Chờ...

Vô ngã là gì? Ý nghĩa của vô ngã trong Phật giáo và cuộc sống

(VOH) – Vô ngã, Vô thường và Khổ là ba pháp ấn trong Phật giáo. Nếu Vô thường là nhìn vào thực tại trong khía cạnh thời gian. Khổ là chỉ những cảm thụ khó chịu của con người. Vậy vô ngã là gì?

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường dùng chữ ta (tôi, mình) để xưng hô với người khác. Thế nhưng, trong Phật giáo lại nói rằng “vô ngã”, tức là không có gì của ta, là của ta. Vậy vô ngã là gì? Vì sao trong đạo Phật lại xếp vô ngã vào Ba pháp ấn quan trọng trong quá trình tu tập?

1. Vô ngã là gì?

Trước khi muốn hiểu về vô ngã, chúng ta phải hiểu Ngã là gì? Theo tư tưởng Ấn Độ thời Đức Phật, Ngã có nghĩa là chủ tể hay linh hồn (Chủ có nghĩa là có quyền định đoạt, tự do tự tại; Tể có nghĩa là sắp đặt, xét đoán, sai sử, điều hành). Như vậy, Ngã là chủ tể tức là Ngã có quyền sắp đặt, điều khiển và tự do tự tại. Đa số mọi người điều có cảm tưởng mình là chủ của thân tâm. Vì có thể điều khiển được thân xác nên họ tin chắc rằng trong thân tâm này có một ông chủ (hay gọi là Ngã).

Vô ngã (anatta) nghĩa đen có nghĩa là “không có ta”, nghĩa bóng có nhiều nghĩa. Chẳng hạn, theo Đại thừa vô ngã có nghĩa là “vô dự tính”. Còn theo Phật giáo Nguyên thủy vô ngã có nghĩa là “không phải là ta, không phải là của ta”.

Vô ngã là gì 1
Vô ngã hiểu đơn giản chính là "không có ta"

Như vậy, vô ngã nghĩa là trong con người chúng ta không có cái đồng nhất, bất biến và tự tại. Mọi sự vật không có cái ngã riêng biệt nên chúng vô thường. Vô thường là biến đổi luôn luôn. Vì không có gì bất biến nên cũng không có được cái ngã riêng biệt và thường hằng. Thân ta vô thường, cảm cảm xúc vô thường và các nhận thức cũng vô thường… nên chẳng có gì để chúng ta gọi là Ngã.

Hơn thế, tất cả mọi sự vật trên cõi đời này đều có sự phụ thuộc lẫn nhau, chúng luôn tương trợ nhau để vận hành cuộc sống. Ví dụ, để có tờ giấy cần phải có trái đất, mặt trời, rừng cây, đám mây, và máy móc cùng người làm giấy. Nếu không có những thứ ấy thì tờ giấy cũng không thể nào có mặt. Cũng như một bông hoa, nó không thể tự hiện diện được, nó phải tương thức (cùng hiện hữu) với đất, mưa, nắng, cỏ dại và côn trùng. Trong vũ trụ, không có sự hiện diện độc lập, chỉ có sự tương thức, liên quan mật thiết giữa mọi sự vật mới nhau.

Tuy vô ngã được hiểu là không có ta nhưng không có nghĩa là chúng ta không hiện hữu tại đây, cũng không có nghĩa là mọi sự điều không tồn tại. Một cái ly có thể trống hay đầy trà. Dù trống hay đầy, thì cái ly phải hiện hữu trước đã. Do đó, vô ngã không có nghĩa là hiện hữu hay không hiện hữu, mà nó là một sự biến đổi liên tục trong từng khoảnh khắc. Đây là một tiến trình tu tập tâm không còn chấp thủ mọi hoạt động gây khổ ưu và phiền não cho bản thân và mọi người.

2. Vô ngã trong Phật giáo là như thế nào?

Theo pháp môn Phật đạo, vô ngã là sự tu tập vượt vòng bộc lưu sanh tử luân hồi. Trong đạo Phật, vô ngã là một trong ba pháp ấn gồm: vô thường, khổ và vô ngã. Đạo Phật cho rằng, mỗi sự vật có mặt trên đời là do duyên sinh (tùy thuộc vào điều kiện) khởi phát, chứ sự vật không có quyền gì với sự sinh ra và sự hoại diệt của chính nó. Cái gì có sinh thì phải có diệt là vô thường; Cái gì vô thường thì là khổ; Cái gì khổ mà nó biến đổi theo duyên sinh chính là vô ngã.

Vô ngã là gì 2
Vô ngã  là sự tu tập vượt vòng bộc lưu sanh tử luân hồi theo pháp môn Phật đạo

Trong bài Kinh Vô ngã Tướng (Anattal – khana) cũng cho rằng, cái ngã cái “tôi” là không có, mà chỉ là một tập hợp của Ngũ uẩn (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn), luôn luôn thay đổi, sinh diệt.

Có 3 câu nói rất nổi tiếng trong Phật giáo đó là: “Tất cả Pháp Hữu Vi” đều Vô Thường“. Tất cả Pháp Hữu Vi” đều Khổ. “Tất cả Các Pháp” đều Vô ngã.  Tức là, không chỉ con người là vô ngã mà tất cả các pháp cũng đều vô ngã. Không có pháp nào là không bị sinh diệt, tất cả các pháp đều chuyển biến và không độc đập.

Hiện mỗi con người đều có bản ngã, cái tôi của riêng mình. Và về bản chất thì ai cũng yêu thương cái tự ngã của mình, cũng như mang nó theo suốt cuộc đời, bởi thế nên bản ngã càng nhiều con người sẽ càng đau khổ và phiền não.

Đây là tập tính khó bỏ vì nó đã có từ thời xa xưa, “ăn sâu” vào tiềm thức con người nên rất khó để thay đổi. Cho nên, với những người đã là hàng đệ tử Phật, tu theo Phật, chánh pháp của Phật dạy đều phải hiểu cái căn bản của chánh pháp của Phật là vô ngã, chỉ có vô ngã mới là con đường ngắn nhất đưa ta đến với Phật.

Xem thêm:
Phật Pháp và những câu nói giúp bạn nhận ra cuộc sống thật tươi đẹp
Ngộ ra nhiều chân lý cuộc sống qua 16 câu nói của sư thầy Thích Tâm Nguyên
Hạnh phúc ở đâu, bình yên ở đâu? - Những câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ giúp ta giải mã điều đó!

3. Lợi ích của cuộc sống vô ngã

Giáo lý vô ngã là nền tảng căn bản bản của đạo Phật. Thế nhưng, khi áp dụng vào đời sống hàng ngày chúng ta lại càng thấy rõ những lợi ích khi thực hành cuộc sống vô ngã.

Vô ngã là gì 3
Thực hành một sống vô ngã giúp con người hướng đến sự an nhiên, tự tại trong tâm hồn và cuộc sống

Đầu tiên, con người hẳn ai cũng có đau khổ phiền não bởi “tham-sân-si”… tất cả những thứ phiền não đó có thể hiểu là do chấp ngã mà ra. Chấp ngã càng nhiều bao nhiêu thì đau khổ càng lớn bấy nhiêu. Ngược lại, khi con người biết tu tập vô ngã, hiểu rằng vạn vật trên đời là biến hóa liên tục thì cuộc sống sẽ càng tự do, thanh thản.

Bởi con người luôn có chấp ngã nên mới sinh ra đủ loại phiền não ngã sở và ngã kiến. Chẳng hạn, ai đụng vào ngã sở như tiền bạc, nhà cửa, quyền lợi của chúng ta thì chúng ta liền thể hiện ngay sự tức giận, nóng nảy, mất bình tĩnh. Với người tu tập vô ngã, sẽ không còn chấp tài sản là của ta nên khi bị mất mát cũng không quá đau khổ hay sân hận.

Ngoài ra, những người có ngã kiến rất cao, tức là luôn cho ý kiến, lời nói của mình là đúng, khi bị phản bác liền sinh ra tranh cãi, hơn thua, lời qua tiếng lại, thậm chí dùng bạo lực. Với người tu vô ngã họ biết khiêm cung, không ngạo mạn, khoe khoang, cũng không hơn thua lời ăn tiếng nói cùng người khác.

Người tu vô ngã thời gian đầu có thể sẽ bị đau khổ, buồn rầu trước một lời nói ác ý. Thế nhưng, khi chúng ta đã quen dần, chấp ngã dần tiêu mòn, khi bị gieo lời cay đắng thì cũng chỉ còn thấy một chút khổ đau. Và khi đạt đến cảnh giới cuối cùng, chấp ngã không còn thì đứng trước những lời nói ác ý của người khác, mọi đau khổ cũng đều không còn.

Trong Kinh Pháp Cú có một câu nói thế này:

“Như ngọn núi kiên cố

Không gió nào lay động

Cũng vậy, giữa khen chê

Người trí không dao động”.

Thật vậy, trên con đường đi đến sự bình yên trong tâm hồn mỗi người, sống vô ngã rất quan trọng và cần thiết. Bởi vô ngã chính là sự giải thoát khỏi cái ngã, hướng con người đến cái tâm đơn thuần, trong sáng, nguyên sơ nhất. Giống như trong kinh Pháp Môn Căn Bản đã nói: "Cái tâm con người ban đầu vốn luôn thanh tịnh (vô ngã), chỉ là theo thời gian nó đã bị nhuộm màu bởi những tạp nhiễm ngoại lai (cái ngã)".

Sưu tầm - Nguồn ảnh: Internet