Tiêu điểm: Nhân Humanity

4 trường hợp trẻ bệnh tay chân miệng nặng do EV71 được cứu sống

VOH - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) tuần qua tiếp nhận 4 trường hợp trẻ bệnh tay chân miệng nặng, đều có xét nghiệm PCR phết họng trực tràng có kết quả nhiễm EV71.

Trường hợp thứ nhất bé N. T. Đ. (17 tháng tuổi ngụ Đồng Tháp). Trước khi vào viện, bé bị bệnh 4 ngày, sốt buồn nôn, ói, nổi hồng ban mụn nước ở lòng bàn tay chân, sốt giật mình chới với, trợn mắt run chi. Bệnh viện địa phương chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 3, điều trị theo phác đồ tình trạng không cải thiện nên chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bé có biểu hiện lơ mơ mê, mạch nhẹ chi mát da nổi bông, sốt cao liên tục, được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 4, xét nghiệm men tim tăng cao, men gan tăng nhẹ, toan chuyển hóa nặng.

Các bác sĩ đã xử trí đặt nội khí quản giúp thở, truyền thuốc, hạ sốt tích cực, tình trạng không cải thiện được tiến hành lọc máu liên tục. Kết quả sau 2 ngày điều trị tình trạng trẻ có cải thiện bớt sốt, huyết động ổn định, được tiếp tục theo dõi điều trị tích cực

tay chân miệng
Bệnh nhi 17 tháng tuổi được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng độ 4 - Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

Trường hợp thứ hai, là bé V. N. M. Ch. (26 tháng tuổi, ngụ ở An Giang). Bé bị bệnh 3 ngày với các triệu chứng sốt, nổi hồng ban mụn nước ở lòng bàn tay chân, giật mình chới với.

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bé biểu hiện lừ đừ, sốt cao liên tục, thở rút lõm ngực, được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 3, xử trí đặt nội khí quản giúp thở, truyền thuốc... Kết quả sau 2 ngày điều trị tình trạng trẻ có cải thiện bớt sốt, nhịp tim giảm còn 136-140 lần/phút, huyết động ổn định.

Hai trường hợp khác là bé Ng. Tr. H. Ph. (3,5 tuổi ngụ tại An Giang) và bé Đ. Ng. T. V. (3 tuổi ngụ quận Tân Phú, TPHCM) nhập viện đều trong tình trạng nặng, đã được các bác sĩ điều trị kịp thời.

Bác sĩ CK2 Nguyễn Minh Tiến - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khuyến cáo, các phụ huynh cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện để được điều trị kịp thời khi thấy trẻ có biểu hiện sốt, nổi hồng ban mụn nước ở tay chân mông gối, loét miệng; thêm một trong các triệu chứng giật mình chới với, ói nhiều, sốt cao khó hạ, thở bất thường, run tay chân, đi loạng choạng, ngồi không vững, nuốt khó, da nổi bông (vân tím), xanh tái, lơ mơ, co giật…

Hầu hết các trường hợp bị bệnh tay chân miện sẽ tự khỏi do cơ thể có khả năng sản xuất ra kháng thể chống lại virus, nhưng nếu tác nhân gây bệnh là virus Enterovirus 71 (EV71) thì có khả năng bệnh diễn biến phức tạp và nặng nề hơn, nhất là khi virus có ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương khả năng sẽ gây ra bệnh viêm màng não điển hình với triệu chứng cơ bản là sốt cao, nhức đầu, cứng cổ, buồn nôn, nôn vọt.

Bình luận