Chờ...

24 tác phẩm huyền thoại của nhà thơ Phạm Tiến Duật

VOH - Các tác phẩm của nhà thơ Phạm Tiến Duật đi cùng năm tháng, lưu lại trên các trang sách và sống mãi trong lòng bao thế hệ. 

Phạm Tiến Duật là thế hệ sinh ra cùng Cách Mạng Tháng Tám, trải qua tuổi thơ trong kháng chiến chống Pháp, sống và cống hiến vẻ vang cho thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Tham gia chiến đấu với tư cách là một phóng viên mặt trận, là người chứng kiến sự ác liệt, hy sinh, nỗi đau thể xác và tinh thần của người lính trong những năm tháng gian khổ và ác liệt, Phạm Tiến Duật vừa là người trong cuộc, vừa là người ngoài cuộc chiến tranh chống Mỹ. Những hình ảnh xúc động mà hào hùng ấy đã được ông dùng vần thơ khắc họa rõ nét. Trong bài viết sau, hãy cùng điểm qua một số tác phẩm ấn tượng của nhà thơ Phạm Tiến Duật được VOH tổng hợp. 

Đôi nét về nhà thơ Phạm Tiến Duật

Phạm Tiến Duật (tên thật và cũng là bút danh), sinh ngày 14/01/1941 tại Thanh Ba - Phú Thọ trong một gia đình tri thức, có cha là nhà giáo dạy chữ Nho, chữ Việt, chữ Pháp khá nổi tiếng. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông không tiếp tục nghề giáo mà tình nguyện nhập ngũ năm 1965. 

voh-tho-pham-tien-duat-1
Nhà thơ Phạm Tiến Duật thời trẻ - Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết

Trong suốt 14 năm mặc áo lính, ông đã sống và chiến đấu 8 năm ở Trường Sơn, gắn bó với Đoàn 559. Cũng từ đây, đường Trường Sơn trở thành đường thơ Phạm Tiến Duật. Các tác phẩm như Bài thơ về tiểu đội xe không kính; Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây (phổ nhạc Hoàng Hiệp)... đã trở thành "bạn đồng hành" của nhiều chiến sĩ khắp các mặt trận.

Sau chiến tranh, Phạm Tiến Duật tiếp tục làm thơ, tham gia nhiều hoạt động xã hội - nghề nghiệp, nhanh chóng trở thành nhà thơ của thời kỳ hoà bình và xây dựng tổ quốc. Ông từng là Phó trưởng ban đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam (7/2001 - 6/2006). 

Các tập thơ đã xuất bản của nhà thơ Phạm Tiến Duật: “Vầng trăng và quầng lửa” (1970), “Thơ một chặng đường” (1971), “Ở hai đầu núi” (1981), “Vầng trăng và những quầng lửa” (1983), “Thơ một chặng đường” (1994), “Nhóm lửa” (1996), “Tiếng bom và tiếng chuông chùa” (trường ca 1997), Vừa làm vừa nghĩ (tiểu luận 2003)… 

voh-tho-pham-tien-duat-2
Nhà thơ Phạm Tiến Duật (thứ 2 bên phải) tại Hội nghị mừng công của Bộ đội Trường Sơn mùa khô 1970 - 1971 - Ảnh: Tạp chí Văn nghệ quân đội

     Với những đóng góp của mình, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng về văn học nghệ thuậ t năm 2001, Huân chương Lao động hạng nhì năm 2007 và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012.

Ngày 4/12/2007, Phạm Tiến Duật qua đời vì căn bệnh ung thư phổi trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu thơ của ông. 

 

Tổng hợp những bài thơ của Phạm Tiến Duật

Phạm Tiến Duật là thi sĩ huyền thoại của đường mòn Hồ Chí Minh những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Ông từng được mệnh danh là “con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại”, “cây săng lẻ của rừng già” hay “nhà thơ lớn thời kỳ chống Mỹ”.       

Trong những năm tháng đấu tranh gian khổ, mất mát ấy, thơ Phạm Tiến Duật không mang sắc thái bi lụy, mà là sự hòa cảm, tươi mới, dí dỏm, ngang tàng và đầy chất lính. Hình ảnh những người lính trẻ, những cô gái thanh niên xung phong tuổi mười tám đôi mươi, những con người quên mình vì Tổ quốc vẫn sống mãi trong lòng người đọc mọi thế hệ. 

Theo nhà văn Đỗ Chu, thơ của Phạm Tiến Duật được đông đảo quần chúng đón nhận là bởi “anh là một người lính làm thơ cho lính đọc, anh chưa bao giờ sắm vai người nói hộ, chưa bao giờ yêu hộ, khóc hộ, lo âu hộ”.
  

Dưới đây là một số tác phẩm của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây 

Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn
Hai đứa ở hai đầu xa thẳm
Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.

Một dãy núi mà hai màu mây
Nơi nắng nơi mưa, khí trời cũng khác
Như anh với em, như Nam với Bắc
Như Đông với Tây một dải rừng liền.

Trường Sơn Tây anh đi, thương em
Bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo
Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
Rau hết rồi, em có lấy măng không?

Em thương anh bên Tây mùa đông
Nước khe cạn, bướm bay lèn đá
Biết lòng anh say miền đất lạ
Chắc em lo đường chắn bom thù.

Anh lên xe, trời đổ cơn mưa
Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ
Em xuống núi nắng về rực rỡ
Cái nhành cây gạt mối riêng tư.

Đông sang Tây không phải đường thư
Đường chuyển đạn và đường chuyển gạo
Đông Trường Sơn, cô gái “ba sẵn sàng” xanh áo
Tây Trường Sơn, bộ đội áo màu xanh.

Từ nơi em gửi đến nơi anh
Những đoàn quân trùng trùng ra trận
Như tình yêu nối lời vô tận
Đông Trường Sơn, nối Tây Trường Sơn.

Bếp lửa nhà mình 

Ngày đầu năm em xây bếp mới
Thế là gió mùa đông bắc tạnh rồi em
Chung bếp lửa là chung niềm thao thức
Sợi khói bay nghiêng vẽ dáng em hiền

Cả tuổi thanh xuân anh đốt lửa giữa trời
Cũng là bếp nhưng bếp chung bè bạn
Hết bếp lửa sinh viên, lại lửa rừng cháy sáng
Nấu nồi sắn nồi khoai tập thể, lính ăn chung.

Ngọn lửa ơi, lòng lửa tốt vô cùng
Lửa sinh ra người, lửa sinh ra trái tim rực cháy
Lửa làm bóng tối xa ra và mặt người gần lại
Ngọn lửa nào thân bằng lửa bếp, bạn bè ơi!

Lòng vẫn khát khao đốt lửa giữa trời
Đến với mọi cộng đồng, đến với mọi màu da trên toàn trái đất
Nhưng chỉ bếp nhà mình là ấm nhất
Bởi yêu em, nhân loại thấy yêu thêm.

voh-tho-pham-tien-duat-6
Năm 1966, bộ đội hành quân trên đường mòn Hồ Chí Minh, xuyên núi Trường Sơn - Ảnh: Báo Hànộimới

Cô bộ đội ấy đã đi rồi

Cô bộ đội ấy đã đi rồi
Chuyển đơn vị vào vùng rừng trong ấy
Em gái đi, các anh ở lại
Biết đến bao giờ mới được gặp nhau

Lũng thì thẳm mà rừng thì sâu
Để hun hút nhớ nhau biền biệt
Bao nhiêu bạn bè, bao nhiêu bạn bè thân thiết
Xa nhau như xa nhau hôm nay

Thôi em đừng bẻ đốt ngón tay
Nước mắt dễ lây mà rừng thì lặng quá
Anh biết rồi bao nhiêu vất vả
Tháng năm dài cùng nhau đi qua

Để sáu bảy năm em gái xa nhà
Hăm bảy tuổi chuyện chồng con chưa nói
Cả một thời trẻ trung sôi nổi
Ở bên nhau bếp lửa giữa rừng xa

Nhớ nhau, nhớ nhau ở giữa rừng già
Ngón tay nóng cầm viên thuốc mát
Cái đêm đói ngồi nghe chim đắp tát
Con chó vàng cọ chân em đòi ăn

Nhớ nhau, nhớ nhau những buổi mưa dầm
Căn nhà dột tóc em ướt hết
Anh ngồi nghĩ gì em chẳng biết
Cứ hát tràn những câu hát bâng quơ

Nhớ trưa đỉnh đèo ta đứng ngẩn ngơ
Nhìn mây trắng chân trời ngỡ biển
Biển Đông thì xa, biết ta nhìn chẳng đến
Nhưng em vui anh kể chuyện em nghe

Trưa vác gạo ta dừng bên khe
Một đoàn tù binh đi qua đang đứng ngó
Bên những thằng người áo quần loang lổ
Bóng em lồng bóng suối trong veo


Lúc ấy lòng anh biết mấy tự hào
Tự hào vì có em ở đây, tự hào vì đất nước
Ở đây màu hồng xiết bao thân thuộc
Xao xuyến lòng anh, xao xuyến bạn bè

Đến chào anh sáng mai em đi
Như ngày nào chào bà con hàng xóm
Sự xa cách nhỏ trong sự xa cách lớn
Một cuộc chia tay trong triệu cuộc chia tay

Rồi ngày mai xa vắng nơi đây
Em lại có bao nhiêu đồng đội mới
Trong chiến tranh một khát khao sôi nổi
Là nhân dân đoàn tụ muôn đời

Cô bộ đội ấy đã đi rồi.

Đi trong rừng

Anh đi trong rừng, lá vỗ trên cao,
Gió bốn bề cây; cây ngả nghiêng chào,
Lay bóng đậm gió thổi vào đốm nắng.
Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng
Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay;
Cây bồng bềnh cười vui suốt ngày,
Thân thẳng cây chò, cành ngang cây bứa;
Cây nhựa trắng là cây si, cây sữa,
Nhựa vàng cây dọc, nhựa đỏ cây nò,
Cây nứa mọc đứng, cây giang mọc bò,
Cây tầm gửi mọc ngồi đỏng đảnh,
Cây lim uy nghi, sa nhân ma mỏng mảnh,
Dạ hương của đêm, mắc cỡ của ngày.
Da bàn tay thường chạm với da cây,
Khuôn mặt người chạm vào mặt lá.
Rừng ơi rừng, ta bỗng gần gũi quá!
Không có những ngày này, hồ dễ đã quen nhau.

Em là tia nắng

Sinh ra cùng với mặt trời
Em là tia nắng vùng đời của anh
Nửa đời anh chẳng êm lành
Quầng bom lửa đỏ, da xanh sốt rừng
Mùa mưa em có biết không
Triền miên 6 tháng ròng ròng toàn mưa
Chồn chân trong khoảng rừng thưa
Lán bộ đội bấy sáng trưa nhớ… trời.

* * *

Sinh ra cùng với mặt trời
Em là tia nắng vùng đời của anh
Đường dài có lúc gập ghềnh
Túi không em phải một mình nuôi con
Khổ nào bằng khổ cô đơn
Mà em vẫn một tấc son tự hồng
Ai người biết thuở tay không
Mà gương mặt vẫn tươi hồng nét xuân.

* * *

Qua rồi cái thuở gian truân
Đích xa mà lại thấy gần em ơi
Sinh ra cùng với mặt trời
Em là tia nắng vùng đời của nhau.

Gửi em, cô bộ đội lái xe

Không thể tin là em đã qua
Nơi túi bom bay mù bụi đỏ
Đường gập ghềnh ngổn ngang cây đổ
Trời lô nhô thân gỗ cưa ngang.

Không thể tin là em đã sang
Nơi đất lạ trời xanh leo lẻo
Anh đón em qua tầm đạn réo
Tiếng tàu càng sốt ruột vo ve.

Em là cô bộ đội lái xe
Giặc đuổi bắn bốn bề lửa cháy
Cái buồng lái là buồng con gái
Vẫn cành hoa mềm mại cài ngang.

Em đã qua và em đã sang
Đẹp lắm đấy những ngày đánh Mỹ
Đất nước mình nhiều điều giản dị
Ai chưa tin rồi sẽ tin thôi.

voh-tho-pham-tien-duat-7
Đường Trường Sơn - Ảnh: Vietnam+

Hương trầm Đức Phổ

Hương trầm bay trên đất quê hương
Đặng Thuỳ Trâm nơi này em nằm lại
Tôi ao ước dù trong tưởng tượng
Nâng mái tóc em mãi mãi tuổi hai mươi
Ơi! Đặng Thuỳ Trâm, Đặng Thuỳ Trâm ơi
Em là trầm thơm nơi đất lành Đức Phổ
Dù trong lửa bom rơi vẫn hiện lên rạng rỡ
Gương mặt người bác sĩ đoan trang
Đây những dòng ghi từ nơi em nằm lại
Nói với bao người thắp sáng niềm tin
Để ngàn năm lớp lớp tuổi hai mươi
Mang trái tim Đặng Thuỳ Trâm và tình yêu đất nước
Từ Đức Phổ nơi dấu chân bao người đi trước
Hương Trầm bay, thơm ngát trời xanh.

Khúc hát thanh xuân

Sẽ đến lúc ta trở về già
Nhưng tới đó hãy hay, giờ ta còn trẻ chán
Bắt chước dáng cụ già không khó lắm
Đến khi già, muốn trẻ, khó làm sao

Lúc còn trẻ ra biển dễ hơn khi già ra ao
Lúc trẻ ta lội rừng dễ hơn là khi già thăm vườn mà mỏi gối
Với tuổi trẻ không có đêm nào gọi là đêm tối
Mưa đã là bạn ta, nắng cũng là bạn ta

Ta cày mặt đất lên trong ánh nắng chói loà
Ta gieo mạ theo đường chân trời cho lúa mọc
Cười cái cần câu, ta huơ cần trục
Lấy cân tạ ta cân và thước cây số ta đo

Nhưng ta lấy phút giây để tính thì giờ
Tình yêu sẵn trong ta đến bồn chồn biết mấy
Thân thể ta là tòa lầu lộng lẫy
Ánh sáng chứa bên trong và tiếng hát tràn đầy

Ta nguyện là đầu rễ, ta nguyện là ngọn cây
Nơi ta tựa ấy thân cành vững chãi
Tuổi già vui cùng ta mà trẻ lại
Trẻ em nhìn sức vóc ta mà lớn lên

Nhưng có một điều xin bè bạn đừng quên
Là chính khúc hát thanh xuân này các cụ già đã hát
Ta nhẩm lại, bỗng thấy lòng dào dạt
Nên lại hát tuổi mình ở chính bàn tay.

Lửa đèn

I - ĐÈN

Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá
Quả cây chín đỏ hoe
Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu
Trỏ lối sang mùa hè,
Quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu
Thắp mùa đông ấm những đêm thâu,
Quả ớt như ngọn lửa đèn dầu
Chạm đầu lưỡi chạm vào sức nóng...
Mạch đất ta dồi dào sức sống
Nên nhành cây cũng thắp sáng quê hương
Chúng nó đến từ bên kia biển
Rủ nhau bay như lũ ma trơi
Từ trên trời bảy trăm mét
Thấy que diêm sáng mặt người
Một nghìn mét từ trên trời
Nhìn thấy ngọn đèn dầu nhỏ bé
Tám nghìn mét
Thấy ánh lửa đèn hàn chớp loé
Mà có cần đâu khoảng cách thấp cao
Chúng lao xuống nơi nao
Loé ánh lửa,
Gió thổi tắt đèn, bom rơi máu ứa.
Trên đất nước đêm đêm
Sáng những ngọn đèn
Mang lửa từ nghìn năm về trước,
Lấy từ thuở hoang sơ,
Giữ qua đời này đời khác
Vùi trong tro trấu nhà ta.
Ôi ngọn lửa đèn
Có nửa cuộc đời ta trong ấy!
Giặc muốn cướp đi
Giặc muốn cướp lửa tim ta đấy
II - TẮT LỬA

Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi tắt lửa đêm đêm khiến đất trời rộng quá
Không nhìn thấy gì đâu
Bóng tối che rồi
Cây trúc làm duyên phải nhờ gió thổi
Cô gái làm duyên phải dùng giọng nói
Bông hoa làm duyên phải luỵ hương bay...
Bóng tối phủ dày
Che mắt địch
Nơi tắt lửa là nơi vang rền xe xích
Kéo pháo lên trận địa đồng cao
Tiếng khẩu đội trưởng ở đâu
Đấy là đuôi khẩu pháo
Tiếng anh đo xa điểm đều
Vang ở đâu, đấy là giữa điểm đồ
Nơi tắt lửa là nơi in vết bánh ôtô,
Những đoàn xe đi như không bao giờ hết,
Chiếc sau nối chiếc trước ì ầm
Như đàn con trẻ chơi u chơi âm
Đứa này nối hơi đứa khác.

Nơi tắt lửa là nơi dài tiếng hát
Đoàn thanh niên xung phong phá đá sửa đường;
Dẫu hố bom kề bên còn bay mùi khét
Tóc lá sả đâu đó vẫn bay hương
Đêm tắt lửa trên đường
Khi nghe gần xa tiếng bước chân rậm rịch
Là tiếng những đoàn quân xung kích
Đi qua.
Từ trong hốc mắt quầng đen bóng tối tràn ra
Từ dưới đáy hố bom sâu hun hút
Bóng tối dâng đầy toả ngợp bao la,
Thành những màn đen che những bào thai chiến dịch
Bóng đêm ở Việt Nam
Là khoảng tối giữa hai màn kịch
Chứa bao điều thay đổi lớn lao,

Bóng đêm che rồi không nhìn thấy gì đâu
Cứ đi, cứ đi nghe lắm âm thanh mới lạ.
III - THẮP ĐÈN

Anh cùng em sang bên kia cầu
Nơi có những miền quê yên ả
Nơi đêm ngày giặc điên cuồng bắn phá
Những ngọn đèn vẫn cứ thắp lên
Chiếc đèn chui vào ống nứa
Cho em thơ đi học ban đêm,
Chiếc đèn chui vao lòng trái núi
Cho xưởng máy thay ca vời vợi,
Chiếc đèn chui vào chiếu vào chăn
Cho những tốp trai làng đọc lá thư thăm

Ta Thắp đèn lên trên đỉnh núi
Gọi quân thù đem bom đến dội
Cho đá lở đá lăn
Lấy đá xây cầu, lấy đá sửa đường tàu
Ta bật đèn pha ôtô trong chớp loè ánh đạn
Rồi tắt đèn quay xe
Đánh lạc hướng giặc rồi ta lại lái xe đi...
Ngày mai, ngày mai hoàn toàn chiến thắng
Anh dắt tay em, trời chi chit sao giăng
“Thắp đèn ta sẽ chơi trăng ngoài thềm”
Ta thắp đèn lồng, thắp cả đèn sao năm cánh
Ta dẫn nhau đến ngôi nhà đèn hoa lấp lánh
Nơi ấy là phòng cưới chúng mình

Ta sẽ làm cây đèn kéo quân thật đẹp
Mang hình những người những cảnh hôm nay
Cho những cuộc hành quân nào còn trong bóng tối
Sẽ hiện muôn đời trên mặt ngọn đèn xoay.

Năng lượng người, năng lượng tình yêu

Đường dây 500 kilovon bắc qua Trường Sơn
Anh thợ của Công ty Điện lực 3 ngửa mặt nhìn kinh ngạc:
Có một chiếc võng của lính Trường Sơn bay ở ngang trời!
(Sau bao nhiêu năm, võng cũng lên cao theo chiều cao cây mọc)
Anh thợ đường dây bật khóc
Thấy quá khứ bi hùng đang lướt ở trên vai
Bom phá, bom bi, đạn phá ngút trời
Giặc những muốn nơi này trở về thời kỳ đồ đá
Hoạch định lại giang sơn sau hai mươi năm vất vả
Đất nước đang mở ra bề bộn những công trình
Năng lượng thuở chiến tranh khác chi năng lượng thời bình
Điện lấy từ than, điện lấy từ khí đốt
Điện lấy từ sông hồ với những dòng thác bạc
Điện lấy từ gió, điện lấy từ ánh sáng
Những năng lượng nào lớn bằng năng lượng Người
Năng lượng của tình yêu ánh sáng cùng trời cùng đất
Em ra phố hôm nay rạng ngời gương mặt
Giá điện tăng, chất lượng sống tăng lên
Em mua kính, mua gương, mua tủ, mua đèn
Mua máy nhìn, máy nghe... Như chất mùa xuân lên xe mà chở
Chỉ anh ngồi đây và nhớ
Đường dây 500 trên Trường Sơn còn chiếc võng treo cao
Như lá cờ của thời gian đang vẫy.

voh-tho-pham-tien-duat-10
Một cung đường vận tải Trường Sơn năm xưa - Ảnh: Báo Quân đội nhân dân

Người ơi người ở

Bao nhiêu người đã hát
Bây giờ lại đến em
Bao nhiêu người hồi hộp
Bây giờ lại đến anh
Ở hai thung lũng xanh
Kề nhau thành hàng xóm
Công việc như nước cuốn
Chẳng bao giờ thăm nhau
Nắng đã tắt từ lâu
Tiếng ve như kéo mật
Dáng em ngồi trước mặt
Như cây cỏ trong vườn
Chẳng thể gặp nhau luôn
Hãy ngồi thêm lát nữa
Hai người hai cách nguồn
Khép mở hai vùng trời
Gặp biết bao nhiêu người
Quen nhau bao gương mặt
Con đường thì tít tắp
Mặt trận thì mênh mông
Chẳng nhớ nữa mùa đông
Đi qua bao hang đá
Cũng quên rồi mùa hạ
Ở bao nhiêu ngăn hầm
Công việc cùng tháng năm
Hát vui cùng chiến sĩ
Những ngày đi đánh Mỹ
Bao nhiêu người quen nhau
Anh chẳng nói sai đâu
Em là cây ngải đắng
Mọc trong triền núi vắng
Góp vị thuốc cho đời
Tiếng em hát “Người ơi…”
Người gần nhau mãi mãi
Tiếng em hát “Đò ơi…”
Sông đưa đò gần lại
Tiếng em hát “Cây ơi…”
Cây nhú thêm mầm mới
Tiếng nồng say em gọi
Náo nức tuổi trăng lên
Cái giọng thì của em
Mà lời anh đấy nhỉ?
Giữ em chẳng được nào
Hẹn nhau ngày thắng Mỹ
Lại hát tặng tiễn nhau
Như bạn bè Quan họ
Rằng: Người đi người nhớ
Rằng: “Người ơi người ở đừng về…”.

Tiễn các cháu đánh giày về quê ăn Tết

Đường phố sẽ rộng ra vì vắng các cháu
Những gốc cây, hè phố sẽ buồn thiu
Có các cháu thì ồn ào, vướng bận
Các cháu đi rồi chú nhớ biết bao nhiêu.

Ôi những mái tóc rối bù, khét mùi nắng, mùi bụi
Nửa chất phác ngây thơ, nửa du đãng bụi trần
Đô thị hóa đi kèm ô hợp hóa
Những dòng sông nâu sồng giữa phố,
                              những đoàn quân
Khi các cháu trở lại nơi này, thế kỷ cũ đã hết
Mà người cần đánh giày thì ngày một đông lên
Chăm sóc hai bàn chân thì loài người rất nhớ
Chăm sóc trái tim mình,
                    có lúc có người quên.
Chỉ mấy ngày thôi về với cha với mẹ
Các cháu sẽ gặp lại quê mình xanh như thể tre xanh
Từ nghìn năm xưa tre vẫn xanh như thế
Dẫu chẳng phồn hoa mà cuộc sống an lành

Chú kể các cháu nghe một tên người. Cố nhớ!
An-đéc-xen viết chuyện Nàng Tiên Cá
                                  thật là hay
Ông ấy là nhà văn của trẻ con toàn trái đất
Cũng xuất thân từ chú bé sửa giày.

Viết về số 0 / Vòng trắng

Khói bom lên trời thành một cái vòng đen
Trên mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong yên lặng
Cái yên lặng bình thường đêm sau chiến tranh

Có mất mát nào lớn bằng cái chết
Khăn tang, vòng tròn như một số không
Nhưng bạn ơi, ở bên trong vòng trắng
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong. 

Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái

Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.

Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.

voh-tho-pham-tien-duat-8
Cầu treo bắc qua sông Talê - đường 20, do tiểu đoàn công binh 33 xây dựng - Ảnh: Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh

Đèo Ngang

Pháo tàu địch đêm đêm nhằm bắn
Đèo vẫn nguyên lành nằm với biển reo
Nhà như lá đa rơi lưng chừng dốc
Sông suối từ đâu đổ xuống lưng đèo.

Đường nhằm hướng Nam,

Người nhằm hướng Nam,
Xe đạn nhằm hướng Nam
               vượt dốc.

Bao nhiêu người làm thơ Đèo Ngang
Mà quên mất con đèo chạy dọc.

Gửi em, cô thanh niên xung phong

Có lẽ nào anh lại mê em
Một cô gái không nhìn rõ mặt
Đại đội thanh niên đi lấp hố bom
Áo em hình như trắng nhất.

Người tinh nghịch là anh dễ thân
Bởi vì thế có em đứng gần
Em ở Thạch Kim, sao lại lừa anh nói là Thạch Nhọn
Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón

Em đóng cọc dài quanh hố bom
Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn:
Tiếng Hà Tĩnh nghe buồn cười đáo để
Anh lặng người như trôi trong tiếng ru.

Tranh thủ có ánh sáng đèn dù
Anh vội nhìn em và bạn em khắp lượt
Mọi người cũng tò mò nhìn anh
Rồi bóng tối lại khép vào bóng tối.
Em ơi em, hãy nghe anh hỏi
Xong đoạn đường này các em làm đâu?

Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu
Cô gái ở Thạch Kim, Thạch Nhọn
Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm
Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều.

Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều
Những con đường như tình yêu mới mẻ
Đất rất hồng và người rất trẻ
Nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn, Thạch Kim

Những đội làm đường hành quân trong đêm
Nào cuốc, nào choòng, xoong nồi xủng xoảng
Rực rỡ mặt đất bình minh
Hấp hối chân trời pháo sáng
Đường trong tim anh in những dấu chân.

Chiếc võng bạt trên đường hành quân
Anh đã buộc nhiều cây xoan, cây ổi
Lại đường mới - và hàng nghìn cô gái
Ở đâu em tinh nghịch của anh?

Bụi mù trời, mùa hanh
Nước trắng khe, mùa lũ
Đêm rộng đêm dài là đêm không ngủ
Em vẫn đi, đường vẫn liền đường.

“Cạnh giếng nước có bom từ trường
En không rửa, ngủ ngày chân lấm
Ngày em phá nhiểu bom nổ chậm
Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà...”
Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
Thương em, thương em, thương em biết mấy!

Dừng tay cuốc khi em ngoảnh lại
Sẽ giật mình: đường ta mới xây
Đã có độ dài hơn cả độ dài
Của đường sá đời xưa để lại!

Sẽ ra về bao nhiêu cô gái
Một ngày mai, đường sẽ đứng trơ vơ
Để cho đời sau còn thấy ngẩn ngơ
Trước những công trình ngoằn ngoèo trên mặt đất.

Ơi em gái chưa một lần rõ mặt
Có lẽ nào anh lại mê em
Từ cái đêm Thạch Nhọn, Thạch Kim
Tên em đã thành tên chung anh gọi:
Em là cô thanh niên xung phong.

Tiếng bom ở Siêng Phan

Tôi ở xa Siêng Phan
Nghe bom dội đêm ngày
Ầm ì tiếng tàu bay
Vọng vào trong trí nhớ

Tôi đến gần Siêng Phan
Nghe bom ầm ầm nổ
Cỏ cây cũng chẳng yên
Tiếng bom như tiếng thú

Tôi đứng giữa Siêng Phan
Cao hơn tiếng bom là khe đá tiếng đàn
Tiếng mìn công binh phá đá
Tiếng điếu cày rít lên thong thả
Tiếng oai nghiêm xe rú máy trên đường

Thế đấy giữa chiến trường
Nghe tiếng bom rất nhỏ!

Nhớ

Lời một chiến sỹ lái xe

Cái vết thương xoàng mà đi viện
Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo
Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến
Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo.

Nghe em hát trong rừng

Nghe em hát mà anh buồn cười
Nhịp với phách xem chừng sai cả
Mồ hôi em ướt đầm trên má
Anh với mọi người nhìn nhau khen hay.

Khu rừng già âm i tàu bay
Các chiến sĩ nhìn em đăm đắm
Mũ sắt lấm, áo ngoài cũng lấm
Mỗi khi cười bóng dáng cứ lung linh

Có lẽ vì khuôn mặt em xinh
Nên tiếng hát nhoè đi không nhớ nữa
Rồi trí nhớ lại bén bùng như lửa
Ẩn náu rất nhiều giọng hát ở xa xăm.

Giữa một vùng đất bụi khô rang
Em bỗng đến như dòng sông đầy nước
Trong nhà hầm hun đầy khói thuốc
Câu hát chành như võng đưa

Các chiến sĩ nghe em hát say sưa
Ngày mai ngày kia sẽ chuyện trò vô khối
Giữa những câu chuyện không đầu không cuối
Bao nhiêu người lại nhắc đến em.

Câu hát bay vòng qua đêm
Mai chiến sĩ lại ra cao điểm
Cuộc chiến đấu đang còn tiếp diễn
Em còn đi, rừng mở những gian hầm.

Tiếng hát bay vòng tháng năm
Ở đâu mà không cần tiếng hát
Nhưng giữa chiến trường nhiều khi thay cho nhạc
Là những tâm hồn có nhạc ở bên trong.

Câu hát màu chi mà khuôn mặt màu hồng
Tiếng hát xa rồi, không nhớ nữa
Đốt lòng nhau cứ gì phải lửa
Tiếng hát trong rừng bay xa, bay xa.

Chúng ta đi đường dài

Khi lên xe chúng ta chưa quen nhau
Lúc xuống xe ta đã thành bè bạn
Ta tựa lưng vào bốn năm tấn đạn
Chúng ta đi đường dài

Mấy trăm xe và mấy trăm người
Nhằm mặt trận tiến vào như cơn lốc
Những trái tim xếp theo hàng dọc
Suốt đường dài hồi hộp biết bao nhiêu

Không đếm được suối, không đếm được đèo
Trăm cây số cũng chỉ là chặng ngắn
Nơi ta ngủ cánh rừng chưa định sẵn
Nơi ta ăn, trăm tảng đá vô tình

Trên đầu ta thay những mảnh trời xanh
Bằng những mảnh trời xanh thăm thẳm khác
Cảnh vật đổi làm lòng ta khao khát
Nơi ta qua và nơi gọi ta đi

Một chặng đường, hai tiếng đóng cửa xe
Nơi bắt đầu chính từ căn buồng lái
Khuôn mặt nào thoáng qua mà lòng ta nhớ mãi
Để dốc với đèo bớt cao bớt sâu

Bạn ơi xa nhau mới nhìn rõ nhau
Khi kề gần ngó tìm khó thấy
Chỉ vì bụi giữa hai xe chạy
Chẳng có gì ngăn cách chúng ta đâu

Tôi ngồi xe trước, anh ngồi xe sau
Xe chạy đường vòng nhìn nhau qua cánh cửa
Lúc xe dừng, phong bánh khô xẻ nửa
Nước uống hết rồi, thương biết mấy là thương

Bao lo toan chia cho những đoạn đường
Mỗi điểm bom rơi, mỗi vùng lầy lội
Bằng cách nối cánh tay thành con đường đồng đội
Chúng ta cùng đi qua đường dài.

Cái cầu

Cha gửi cho con chiếc ảnh cái cầu
Cha vừa bắc xong qua dòng sông sâu
Xe lửa sắp qua, thư cha nói thế,
Con cho mẹ xem - cho xem hơi lâu

Những cái cầu ơi, yêu sao yêu ghê,
Nhện qua chum nước bắc cầu tơ nhỏ,
Con sáo sang sông bắc cầu ngọn gió.
Con kiến qua ngòi bắc cầu lá tre.

Yêu cái cầu vồng khi trời nổi gió
Bắc giữa trời cao, vệt xanh vệt đỏ,
Dưới gầm cầu vồng nhà máy mới xây
Trời sắp mưa khói trắng hơn mây.

Yêu cái cầu tre bắc qua sông máng
Mùa gặt con đi đón mẹ bên cầu:
Lúa hợp tác từng đoàn nặng gánh
Qua cầu tre, vàng cả dòng sâu

Yêu cái cầu treo lối sang bà ngoại
Như võng trên sông ru người qua lại,
Dưới cầu nhiều thuyền chở đá chở vôi;
Thuyền buồm đi ngược, thuyền thoi đi xuôi.

Yêu hơn, cả cái cầu ao mẹ thường đãi đỗ
Là cái cầu này ảnh chụp xa xa;
Mẹ bảo: cầu Hàm Rồng sông Mã
Con cứ gọi: cái cầu của cha.

Một giờ và mười phút

Cứ một giờ lại nghỉ mười phút
Trong buổi hành quân đi bộ sáng nay
Anh bỗng nhớ em lên lớp mỗi ngày
Cứ một giờ lại nghỉ mười phút

Chẳng phải điều gì cũng lặp lại nhau đâu
Giữa năm tháng hào hùng và biến động
Em của anh, quanh ta là cuộc sống
Chẳng phải điều gì cũng lặp lại nhau đâu

Khi em ngồi nhớ anh ngày chủ nhật thẳm sâu
Anh đang lội bùn, trong rừng đầy lá mục
Lúc em ngồi với học sinh là lúc
Anh đứng đỉnh đèo gió thổi mênh mông

Giấy bạc thuốc lá để lại đầy phòng
Khi em cắt làm hoa cho học sinh đem múa
Là khi anh đi những nơi bom nổ
Nào sắt nào nhôm phơi bạc vùng rừng

Tấm bảng đen em vẽ những đường cong
Tấm bảng đêm anh vạch lên đường đạn
Vết phấn trắng và vệt đồng cháy sáng
Ở hai đầu trận địa em ơi

Không trùng lặp nhau đâu giữa dài rộng cuộc đời
Nhưng có điều này giấu nỗi riêng chi chút
Cứ một giờ lại nghỉ mười phút
Tiếng trống trường đã điểm chưa em?

Mười phút cho chung hay mười phút cho riêng
Mà lúc nhớ nhau lại nghĩ về đất nước
Ngày thắng giặc đang tới gần phía trước
Tình yêu nào không nhắc đến ngày mai

Như hai bánh xe hiện tại với tương lai
Cuồn cuộn lăn đi vùn vụt
Rạo rực những giờ sau mười phút
Thời gian đi như một vệt sao dài.

voh-tho-pham-tien-duat-9
Đoàn xe di chuyển qua khu vực dày đặc hố bom tại ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) - Ảnh: Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh

Cái cập kênh

Cái trò để trẻ con chơi
Hai đầu hai ghế cập rồi lại kênh
Gỗ hồng trời biếc một thanh
Nhấp nhô nhà cửa gập gành núi non
Cái nơi đông đúc trẻ con
Xa rồi. Vườn cũ em còn đến không?

Anh đi núi biếc trập trùng
Non xa mấy dải, một vùng quân đi
Thấy núi nổi lúc xuống khe
Thấy non sa xuống ấy khi lên đèo
Theo từng bậc núi anh trèo
Cập kênh vẫn cập kênh theo đường dài

Phía trong nhớ một vùng ngoài
Những bao gạo gửi đường dài tới đây
Hậu phương dư thóc vụ này
Vẫn thương em khổ những ngày xa nhau
Cái cập kênh ở vườn sau
Đã thay anh nói những câu tâm tình
Gỗ hồng làm ghế một thanh
Một đầu cập, để lại kênh một đầu.

Những mảnh tàn lá

Tốp bộ binh đang chờ xung phong
Ngửa mặt nhìn trời
Những mảnh tàn đen của lá nứa đang rơi
Dữ dội rừng bên bốc cháy

Tôi cũng nhìn lên bầu trời lúc ấy
Rơi từ mây những cánh bướm đen
Cậu chiến sĩ bên tôi ngồi xuống, đứng lên
Sốt ruột vì nghe nứa nổ
Người cán bộ già nằm trên bãi cỏ
Đăm đắm nhìn tàn lá đang rơi

Giặc đang ở bên kia đỉnh đồi
Đại bác vu vơ bắn vào rừng nứa
Như báo hiệu một cái gì sắp sửa
Tàn lá đầy trời như mưa tuyết màu đen

Quân ta bao vây đã dày như nêm
Giặc không biết đâu, chúng đang đốt rừng cho nứa nổ
Nơi im lặng sắp bùng lên bão lửa
Chỗ ồn ào đang hoá than rơi

Bên kia đỉnh đồi chúng nó là ai
Là nguỵ ở Đông Dương hay là giặc Mỹ
Khi cái ác đã biến thành chủ nghĩa
Rất nhiều thứ màu đen hiện hình

Đứng ngồi không yên vẫn đồng chí bộ binh
Chờ dăm phút nữa thôi, có lâu là mấy
Những mảnh tàn rơi trên đầu ta đấy
Đã từng rơi từ mấy nghìn năm

Tai hoạ nhân gian đã chịu bao lần
Như nạn cháy nhà, làng nào chẳng có
Còn giặc giã là còn tàn lá cọ
Còn ngửa mặt lên trời để thấy than đen

Quân ta bao vây đã dày như nêm
Cái ác không còn nơi lẩn trốn
Trừ mưa ra, ngày mai bầu trời không có gì rơi xuống
Chỉ có chim bay và bướm bay

Tàn lá đang rơi nhẹ nhàng khoan thai
Lại vẽ bầu trời những đường dữ dội
Súng lệnh nổ rồi! Cả vùng rừng bốc khói
Những mảnh tàn rơi xuống lại bay lên.

Phạm Tiến Duật là một tên tuổi lớn của nền thơ Việt Nam trong thế kỷ XX. Ông đã sống, chiến đấu và sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng trên tuyến đường Trường Sơn. Ngay cả khi rời chiến trường, Phạm Tiến Duật vẫn còn day dứt, quyến luyến hình bóng Trường Sơn. Với phong cách riêng, không giống ai và không ai bắt chước được, thơ Phạm Tiến Duật vẫn sống mãi trong lòng mọi thế hệ người Việt Nam. 

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại voh.com.vn - Sống đẹp.