Tiêu điểm: Nhân Humanity

4 giai đoạn chăm sóc răng miệng cho trẻ để tránh các bệnh răng miệng

(VOH) - Để trẻ có hàm răng đẹp khi trưởng thành, thì việc chăm sóc răng miệng cần cả một quá trình mà không phải bậc cha mẹ nào cũng chú ý.

Nhiều trẻ em răng sữa rất đẹp và đều nhưng khi thay răng thì hàm răng lại không đều hoặc khấp khểnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và nó không chỉ phụ thuộc vào việc chăm sóc răng miệng, mà còn phụ thuộc vào thói quen của trẻ.

Bác sĩ Dương Minh Đạt chia sẻ thông tin về 4 giai đoạn chăm sóc răng miệng cho trẻ mà cha mẹ cần lưu ý:

* Giai đoạn sơ sinh (trước thời điểm mọc răng sữa đầu tiên): Cha mẹ cần vệ sinh sạch nướu răng bằng gạc thấm nước ấm nhằm làm sạch mảng bám thức ăn.

Cha mẹ có thể làm sạch nướu cho trẻ bằng gạc hoặc bàn chải mềm tập đánh răng (Ảnh: Ask the dentist) 

* Giai đoạn răng sữa: Trẻ cần chải răng ngay khi có răng sữa đầu tiên mọc lên. Cha mẹ có thể giúp trẻ làm sạch răng và cả nướu răng bằng bàn chải và kem đánh răng dành cho trẻ em.   

Chú ý kem đánh răng dành cho trẻ em là loại không chứa fluor hoặc nồng độ fluor thấp hơn của người lớn, không vị cay.

Giai đoạn đầu bố mẹ giúp bé chải răng, sau đó hướng dẫn bé chải, cho phép bé tự chải và kiểm tra lại bé chải có tốt không. Cách chải răng chủ yếu là xoay tròn bàn chải (chứ không phải kéo bàn chải ngang qua hai bên như mọi người thường làm).

Giai đoạn này, cha mẹ hạn chế cho trẻ bú bình để tránh tình trạng sâu răng; theo dõi và nhắc nhở bé hạn chế các thói quen xấu như mút ngón tay, đẩy lưỡi chen vào giữa hai hàm răng khi nói chuyện, hay thở miệng. Nên cho bé khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm các thói quen xấu.

Để kiểm tra vị trí răng trẻ có đúng hay không, cha mẹ nên đưa bé đến nha sĩ ngay khi mọc các răng sữa đầu tiên để phát hiện các sai lệch răng và xương hàm.

* Giai đoạn răng hỗn hợp (từ khi bắt đầu thay răng đến khi hoàn tất mọc răng vĩnh viễn - trừ răng số 8): ngoài việc chăm sóc răng như trên, trẻ nên khám răng định kỳ 6 tháng một lần đối với những bé vệ sinh răng tốt và 3 tháng một lần đối với những bé răng kém hơn để bác sĩ nha khoa theo dõi tình trạng răng cho trẻ và điều trị kịp thời.

* Giai đoạn răng vĩnh viễn: chải răng bằng bàn chải và kem đánh răng của người lớn, chuyển đổi cách chải răng thích hợp hơn cách xoay tròn. Có thể tập cho trẻ sử dụng chỉ nha khoa để lấy thức ăn thừa và quét sạch các mảng bám trong kẽ răng… mà không làm tổn hại tới răng và nướu. Đồng thời, cần theo dõi các răng sâu để có hướng điều trị thích hợp.

Những điều cần lưu ý khi chăm sóc răng miệng cho trẻ: 

- Nguồn nước sử dụng: đa số nước máy tại các thành phố đã có sẵn fluor, nhưng nếu dùng nước giếng thì cần cân nhắc và tham khảo ý kiến của bác sĩ.

- Bé tự chải răng đúng cách và đúng thời điểm là sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ.

 (Ảnh: Gizmodo Australia)

- Phát hiện sớm các bất thường về răng và điều trị sớm. Thông thường, điều trị chỉnh hình răng - xương cho trẻ có thể bắt đầu ngay từ lúc răng cửa vĩnh viễn mọc, một số trường hợp cần điều trị sớm hơn (can thiệp lúc răng sữa mới mọc). Nên cho bé khám răng ngay khi các răng sữa đầu tiên mọc để phát hiện sớm các bất thường về răng và xương hàm.

- Loại bỏ các thói quen xấu của trẻ như mút tay, đẩy lưỡi, thở miệng.

- Tại nước ta, việc chăm sóc răng miệng và khám nha khoa định kỳ chưa phổ biến. Tuy nhiên, việc thăm khám thường xuyên từ 3-6 tháng/lần sẽ giúp các bác sĩ theo dõi sự phát triển răng của trẻ chặt chẽ hơn, giúp bé có hàm răng đều đẹp khi trưởng thành, và quan trọng nhất là gần như tất cả các bệnh lý về răng miệng sẽ được kiểm soát tốt.

 

 

 

 

Bình luận