Tiêu điểm: Nhân Humanity

Vẫn nhiều tranh cãi về kết quả cuộc tranh luận đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và ứng viên Joe Biden

(VOH) - Tâm điểm thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế tuần này chính là cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Joe Biden và Donald Trump.

“Hỗn loạn, không có quy tắc và công kích lẫn nhau”, đó là cụm từ mà dư luận Mỹ mô tả về cuộc tranh luận đầu tiên này. 

Là phiên đầu tiên trong số ba phiên tranh luận trực tiếp giữa hai ứng cử viên, giới phân tích cho rằng trong hơn 90 phút, nhìn chung người dẫn chương trình nổi tiếng Ch-rít Gua-lết ( Chris Wallace) đã phải rất nỗ lực để duy trì trật tự. Thay vì tập trung làm rõ những ưu tiên chính sách của mình theo sáu chủ đề mà ông Wallace đã lựa chọn và công bố từ trước, đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên của đảng Dân chủ Giâu Bai-đần (Joe Biden) nhanh chóng bước vào cuộc công kích lẫn nhau. Trong đó, ông Trump thường xuyên ngắt lời “đối thủ” Biden cũng như người dẫn chương trình Wallace và không tuân thủ các quy định. Ứng cử viên của đảng Dân chủ Biden cũng tỏ ra không chịu lép vế khi gọi ông Trump là tổng thống tồi tệ nhất mà nước Mỹ từng có. Chuyên gia bình luận nổi tiếng của CNN Wolf Blitzer cho rằng giọng điệu của cuộc tranh luận này là hỗn loạn nhất mà ông từng chứng kiến. 

 ứng cử viên Tổng thống Mỹ, tranh luận, ngày 2 tháng 10 năm 2020
Ảnh: AFP

Nếu như ứng cử viên Joe Biden lựa chọn chiến thuật “điềm tĩnh chờ thời cơ phản công” thì Tổng thống Donald Trump vẫn lựa chọn chiến thuật quen thuộc “tấn công không ngừng nghi”. Đơn giản là bởi nhà lãnh đạo Mỹ đã áp dụng thành công chiến thuật này cách đây 4 năm và giành chiến thắng trước ứng cử viên rất mạnh lúc đó là bà Hilary Clinton. Xin nhắc lại rằng ở thời điểm tranh cử với bà Hilary Clinton năm 2016 ông Donald Trump đã giành thắng lợi khi đánh trúng vào tâm lý của cử tri Mỹ đã qua chán ngán với một nền chính trị xơ cứng, không quan tâm dến lợi ích người dân. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi nền kinh tế, chính trị và đối ngoại của nước Mỹ đã và đang đặt ra những vấn đề nội tại mới  trong lòng nước Mỹ và cử tri Mỹ, đặc biệt là những người yếu thế. Và đây là những bài toán mà hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden phải giải quyết được nếu muốn giành thắng lợi chung cuộc trong ngày bầu cử Tổng thống 3/11 tới. 

Có thể nói, chiến thuật "đánh đòn phủ đầu" của Tổng thống Trump đã đem lại hiệu quả nhất định khi ông kiểm soát được sân khấu tranh luận, song điều đó không đồng nghĩa với một chiến thắng dành cho ông trong vòng tranh luận này. Diễn biến cuộc tranh luận chỉ cho thấy hai ứng cử viên bất đồng gay gắt trong mọi chủ đề tranh luận. Ông Trump vẫn chưa đưa ra những lý giải có sức thuyết phục cao, mang tính đột phá để thu hút sự ủng hộ của cử tri.

Trong khi đó, về phía ông Biden, những chỉ trích nhằm vào Tổng thống Trump xung quanh cách xử lý các vấn đề hệ trọng của đất nước như sự bùng phát dịch bệnh COVID-19, việc mở cửa trở lại nền kinh tế, cũng như việc đề cử thẩm phán Tòa án Tối cao vẫn là sự lặp lại những chỉ trích trước đó, và vì vậy, khả năng tạo được hiệu ứng bất ngờ của ông ngay trong cuộc tranh luận đầu tiên với đối thủ Donald Trump trở nên mờ nhạt. Dù vậy, cuộc tranh luận cho thấy các ứng cử viên có vẻ đã tận dụng vòng đấu đầu tiên này để thể hiện rõ tính cách và phong thái cá nhân, hơn là làm rõ nội hàm của những chính sách trong cương lĩnh tranh cử. Có thể nói màn tranh luận giữa ông Trump và ông Biden lột tả chính xác những nét nổi bật nhất của hai ứng cử viên này. Đó là một tổng thống có kinh nghiệm trong tranh luận và muốn biến những sự kiện này thành sân khấu riêng của mình, và một cựu phó tổng thống thể hiện sự chậm rãi nhưng chắc chắn, thận trọng, điển hình

Các cuộc tranh luận  trước thềm bầu cử được cho không có tác động nhiều tới quyết định cuối cùng của cử tri Mỹ, nhưng không thể phủ nhận rằng các cuộc tranh luận này sẽ giúp cử tri Mỹ nhìn nhận một cách rõ hơn về tầm nhìn, chính sách và phong cách điều hành của các ứng cử viên Tổng thống tương lai. Trong bối cảnh nước Mỹ đang đứng trước nhiều thách thức, việc ứng viên nào ghi thêm được 1-2 điểm tại các bang chiến địa, sẽ tạo ra lợi thế nhất định trong ngày bỏ phiếu. Trong bối cảnh ông Trump vẫn giữ được tỷ lệ ủng hộ của 40% cử tri trung thành và ông Joe Biden đang tạm dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận, thì cuộc tranh luận đầu tiên hôm nay có thể dẫn tới những thay đổi nhất định trong tấm lý cử tri.

Với 6 chủ đề lớn đều là những thách thức lớn của nước Mỹ, cuộc tranh luận đầu tiên giữa 2 ứng cử viên Tổng thống Mỹ đã thu hút một con số kỷ lục tới 120 triệu người theo dõi. Đã xuất hiện những tranh cãi khác nhau về kết quả cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên Joe Biden, nhưng giới quan sát quốc tế cho rằng hai ứng cử viên vẫn đang ở tình thế “giằng co”. 

Bình luận về kết quả cuộc tranh luận đầu tiên, giới quan sát cho rằng không có người chiến thắng rõ ràng, nhưng ông Biden đã giữ được vị thế của riêng mình. Trả lời phỏng vấn hãng CNBC, ông Jon Hill - Phó Chủ tịch tập đoàn BMO Capital cho rằng hai ứng cử viên có các quan điểm rất khác nhau về tương lai. Trong khi đó, ông Marc Chandler - chiến lược gia thị trường trưởng tại tập đoàn Global Forex nhận định hai ứng cử viên nhiều khả năng đã ghi điểm đối với lực lượng cử tri nền tảng của riêng họ.

Như vậy là chỉ còn 5 tuần nữa là tới ngày tổng tuyển cử và hai ứng cử viên vẫn còn hai cuộc tranh luận khác vào ngày 15/10 và 22/10. Tuy nhiên, những tranh cãi trong dư luận báo chí Mỹ tiếp tục khiến giới phân tích lo ngại về một kịch bản tranh luận không hiệu quả giữa hai ứng viên những ngày tới. 

Trong 60 năm qua, các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống Mỹ đã trở thành sự kiện chính trị quan trọng hàng đầu trong tiến trình bầu cử ẩn chứa nhiều yếu tố phức tạp của Mỹ. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lây lan mạnh khiến đa số các sự kiện phải tổ chức theo hình thức trực tuyến, một cuộc tranh luận theo hình thức trực tiếp sẽ càng có vai trò tạo ra những bước ngoặt lớn cho cuộc vận động tranh cử của từng ứng cử viên thông qua những phát biểu và hình ảnh trực quan. Điều này phần nào đã được thể hiện ngay trong màn so tài đầu tiên giữa hai ứng cử viên. Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm trong cuộc chạy đua vào vị trí ông chủ Nhà Trắng, tuy nhiên, cuộc tranh luận này đã góp phần tạo nên sự háo hức cho cử tri và giới quan sát có thể tiếp tục trông đợi những kịch bản hấp dẫn ở phía trước trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Xem thêm:

Bình luận