Rắn, âm Hán Việt gọi là Tỵ, xếp thứ 6 trong 12 con giáp theo Âm lịch. Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, hình tượng về con vật này đã được ông cha ta sử dụng khéo léo, tinh tế để truyền tải những bài học sâu sắc về kinh nghiệm, triết lý cuộc sống. Sau đây, hãy cùng VOH điểm qua một số bài thơ hay, ca dao, tục ngữ, thành ngữ về rắn.
Thành ngữ, tục ngữ về rắn
Hình ảnh con rắn đã đi vào thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, được ông cha ta sử dụng để ngụ ý cho những bài học sâu sắc về ứng xử, kinh nghiệm sống và triết lý dân gian.
- Chém rắn đuổi hươu
→ Hành động hung ác mù quáng, tiêu diệt, làm hại cả kẻ xấu lẫn người tốt, không trừ ai. - Chém rắn giữa khúc / Đánh rắn giữa khúc / Đánh rắn phải đánh giập đầu
→ Không đánh trúng vào chỗ hiểm, chỗ quan trọng, khiến đối phương có thể hồi phục và trả thù; hành động nửa vời, không triệt để. - Cõng rắn cắn gà nhà / Dẫn rắn vào hang
→ Kẻ phản phúc, phản bội, vì quyền lợi riêng mà cấu kết với bên ngoài để làm hại gia đình, Tổ quốc, đồng bào. - Đầu rồng đuôi rắn / Long đầu xà vĩ
(Xà: rắn, Vĩ: đuôi)
→ (1) Việc ban đầu thì hưng thịnh, sau thì suy yếu;
→ (2) Chuyện lúc khởi đầu thì có vẻ to tát, đẹp đẽ nhưng kết thúc lại chẳng ra gì;
→ (3) Sự cọc cạch, không tương xứng giữa những bộ phận có những phẩm chất quá khác biệt trong cùng một chỉnh thể. - Ếch lại đòi cắn cổ rắn
→ Chuyện ngược đời, kẻ yếu lại gây sự với kẻ mạnh. - Khẩu Phật tâm xà
→ Kẻ giả dối: miệng nói từ bi nhân nghĩa nhưng trong lòng thì nham hiểm độc địa. - Khẩu xà tâm Phật
→ Người ngoài miệng bốp chát nóng nảy, nhưng bản chất bao dung, lòng dạ thẳng ngay, nhân đức. - Len lét như rắn mồng năm / Lấm lét như rắn mồng năm
→ Diện mạo, thái độ sợ sệt, không đàng hoàng (ngày 5 tháng 5 âm lịch là Tết Đoan ngọ, trong dịp này người ta có tục lệ diệt sâu bọ, rắn rết). - Mười hang ếch cũng gặp một hang rắn
→ Hay làm điều vụng trộm, sai trái ắt có ngày gặp nạn, gặp rủi. - Rắn đổ nọc cho lươn
→ Kẻ ác nhập nhằng đổ vấy cho người lương thiện.
- Rắn rết bò vào, cóc nhái nhảy ra
→ Thế không chung sống với nhau được, kẻ dữ đi đến đâu khiến kẻ yếu đuối phải rời đi nơi khác. - Vẽ rắn thêm chân / Vẽ chân rắn, giặm lông lươn / Hoạ xà thiêm túc
→ Vẽ vời, thêm thắt những điều không có trong thực tế; Bịa đặt, dựng chuyện vu oan. - Rắn con lăm nuốt cả voi
(Lăm: có ý định, sẵn sàng làm khi có cơ hội.)
→ Có tham vọng quá lớn so với thực lực của mình. - Rắn đến nhà chẳng đánh thì quái
(Quái: không bình thường.)
→ Thú dữ, kẻ ác đến nhà phải diệt trừ để nó không gây hại cho mình. - Rắn già rắn lột, người già người chột / Rắn già rắn lột, người già người tuột vào săng
(Chột: mất khả năng phát triển bình thường; Săng: quan tài)
→ Rắn già thì lột xác để tiếp tục phát triển, người già thì ngày càng tàn lụi rồi chết. - Rắn đói lại chê nhái què
→ Sĩ diện, đang thiếu đói lại đài các, kén chọn, từ chối điều mà xưa nay vẫn thèm muốn. - Rắn khôn giấu đầu.
→ Người khôn ngoan thì tránh không cho ai biết rằng, mình là người chủ mưu sự vụ. - Rắn mai tại lỗ, rắn hổ về nhà.
(Rắn mai: rắn mai gầm, tức rắn cạp nong, độc, thân có nhiều khoang đen, vàng xen kẽ; Rắn hổ: rắn hổ mang, độc, có tập tính ngẩng đầu, bạnh da cổ để đe doạ.)
→ Một kinh nghiệm trong dân gian: rắn cạp nong không đi xa, chỉ quanh quẩn tại hang, còn rắn hổ mang thì hay bò vào nhà bắt gà. - Hang hùm nọc rắn / Hang hùm miệng rắn
→ Nơi nguy hiểm dễ gây tai hoạ. - Như rắn mất đầu
→ Ý nói không có người chỉ huy, hướng dẫn, mất phương hướng. - Nói Rắn trong lỗ cũng phải bò ra
→ Chỉ người nói hay, nói khéo ai cũng thích nghe. - Oai oái như rắn bắt nhái
→ Kêu luôn mồm, thảm thiết. - Cha hổ mang đẻ con liu điu
(Hổ mang: rắn độc, đầu hình tam giác, hàm bạnh ra; Liu điu: rắn có nọc độc ở hàm trên, đẻ con sống ở hồ ao.) → Cha độc ác đẻ con cũng độc ác. - Đương nắng có rắn ráo bò, ngày mai là có nước mưa đầy đồng.
(Rắn ráo: loại rắn lành, cỡ trung bình, lưng màu nâu, bụng màu vàng, ăn ếch nhái.)
Một kinh nghiệm dự đoán thời tiết: trời đang nắng thấy rắn ráo ra nhiều là sẽ có mưa to. - Thằn lằn, rắn ráo
→ Chỉ những kẻ không đứng đắn. - Nói rắn nói rồng
→ Nói dài dòng những chuyện không đâu. - Sư hổ mang, vãi rắn rết
(Sư: người tu hành theo đạo Phật ở chùa; Vãi: người đàn bà theo đạo Phật, ở giúp việc cho nhà chùa; Hổ mang: rắn độc, có tập tính ngẩng đầu, bạnh da cổ để đe dọa kẻ địch.)
→ Kẻ đội lốt tu hành làm điều gian ác, bậy bạ. - Chớ đánh rắn trong hang, chớ đánh đại bàng trên mây
→ Không nên đánh kẻ thù khi chúng đang ở thế thuận lợi. - Hùm thiêng rắn độc
→ Kẻ độc ác, ghê gớm, nham hiểm - Nhện sa, xà đón.
→ Một kinh nghiệm đoán điềm lành dữ (theo mê tín): nhện sa trước mặt, rắn đón đường thế nào cũng có chuyện không lành. - Nọc người bằng mười nọc rắn.
→ Con người độc ác nham hiểm còn nguy hại hơn cả rắn độc. - Bạnh cổ như cổ hổ mang
→ Người hay gân cổ cãi cọ. - Thẳng như rắn bò
→ Những người tính cách thẳng thắn. - Thao láo như mắt rắn ráo
→ Những kẻ trâng tráo, mắt luôn thao láo liếc ngang, nhìn dọc. - Xà cung thạch hổ
→ Ám chỉ hạng người đầy nghi kỵ, thấy nhánh cây cong tưởng rắn, thấy hòn đá tưởng cọp dữ. - Rồng mạnh không ép rắn thổ địa
→ Người có quyền hành không chế ngự được kẻ ác ôn ở địa phương. - Đầu rắn mắt chuột
→ Ý nói người gian xảo. - Áp rắn vào ngực
→ Lầm lẫn, thiếu cảnh giác, đem rắn là loài độc hại áp vào ngực, có ngày bị nó phản bội, cắn mạng vong. - Học chẳng biết chữ cua chữ còng, nói thì cứ như rồng như rắn
→ Kẻ đã dốt nát lại hay ba hoa.
Ca dao về rắn
Mặc dù đang đề cập đến hình tượng con rắn, nhưng ông cha ta lại ngụ ý ám chỉ đến con người và gửi gắm những bài học sâu sắc.
- Rắn không chân rắn bò khắp rú,
Gà không vú răng nuôi đặng chín mười con. - Con rắn không chân nó lượn năm rừng bảy rú,
Con gà không vú nuôi được chín mười con.
Qua tưởng em má phấn môi son,
Ai ngờ má mỏng, môi mòn, hỡi em! - Hễ đi gặp rắn thì may
Về nhà gặp rắn thì hay phải đòn. - Khi đi gặp rắn thì son
Khi về gặp rắn thì đòn đến lưng. - Trứng rồng lại nở ra rồng,
Liu điu lại nở ra dòng liu điu. - Đôi ta như rắn liu điu,
Nước chảy mặc nước ta dìu lấy nhau.
- Con công ăn lẫn với gà,
Rồng kia rắn nọ, cao đà sao nên! - Khó khăn ở quán ở lều
Bà cô, ông cậu chẳng điều hỏi sao
Giàu sang ở tận bên Lào
Hùm tha rắn cắn, tìm vào cho nhanh. - Rắn đứt đầu, rắn hãy còn bò
Chim đứt cánh, chim hãy còn bay
Từ ngày xa bạn tới nay
Cơm ăn chẳng đặng, nằm hoài tương tư. - Có phúc thì rắn hóa rồng
Vô phúc phượng lại đổi lông hóa cò. - Con rắn bò ngang
Con rắn đi mất, dấu đất còn dằm
Thiếp với chàng chịu tiếng mang tăm
Cứ theo nhau cho trọn mối tơ tằm đừng nguôi. - Hùng hoàng bắt rắn cặp nia,
Con rắn thước rưỡi, thuốc kia quan dài.
Thôi về xay đỗ cạo khoai,
Làm chi cho nhọc xác người hỡi anh.
Thơ hay về các loài rắn
Dưới đây là một số bài thơ hay về con rắn mà bạn có thể tham khảo.
Rắn đầu rắn cổ (Lê Quý Đôn)
Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà
Rắn đầu biếng học, chẳng ai tha
Thẹn đèn, hổ lửa, đau lòng mẹ,
Nay thét, mai gầm, rát cổ cha.
Ráo mép chỉ quen tuồng nói dối,
Lằn lưng cam chịu vết roi tra.
Từ nay Trâu, Lỗ chăm nghề học.
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia.
Người bán rắn bên hồ Thiền Quang (Ý Nhi)
Giống hệt những diễn viên tài năng
anh
cũng dăm ba chú rắn
diễn như là không diễn
trước ánh nhìn chăm chú của đám đông
Khán giả của anh thay đổi luôn
và không bao giờ vắng
họ nhìn cái ác bị trói buộc
nhìn mối hiểm họa không còn khả năng xảy ra
với niềm kiêu hãnh ngây thơ
với chút lo âu vô cớ
với nỗi vui được lãng khuây bao cực nhọc hàng ngày
Rắn hổ mang
rắn cạp nong
rắn ráo
ngọ nguậy trên nền xi măng
người bán rắn điềm nhiên
cầm giữ cái ác
cầm giữ hiểm họa
Như cầm trong tay những sợi dây thừng.
Người bán rắn ở Văn Miếu (Nguyễn Thụy Kha)
Đây là lần thứ hai sau lần làm người lính
Anh cầm trong tay một thứ dễ chết người
Ngoe nguẩy năm con rắn
Giữa vỉa hè phe phẩy như sôi
Lặng im anh thương binh ngồi
Như hồi nào phục kích
Chỉ có khác súng thì bắn giặc
Còn rắn thì để bán, thế thôi
Sau lưng anh một quá khứ cao vời
Bia tiến sĩ sừng sững trong bất tử
Trước mắt anh biến động cuộc đời
Không phải là trò chơi
Anh có thể từng xông lên tự nguyện
Nhưng làm gì để sống qua từng ngày?
Bên anh bao lính trẻ hôm nay
Lại thanh thản lên đường như anh từng thanh thản
Người ta thường vì nghĩa lớn
Hình như dễ hơn những toan lo cỏn con
Có gì giống nhau giữa khẩu súng và con rắn
Trong tay anh cầm
Nó đều giúp anh giữ mình nguyên vẹn
Giữa bao nhiêu giằng xé mất còn.
Vè về một số loại rắn
Mái gầm, chàm quạp, hổ lác, hổ hèo
Ri cốc, liu điu, ri voi, hổ lửa
Hổ hành, hổ ngựa, rắn ráo, rắn râu
Quỷ khóc thần sầu: hổ mang, hổ sậy
Thấy đà run rẩy: cạp nia, cạp nong
Lặn lội dưới sông: là con rắn nước
Rắn rồng, rắn lục, ri cá, rắn trung
Nghe đến hãi hùng: hổ mây, hổ bướm
Ớn đà quá ớn… chẳng dám kể thêm...
Vè rắn U Minh
U Minh nước đỏ
Choại, dớn, cóc kèn
Ăn ở cho hiền
Dạo chơi với rắn
Bất kỳ sâu cạn
Rắn nước, rắn râu
Bay trên trời cao
Rắn rồng uốn khúc
Chạy ngang chạy dọc
Rắn ngựa phóng theo
Hút gió thật kêu
Là con rắn lục
Mái gầm lục đục
Bò chậm như rùa
Mở xuống bất ngờ
Hổ mây ẩn núp
Coi chừng nó quất
Là con rắn roi
Ra đồng dạo chơi
Là rắn bông súng
Đựng đầy một thúng
Là rắn cạp nia
Ăn rồi ngâm nghe
Hổ hành nấu cháo
Dữ mà nhỏ xíu
Đúng thiệt rắn giun
Chớ nên coi thường
Con rắn ri cóc
Rắn mà muốn học
Làm cậu ông Trời
Có khách hay mời
Là con hổ chuối
Con rắn ri cá
Thấy nước thì ham
Hình vóc hiên ngang
Rắn roi, mỏ rọ
Thật là đáng sợ
Chàm oạp, hổ mang
Xét cho đàng hoàng
Rắn thì có nọc
Đừng châm, đừng chọc
Bỏ mạng lìa đời
Trí khôn con người
Biến loài độc ác
Lấy nọc làm thuốc
Trị bệnh cứu dân
Đau khớp trật gân
Ê mình nhức mỏi
Lại còn một mối
Lấy thịt xé phay
Chiều nhậu lai rai
Bổ ơi là bổ!
Con rắn (Sưu tầm)
Nằm tận tít hang sâu
Trong bóng đêm mờ ảo
Có con rắn cuộn tròn
Thành hình như quả bóng
Lâu ngày thì bụng đói
Thè lưỡi đợi tìm mồi
Mắt liếc dọc liếc ngang
Chờ chuột con chạy tới
Vồ ngay bữa ăn ngon
Nhưng sao chẳng thấy gì
Rắn nằm im buồn bã.
Trên đây là những bài thơ hay, ca dao, tục ngữ, thành ngữ về rắn. Qua đó, ông cha ta đã khéo léo dùng hình ảnh con rắn để truyền tải những bài học sâu sắc, vừa phê phán, vừa nhắc nhở về lẽ đời, đồng thời răn dạy các thế hệ mai sau.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Sống đẹp.