Chờ...

Bình luận: Bài học từ con cá ngừ đại dương

(VOH) - Sự kiện lô cá ngừ đầu tiên của ngư dân tỉnh Bình Định xuất khẩu sang Nhật Bản, được đánh giá cao song cũng có một vài điều lưu ý và nhắc nhở tại thị trường tiêu thụ cá ngừ lớn nhất thế giới này sẽ là một sự khởi đầu mới cho nghề đánh bắt cá ngừ ở khu vực miền Trung.

Ngày 8/8 vừa qua, 9 con cá ngừ đại dương của ngư dân tỉnh Bình Định đã được chuyển qua đường hàng không để kịp có mặt tại Trung tâm đấu thầu Osaka Nhật Bản. Kết quả thật bất ngờ: hầu hết trong số 448 kg cá ngừ của ta được người Nhật mua với giá 1.200 Yên tương đương 220 ngàn/kg. Có một con đạt chất lượng đánh bắt và chế biến của Nhật được định giá 420 ngàn/kg và duy nhất có con chỉ có giá 250 ngàn Yên tức chỉ 50 ngàn/kg do thịt bở và không ngon.

Chuyên gia cá ngừ Nhật Bản kiểm tra chất lượng thịt cá ngừ đại dương do ngư dân tỉnh Bình Định đánh bắt. Ảnh: VTV

Có thể nói đây là tin vừa mừng vui, vừa âu lo đối với các ngư dân chuyên khai thác cá ngừ đại dương của miền Trung nước ta. Vui mừng ở chỗ là từ nay cánh cửa xuất khẩu loại thủy sản đặc biệt này đã chính thức mở ra tại thị trường Nhật - nơi tiêu thụ lượng cá ngừ sống khổng lồ và thường xuyên để làm món sushi với giá cách biệt so với trước đây.

Còn nỗi lo song hành lại đến từ áp lực phải làm sao đảm bảo quy trình đánh bắt và sơ chế đạt tiêu chuẩn Nhật Bản, để con cá ngừ đại dương của ta mỗi khi xuất hiện tại thị trường này đều làm hài lòng bất cứ khách hàng khó tính nào.

Bấy lâu nay, việc câu cá ngừ đại dương ở ta chủ yếu là bằng đèn cao áp, theo lối thủ công. Cá câu được rồi thì được đập chết bằng chày gỗ, trước khi đưa vào hầm đá. Sơ suất của ngư dân VN chính là ở chỗ này. Việc làm cá chết bằng chày gỗ chẳng những làm con cá không còn nguyên vẹn mà vô hình chung trong cơ thể cá lại sinh ra một loại a-xít làm thịt cá bở ra, màu cá không đẹp và cảm giác không tươi. Cá ngừ khai thác và sơ chế kiểu này chỉ có thể đóng hộp mà không thể ăn sống được. Điều này cũng trả lời câu hỏi là vì sao bấy lâu nay chúng ta chỉ xuất được sản phẩm ra nước ngoài với giá bèo - trong khi trên thực tế, chất lượng cá tại vùng biển của ta và Nhật là tương đương…

Bằng kinh nghiệm của mình, các chuyên gia khai thác và chế biến hải sản người Nhật đã nhìn thấy tiềm năng và nguồn cá ngừ đại dương rất lớn của VN, hiện đang nằm ở Bình Định, Khánh hòa và Phú Yên. Họ đã chủ động sang làm việc với lãnh đạo và ngư dân tỉnh Bình Định, đồng thời đem theo kỹ thuật câu và chế biến tại chỗ. Với hơn 100 năm kinh nghiệm chuyên về cá ngừ đại dương và bằng máy móc nghề câu không quá phức tạp, người Nhật cho hay, cá bắt lên không đập chết như cách làm của ngư dân Việt Nam, mà dùng dao nhọn cắt nhanh thùy não trong vòng 2 phút. Do chết nhanh nên hoóc-môn cá không kịp sinh ra độc tố và vì thế thịt cá đảm bảo tươi ngon.

Nhận thấy lợi ích lâu dài của việc này, UBND tỉnh Bình Định đã đầu tư hơn 1 tỷ mua thiết bị câu cá và nâng cấp hầm lạnh cho 5 ngư dân. Sau thời gian làm thử hiệu quả, sẽ nhân rộng cho nhiều ngư dân khác dưới dạng cho vay ưu đãi về lãi suất. Cũng cần nói thêm là kể từ phiên đấu giá này, nếu phía VN tuân thủ chặt chẽ quy trình đánh bắt và sơ chế theo công nghệ  Nhật, thì việc tiêu thụ cá ngừ đại dương tại nước này sẽ trở thành thường xuyên. Miễn là từ khi đánh bắt cho tới khi con cá tới nơi tiêu thụ chỉ trong vòng 10 ngày. Các ngư dân Bình Định có vẻ rất phấn khích và khẳng định là họ có thể làm chủ công nghệ câu cá, sẽ đảm bảo nguồn cá ổn định xuất sang thị trường Nhật.

Vậy là từ nay, ngư dân chuyên câu cá ngừ đại dương ở Bình Định và một số tỉnh miền Trung đã có quyền hy vọng vào đường hướng khai thác loại thủy sản đặc biệt này.

Rõ ràng là câu chuyện con cá ngừ đại dương vừa kể trên cho chúng ta thêm bài học về việc làm ăn trong thời hội nhập. Chỉ chịu khó chịu khổ thôi thì chưa đủ mà rất cần phải nắm được thông tin khoa học kỹ thuật để khai thác và chế biến sao cho phù hợp với các thị trường. Trường hợp của cá ngừ đại dương cũng chính là muôn vàn trường hợp các loại nông lâm thủy hải sản khác của chúng ta. Điểm yếu cố hữu và khiếm khuyết thường thấy của ta chính là công nghệ sau thu hoạch kém, việc nắm bắt các thị trường chưa sâu và không được cập nhật. Vậy nên sự thua thiệt trong làm ăn là điều cầm chắc.

Thiết nghĩ trong đầu tư và làm ăn với các nước rất cần sự chuyển hướng nhanh nhạy và đồng bộ từ các bộ ngành, các địa phương để góp phần mang lại nguồn lợi và hiệu quả cao cho người trực tiếp sản xuất và cho nền kinh tế nước nhà.