kết quả

Có một câu nói rất hay: “Thắng thua không quan trọng, quan trọng là bạn đã tham gia cuộc chơi như thế nào”. Câu nói này xuất phát từ trong lĩnh vực thể thao nhưng nó hoàn toàn đúng với mọi “sân chơi” trong cuộc sống. 

noi-nhieu-ve-2-chu-thanh-cong-nhung-ban-co-that-su-thanh-cong-4-voh

Thành công không chỉ đến từ kết quả mà nó còn đến từ cách chơi. Và chính cách bạn tham gia cuộc chơi sẽ là nhân tố quyết định đến kết quả chung cuộc. Nếu bạn tham gia hết mình: chơi đẹp và công bằng thì không có lí do gì bạn không giành chiến thắng ở phút cuối.

9. Nói được làm được

Sự nhất quán giữa lời nói và hành động rất quan trọng đối với thành công của bạn. Bởi vì “nói thì dễ, làm mới khó”, nên bạn phải làm những gì mình đã nói thì mới có thể chứng tỏ được năng lực của bản thân. Người bình thường thể hiện cái tôi qua các cuộc nói chuyện, họ nói nhiều nhưng hành động ít. Người thành công thì ngược lại, họ nói ít nhưng làm nhiều. Và lời đã nói, cho dù là những điều nhỏ nhất đi nữa thì họ vẫn cố gắng hoàn thành.

10. Luôn thích tò mò và ham học hỏi

Những người thành công họ thường rất thích tò mò và lý do rất đơn giản là vì, sự tò mò thúc đẩy họ khám phá, tìm hiểu thế giới. Vì thế, nếu muốn thành công bạn hãy thể hiện sự tò mò của mình bằng cách đặt câu hỏi, chủ động lắng nghe và hỏi những câu hỏi tiếp theo.

Bất cứ điều gì bạn học hỏi từ những người khác cũng đều có thể hướng bạn tới thành công hay cho bạn một kinh nghiệm đáng nhớ. Hãy nhớ rằng, khi bạn tò mò và muốn học hỏi, bạn sẽ phát triển và trở nên thông thái hơn. Điều đó sẽ rất có lợi cho thành công hiện tại và sau này của bạn.

Xem thêm: Những cách để trở thành người tự tin

Những danh ngôn hay về thành công từ người nổi tiếng

Ở nhiều khía cạnh, người thành công cũng giống với những người bình thường. Họ đều có xuất phát điểm trình độ học vấn, kinh nghiệm giống nhau. Nhưng nếu quan sát kỹ hơn, bạn sẽ thấy có sự khác biệt hoàn toàn ở những điểm quan trọng nhất. Dưới đây là một số câu nói hay về thành công mà bạn có thể học hỏi từ những người nổi tiếng:

  1. Đừng phấn đấu để thành công mà hãy phấn đấu để mình có ích. – Albert Einstein
  2. Tôi chưa thất bại. Tôi chỉ là đã tìm ra 10.000 cách không hoạt động. – Thomas Edison
  3. Để thành công trong cuộc sống, bạn cần hai thứ: sự ngu dốt và lòng tự tin. – Mark Twain
  4. Không biết đã bao nhiêu lần con người buông tay từ bỏ khi mà chỉ một chút nỗ lực, một chút kiên trì nữa thôi là anh ta sẽ đạt được thành công. – Elbert Hubbard
  5. Thành công và hạnh phúc nằm trong bạn. Quyết tâm hạnh phúc, và niềm vui sẽ đi cùng bạn để hình thành đạo quân bất khả chiến bại chống lại nghịch cảnh. - Helen Keller
  6. Thành công không phải là cuối cùng, thất bại không phải là chết người: lòng can đảm đi tiếp mới quan trọng. – Winston Churchill
  7. Để thành công, bạn phải sẵn lòng thất bại. – Frank Tyger
  8. Tính cách không thể phát triển một cách dễ dàng và yên lặng. Chỉ qua trải nghiệm thử thách và gian khổ mà tâm hồn trở nên mạnh mẽ hơn, hoài bão hình thành và thành công đạt được. - Helen Keller

noi-nhieu-ve-2-chu-thanh-cong-nhung-ban-co-that-su-thanh-cong-5-voh

  1. Thành công không phải là chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc. Hạnh phúc mới là chìa khóa dẫn tới cánh cửa thành công. Nếu bạn yêu điều bạn đang làm, bạn sẽ thành công. – Albert Schweitzer
  2. Xây dựng thành công từ thất bại. Sự chán nản và thất bại là hai bước đệm chắc chắn nhất dẫn tới thành công. – Dale Carnegie
  3. Về cơ bản, có ba loại người: người không thành công, người thành công trong chốc lát, và người thành công bền vững. Sự khác biệt nằm ở nghị lực. – Brian Tracy
  4. Thành công không phải ngẫu nhiên. Đó là sự chăm chỉ, bền bỉ, học hỏi, nghiên cứu, hy sinh và quan trọng nhất, tình yêu đối với việc mình đang làm. – Pele
  5. Thất bại chỉ là thành công tạm thời bị trì hoãn, chừng nào lòng can đảm còn tôi luyện cho khát vọng. Thói quen kiên định chính là thói quen chiến thắng. – Herbert Kaufman

Ngay từ bây giờ, bạn hãy suy ngẫm thật kỹ lại mục đích phấn đấu và thái độ sống hiện tại của mình, trở về khám phá chính mình để làm chủ cuộc đời đó mới là thành công thật sự. Tập cho mình thói quen kiềm chế cảm xúc, loại bỏ đi tính ích kỷ, lòng tham, lối sống thiếu trách nhiệm và tìm cách khơi dậy những năng lực tiềm ẩn của bản thân. Hãy luôn nhớ rằng, cuộc đời này không có thành công lớn hay nhỏ, mà chỉ có cái đem đến cảm xúc nhất thời hay giá trị chân thật mà thôi. 

Bài viết có tham khảo sách Hiểu về trái tim – tác giả Minh Niệm