Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) mới đây đã công bố báo cáo "Tình trạng trẻ em thế giới 2019" đề cập vấn đề trẻ em, thực phẩm và dinh dưỡng.
Trẻ suy dinh dưỡng. Ảnh minh họa: internet
Báo cáo cho biết, mặc dù vấn đề trẻ em chậm phát triển tại các nước nghèo đã giảm 40% trong giai đoạn từ 1990 đến 2015, nhưng hiện tại trong số 700 triệu trẻ em trên toàn thế giới, có khoảng 149 triệu trẻ em từ 4 tuổi hoặc trở xuống không đạt yêu cầu về chiều cao. Ngoài ra, có khoảng 50 triệu trẻ em gầy yếu và suy nhược cơ thể mãn tính do đói nghèo.
Bên cạnh đó, một nửa số trẻ em trên thế giới không được cung cấp đầy đủ vitamin và chất khoáng, gây nên tình trạng “đói tiềm ẩn”.
Một biểu hiện khác liên quan đến dinh dưỡng là tình trạng béo phì cũng gây nhiều phiền toái cho trẻ em trong 30 năm qua.
Trẻ thừa cân. Ảnh minh họa: internet
Báo cáo nêu rõ, vấn đề “đói tiềm ẩn” không thể xem thường. Chế độ ăn uống của trẻ trong vòng 1.000 ngày sau khi chào đời sẽ là nền tảng khởi đầu vững chắc cho sức khỏe của trẻ trong tương lai. Tuy nhiên, chỉ 2/5 trẻ em dưới 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ.
Tại một số nước Đông Nam Á như Indonesia, Phillippines,… khoảng 40% trẻ em do thường ăn các thức ăn nhanh nên cơ thể không đủ dinh dưỡng. Trẻ em tại những nước này thường kém dinh dưỡng hơn so với mặt bằng chung của thế giới.
Toàn cầu hóa đã làm thay đổi thói quen ăn uống của con người. Sự ra đời của các các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và chuỗi thức ăn nhanh đã khiến nhiều người từ bỏ thói quen ăn uống lành mạnh trước đây, thay vào đó là ăn nhiều các thực phẩm chế biến có chứa axit béo bão hòa, đường và natri. Tình trạng này có thể thấy rõ tại những nước đang phát triển như Ấn Độ, Việt Nam…
Mặt khác, việc tiếp thị và quảng cáo tràn lan những thức ăn dành cho trẻ đã tác động trực tiếp đến nhu cầu của trẻ đối với thức ăn nhanh và thực phẩm không lành mạnh. Điều này dễ nhận thấy ở các nước phát triển như Anh, Mỹ.