Từ ngàn xưa ông cha ta đã có câu “thương người như thể thương thân” như một lời nhắn nhủ về sự tương thân tương ái, thương yêu đùm bọc, đoàn kết trong cộng đồng. Lòng nhân ái, tình yêu thương luôn là ánh sáng giúp soi rọi cuộc đời của mỗi cá nhân, mỗi gia đình cũng như toàn xã hội.
Thế nhưng, trong xã hội ngày nay bên cạnh những nét đẹp về sự hy sinh, đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ người khác… thì vẫn có không ít những kẻ sống vô cảm, thờ ơ trước những nỗi khổ đau, bất hạnh của con người.
1. Vô cảm là gì?
Vô cảm được hiểu là một trạng thái cảm xúc đặc trưng thể hiện sự không quan tâm, lãnh đạm, vô tâm, dửng dưng với những sự việc, hiện tượng xảy ra xung quanh.
Người vô cảm thường chỉ quan tâm đến quyền lợi của bản thân, họ không có bất kỳ cảm xúc nào trước nỗi đau của người khác, cũng không cảm thấy khó chịu hay phẫn nộ trước những bất công của xã hội.
Vô cảm không được xem là một căn bệnh trong y học, nó chỉ là trạng thái cảm xúc, là thái độ của mỗi con người. Nói dễ hiểu, vô cảm chính là căn bệnh tâm hồn của những người có trái tim lạnh giá, bởi họ không có cảm xúc hay rung động trước tình cảm con người.
Đây là căn bệnh cần được loại bỏ sớm khỏi cộng đồng bởi nó có khả năng “lây lan” nhanh đặc biệt ở những em nhỏ. Trẻ nhỏ thường rất dễ bị ảnh hưởng và tác động từ môi trường xung quanh cũng như cách ứng xử của mọi người. Nếu gia đình, thầy cô, bạn bè đều có thói vô cảm, trẻ cũng sẽ hình thành tâm lý lạnh lùng, thơ ơ, thiếu sự đồng cảm và sẻ chia với những nỗi đau, mất mát của người khác.
2. Tại sao con người dần trở nên vô cảm?
Nếu như trước đây, sự vô cảm chỉ xảy ra ở những cá nhân riêng lẻ thì giờ đây, thái độ thờ ơ và lãnh đạm dường như đang ngày càng được lan rộng ra những người xung quanh, thậm chí là cả một tập thể.
Đây là một thực trạng đáng buồn của xã hội khi mà người ta có thể thản nhiên đứng nhìn một người bị thương nằm vật vã trên đường không chút động lòng, nhìn thấy một nữ sinh bị đánh hội đồng không một hành động can ngăn, thấy một vụ nhục mạ người khác… lại xem đó như một màn kịch. Có người còn vô cảm đến mức lấy cả điện thoại ra quay rồi tung lên mạng để câu view.
Chúng ta lại đặt ra câu hỏi: vì sao người ta không chịu giúp đỡ hay can thiệp? Câu trả lời đó là bởi người ta vô cảm trước nỗi đau của đồng loại, bởi người ta sợ phiền phức, liên lụy, vạ lây…
Vô cảm còn là khi người ta chẳng bận tâm đối với tương lai của mình. Mỗi người khi lớn lên dường như đều có nước mơ hoài bão để làm động lực, khát vọng vươn lên. Thế nhưng, vẫn có những người lại chọn làm “con tằm” tình nguyện nằm trong kén cả đời mà không bung mình để thành một con bướm tự do. Cả đời họ chỉ thích luẩn luẩn, mặt kệ thời gian và tất cả mọi thứ.
Cũng có thể chính quá khứ đã đẩy con người đến sự vô cảm. Một người liên tục bị hãm hại, lừa dối dần mất niềm tin vào cuộc sống. Tính cách nhút nhát, bị xem thường, dè bỉu cũng có thể ảnh hưởng đến cuộc sống bản thân, khiến họ mất đi sự đồng cảm và trở nên thờ ơ, lãnh đạm.
Gia đình cũng là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta có thể trở thành người vô cảm. Tình người vốn đã được nuôi dưỡng từ rất sớm trong mỗi con người, chúng ta được học ở trường và ngay tại gia đình. Thế nhưng, nếu sống trong một gia đình không gương mẫu, cha mẹ có lối sống ích kỷ, không quan tâm người khác… thì những đứa trẻ rất dễ nhiễm thói hư tật xấu và hình thành thái độ thờ ơ với con người, xã hội.
Rõ ràng, xã hội càng phát triển căn bệnh vô cảm của con người càng trở nên nghiêm trọng. Phải chăng do “cơm áo gạo tiền”, con người bận bịu với việc tạo ra của cải vật chất mà quên mất rằng, tâm hồn cũng cần được nuôi dưỡng, nên đã dẫn đến lối sống vô cảm?!
Hay là do thời đại công nghệ phát triển chúng ta mỗi ngày chỉ thích lướt web, mạng xã hội, thu mình vào thế giới ảo… mà bỏ qua những khoảng thời gian lao lưu với những người xung quanh, nhằm tạo sự gắn kết nghĩa tình giữa con người với con người?!
Ngay nay, cuộc sống bận rộn, những chuẩn mực đạo đức cũng ít được quan tâm. Chính vì vậy, con người thường chỉ nghĩ đến vật chất và những thứ bên ngoài, mà quên đi những giá trị tinh thần, tạo tiền đề cho căn bệnh vô cảm có cơ hội “ươm mầm” và phát triển.
Xem thêm: Đa đoan là gì? Vì sao những người đa đoan thường không vui vẻ, hạnh phúc?
3. Làm sao biết chúng ta đang vô cảm?
Thật ra, một người vô cảm có thể có rất nhiều biểu hiện. Sự vô cảm đến từ lời nói, hành động mà chúng ta hoàn toàn có thể nhận biết bằng trực quan của mình.
Cùng điểm qua một vài biểu hiện nhận biết dưới đây để xem thử chúng ta hoặc hoặc những người xung quanh chúng ta có đang là một người vô cảm không nhé!
- Một người vô cảm thường không thể hiện sự vui mừng hay phấn khích trước những hoạt động có tính chất vui vẻ. Cũng không không tỏ thái độ quan tâm, chia sẻ, cảm thông khi nghe được những câu chuyện có tính chất đau buồn.
- Không biết giúp đỡ người khác, thậm chí là thờ ơ trước sự nhờ vả của những người xung quanh.
- Khi gặp những tình huống bất ngờ (tai nạn xe trên đường, người bị thương…) những người vô cảm sẽ vội vàng lướt qua hoặc chỉ đứng nhìn chứ không giúp đỡ, vì nghĩ đây không việc của mình.
- Không quan tâm khi bản thân đạt được thành công hay thất bại. Có được khen thưởng hay trách phạt, người vô cảm cũng không có bất kỳ biểu hiện gì.
- Trơ lì cảm xúc, bất cần đời, thiếu tinh thần trách nhiệm khi tham gia các hoạt động tập thể, cộng đồng.
4. Làm thế nào để “đối phó” với sự vô cảm?
Chúng ta có thể bắt gặp sự vô cảm có mặt ở khắp mọi nơi, vô cảm trong xã hội, vô cảm trong tình yêu… Thay vì để ý và phản ứng lại với chúng, bạn có thể chọn cách đối mặt để bản thân không bị khó chịu.
4.1 Thay đổi góc nhìn
Vì vô cảm được hình thành bên trong cảm xúc của mỗi con người và chúng ta đôi khi khó tránh khỏi việc gặp phải người vô cảm. Cho nên, thay vì nghĩ về nó bạn hãy thử thay đổi góc nhìn. Cách tiếp cận mới có thể sẽ khiến bạn cảm thấy thoải mái hơn, nhìn nhận vấn đề cũng sẽ chính xác hơn.
4.2 Cư xử với một “trái tim rộng lượng”
Những người vô cảm thường có những cử chỉ, hành động không đúng, thậm chí tệ hại. Do đó, khi tiếp xúc với người vô cảm đừng nổi nóng và hành động nông nổi vì có thể khiến mọi chuyện tệ hơn. Thay vào đó, hãy đối xử với họ bằng một trái tim mở rộng và tấm lòng nhân ái, nói năng từ tốn, nhẫn nại có thể sẽ giúp họ hiểu ra vấn đề.
Nên nhớ, khi bạn trao đi những năng lượng tích cực, bạn cũng sẽ nhận lại được những điều tốt đẹp.
Xem thêm: Liêm sỉ là gì? Vì sao 'liêm sỉ' lại ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày
4.3 Tập trung phát triển bản thân
Việc chỉ trích và ghét bỏ ai đó thực sự rất mệt mỏi. Do đó, thay vì lên án người này, phê phán người kia, bạn nên tập trung vào phát triển bản thân. Điều đó sẽ giúp bạn trở nên tự tin và và có suy nghĩ tích cực hơn rất nhiều.
Vô cảm là một hiện tượng xấu và đang tồn tại trong xã hội. Sự vô cảm không chỉ gây rạn nứt tình cảm con người mà còn có thể gây hại cho xã hội. Giống như Đại văn hào Nga Maksim Gorky từng nói: "Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương". Vậy nên, mỗi cá nhân cần biết cách bồi dưỡng nhân cách và tình yêu thương, lòng nhân ái… để chung tay để lùi “căn bệnh vô cảm” trong xã hội.
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet