Chờ...

10 triệu chứng trầm cảm ở trẻ em - nguyên nhân phổ biến nhất trong các vụ tự tử

(VOH) - Rối loạn trầm cảm là chẩn đoán phổ biến nhất trong tất cả các vụ tự tử. Khoảng 20% số trẻ em trầm cảm có ý định tự sát và 8% có hành vi tự sát.

Cũng như người lớn, trẻ em cũng có thể bị trầm cảm. Tuy nhiên, trầm cảm ở trẻ em có nhiều điểm khác biệt với trầm cảm ở người lớn. Theo các chuyên gia về tâm thần thì các trường hợp tự sát của trẻ em phần lớn là do trẻ mắc bệnh trầm cảm.

10 triệu chứng trầm cảm ở trẻ em
10 triệu chứng trầm cảm ở trẻ em

Khoảng 15% số trẻ em có một vài triệu chứng của trầm cảm. Ở tuổi 17, tỷ lệ trầm cảm ở trẻ em là 3-5%, trong đó nữ nhiều gấp 2 lần nam. Tỷ lệ trầm cảm ở tuổi 15 vào khoảng 3-5%. Trầm cảm ở trẻ em là một rối loạn hay tái phát. Khoảng 70% số bệnh nhân sẽ tái phát trong vòng 5 năm sau cơn trầm cảm đầu tiên.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm ở trẻ em: Khoảng 2/3 trẻ em bị rối loạn trầm cảm cũng mắc một rối loạn tâm thần khác. Ở học sinh, khoảng 2/3 số bệnh nhân trầm cảm có ít nhất một rối loạn phối hợp và 10% có từ hai rối loạn phối hợp trở lên.

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở trẻ em

Cũng như ở người lớn, trầm cảm ở trẻ em được coi là có căn nguyên từ gien di truyền.

Trầm cảm ở trẻ em là hậu quả của sự tương tác giữa các yếu tố di truyền, và các thay đổi chất dẫn truyền thần kinh. So với những trẻ em không bị trầm cảm, những trẻ em bị trầm cảm thể hiện sự thiếu hụt kỹ năng xã hội có khả năng dẫn đến ít tương tác hơn và nhiều kết quả tiêu cực hơn.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh trầm cảm ở trẻ em, một số trường hợp thường gặp nhất như: 

Bạo lực học đường: Hiện nay tình trạng bạo lực học đường không được kiểm soát triệt để khiến cho rất nhiều trẻ em rơi vào trạng thái hoảng loạn, lo sợ, trầm cảm vì bị ức hiếp, bắt nạt khi đi học. Đa phần các trẻ sẽ có tâm lý sợ hãi muốn giấu đi và tự cố gắng chịu đựng.

Áp lực học tập: Những trẻ em chịu nhiều áp lực học tập, bị cha mẹ đặt mục tiêu quá lớn và những tác động từ phía nhà trường sẽ làm cho trẻ dễ bị trầm cảm hơn. Thông thường, phụ huynh luôn muốn con mình đạt được thành tích cao nên đã chiếm lấy toàn bộ thời gian của bé cho chuyện học hành. Điều này khiến bé chịu nhiều áp lực, đồng thời sẽ bị tự ti, xấu hổ, sợ hãi khi không đạt được thành tích đã đặt ra. 

Ảnh hưởng từ hạnh phúc gia đình: Gia đình có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và tâm lý của các trẻ nhỏ. Tình trạng trầm cảm ở trẻ em có thể xuất phát từ việc gia đình không hạnh phúc, cha mẹ thường xuyên cãi vã, khiến bé chịu nhiều tổn thương về tâm lý. 

Bị áp đặt: Khi trẻ không được tự do phát triển, chịu nhiều sự áp lực của phụ huynh về vấn đề học tập, vui chơi, bạn bè cũng khiến cho bé bị ảnh hưởng không ít về tâm lý và hành vi. Khi tình trạng này kéo dài sẽ tạo cho bé một rào cản lớn về sự phát triển và các mối quan hệ xung quanh. 

Môi trường sống thay đổi: Nếu trẻ nhỏ thường xuyên bị thay đổi môi trường sống sẽ khiến cho bé khó có thể thích nghi tốt. Từ đó ảnh hưởng đến mối quan hệ bạn bè, chuyện học tập và cả tâm lý của trẻ. 

Các chấn thương ảnh hưởng về tâm lý: Một số chấn thương có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ nhỏ như thất bại trong học tập, gia đình tan vỡ, bị lạm dụng tình dụng…khiến cho trẻ có những suy nghĩ tiêu cực, không muốn giao lưu với mọi người. 

Di truyền: Thông nghiên cứu của các chuyên gia tại Mỹ thì ADN cũng là yếu tố có thể gây ra các căn bệnh trầm cảm. Hiện nay có khoảng hơn 40% các trường hợp trầm cảm ở trẻ em xuất phát từ ADN, chủ yếu rơi vào các trẻ từ 1 đến 6 tuổi. 

Các gien gây ra trầm cảm có vai trò làm giảm nồng độ chất dẫn truyền thần kinh serotonin ở não. Các gien này tồn tại ở những người bình thường, nhưng với số lượng ít nên không gây ra trầm cảm. Còn ở người bệnh, do số lượng gien quá nhiều khiến nồng độ serotonin ở khe sinap trong não rất thấp (chỉ bằng 50-70% của người bình thường), dẫn đến rối loạn dẫn truyền thần kinh trung ương, từ đó gây ra trầm cảm.

Theo nghiên cứu và thống kê của các chuyên gia thì yếu tố di truyền thường sẽ gặp ở các trẻ từ 1 đến 6 tuổi. Còn những trẻ từ khoảng 6 đến 12 tuổi sẽ thường bị trầm cảm bởi áp lực gia đình, học tập khiến cho cuộc sống của trẻ bị mất cân bằng, cảm xúc bị ảnh hưởng khiến bé không được thỏa mãn. 

Trầm cảm thể hiện qua các triệu chứng gì?

1.Mặt mất khí sắc

Trẻ có khí sắc giảm, rất đơn điệu, luôn buồn bã, các nếp nhăn giảm nhiều, thậm chí mất hết nếp nhăn. Một số trẻ than phiền rằng không còn nhiệt tình, không còn cảm giác gì, các em luôn trong tình trạng lo âu.

Một số trẻ than phiền các biểu hiện cơ thể gần đây như khó chịu trong người, đau đầu, đau vùng thượng vị, đau cơ, khớp... hơn là cảm giác buồn. Nhiều trẻ lại có trạng thái tăng kích thích như cáu gắt, dễ nổi khùng với một lỗi lầm nhỏ.  có thể xuất hiện hành vi liều lĩnh, sự thù địch và giận dữ.

2. Mất hứng thú

Trẻ không còn thích thú biểu hiện trong một mức độ nhất định. Trẻ cho rằng mình đã mất hết các sở thích vốn có như mất hứng thú với các trò chơi cùng bạn hoặc các hoạt động ở trường.

3. Chán ăn

Mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hoặc sút cân. Trẻ ăn rất ít, thậm chí trong các trường hợp nặng trẻ nhịn ăn hoàn toàn. Một số trẻ em lại ăn quá nhiều và tăng cân4.

4. Mất ngủ

Là triệu chứng khá phổ biến. Trẻ có thể mất ngủ trầm trọng, biểu hiện bằng khó vào giấc ngủ và dễ thức giấc. Thời lượng giấc ngủ của trẻ thấp hơn bình thường trên 2 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, có một số trẻ em lại ngủ quá nhiều (10-12 giờ hoặc hơn mỗi ngày).

5. Chậm chạp

Hoạt động chậm chạp (nói chậm, làm việc chậm), giọng nói nhỏ, nói ít, nội dung nghèo nàn, thậm chí không nói.

Trẻ em bị trầm cảm có thể nằm lỳ trên giường cả ngày mà không hoạt động gì.

6. Giảm sút năng lượng

Mệt mỏi và kiệt sức. Trẻ có thể than phiền mệt mỏi mà không có một nguyên nhân cơ thể nào. Hiệu quả học tập của trẻ bị giảm sút.

Triệu chứng của mệt mỏi biểu hiện bằng việc trẻ bỏ chơi cùng bạn, bỏ học hoặc nghỉ học thường xuyên.

7. Có cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi

Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi là rất hay gặp trong giai đoạn trầm cảm. Trẻ cho rằng mình là kẻ vô dụng, không làm nên trò trống gì. Trẻ có thể tự ti về bản thân

8. Khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định

Đây là triệu chứng rất hay gặp. Nhiều trẻ than phiền khó suy nghĩ, khó tập trung chú ý vào một việc gì đó. Trẻ cũng rất khó khăn khi cần đưa ra quyết định, trẻ thường phải cân nhắc rất nhiều thời gian với những việc thông thường.

9. Giảm trí nhớ

Trẻ có thể quên mình vừa làm gì. Trong khi đó, trí nhớ xa (ngày sinh, quê quán, các sự việc đã xảy ra từ lâu...) thì vẫn còn được duy trì tương đối tốt trong một thời gian dài.

10. Ý nghĩ muốn chết hoặc có hành vi tự sát

Rất nhiều trẻ em bị trầm cảm chủ yếu có ý nghĩ về cái chết, nặng hơn thì các cháu có thể có ý định tự sát hoặc hành vi tự sát. Lúc đầu trẻ nghĩ rằng bệnh nặng thế này thì chết mất. Dần dần, trẻ cho rằng chết đi cho đỡ đau khổ. Trẻ em có thể có thêm các hành vi báo hiệu có khả năng tự tử, chẳng hạn như tặng một bộ sưu tập yêu thích của mình cho người khác.