Tiêu điểm: Nhân Humanity

6 thói quen hàng ngày gây nguy hại cho sức khỏe của bạn

(VOH) - Những thói quen hàng ngày tưởng chừng vô hại nhưng nó lại là tác nhân gây ra rất nhiều bệnh tật, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe con người.

1- Đựng thức ăn trong hộp nhựa

Các loại hộp nhựa sau một thời gian sử dụng và dùng chất tẩy rửa để làm sạch thường để lại vết trầy xước hay ngả màu. Đây nơi tích tục các vi khuẩn, vi trùng gây hại cho sức khỏe dẫn đến người tiêu dùng có thể bị nhiễm độc, hay mắc bệnh về đường ruột…

Ngoài ra, ở các hộp nhựa làm từ nhựa kém chất lượng còn sản sinh chất độc BPA (đây là những chất có thể gây ra một số bệnh nguy hiểm như: tiểu đường, vô sinh, béo phì, ung thư…).

Không sử dụng hộp đựng thực phẩm bằng nhựa hơn 5 tháng, và tránh sử dụng chúng trong lò vi sóng.

2 - Dép Crocs

Bạn không nên mang dép Crocs lâu bởi đế của loại dép này không đủ chắc chắn. Khi gót chân không ổn định, các ngón chân phải cố bám xuống, có thể dẫn đến viêm gân, làm xấu đi các dị tật chân, gây ra các vấn đề cho móng chân hay làm chai sạn ngón chân.

3 - Mascara

Rất nhiều bạn có thói quen chuốt mascara ngay cả khi ở ngoài đường, trên xe bus hay ở những nơi công cộng khác… Ngoài ra, chúng ta cũng thường sử dụng chung mascara với người khác mà không hề để ý đến tác hại của nó.

Chính những điều này đã tạo điều kiện cho bụi, vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh cho mắt. Không chỉ thế, việc chiếc chổi mascara sử dụng nhiều lần mà không được vệ sinh cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, mang nhiều mầm bệnh nguy hiểm: có thể gây ngứa, chảy nước mắt, đỏ mắt, đau rát, nhiễm khuẩn, viêm bờ mi... Thậm chí còn dẫn đến các căn bệnh về mắt và giác mạc. Nhiều loại mascara có chứa paraphenylenediamine (PPD) và coal tar (chất than dùng làm thuốc nhuộm) có khả năng gây dị ứng mạnh và ẩn chứa nguy cơ ung thư.

4 - Chảo không dính

Hiện nay, trên thị trường có bán nhiều nhiều dụng cụ nấu ăn có tráng lớp chống dính. Theo chuyên gia về hóa học, chất chống dính bản chất hóa học là một loại polyme chịu nhiệt. Bản chất polyme là không gây độc, nhưng nếu nó bị tác động của nhiệt quá cao gây cháy, phân hủy thì sẽ sản sinh ra chất gây độc (vì vậy khổng để chảo ở nhiệt độ cao khi chưa có đồ ăn). Dùng lâu ngày, chất độc sẽ bị tích lũy trong cơ thể gây tức ngực, khó thở, thậm chí còn có khả năng gây ung thư và sẩy thai.

Chảo cần thay mới khi lòng chảo bị trầy xước hoặc dính thức ăn, thường là 1-2 năm sử dụng, hoặc 3 năm nếu lớp chống dính vẫn được bảo toàn.

5 - Xà phòng kháng khuẩn

Triclosan có tác dụng diệt khuẩn và diệt vi nấm, đây là thành phần chính trong xà phòng kháng khuẩn trong gia dụng. Lượng triclosan an toàn sử dụng trong xà phòng 1 - 0.3% nhưng thực tế cao hơn rất nhiều. Độc tính của triclosan được cảnh báo tương đương một loại thuốc trừ sâu, có thể ảnh hưởng đến các hormone của cơ thể, đặc biệt là hormone tuyến giáp (có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất). Nếu người dùng tiếp xúc lâu dài, sẽ có nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe. 

6 - Cách đi vệ sinh

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, không phải ai cũng ngồi đúng tư thế khi đi đại tiện. Khi bạn ngồi sai tư thế, điểm kết nối giữa đại tràng và hậu môn sẽ bị "chặn" lại, khiến bạn không thể thông tiện, dẫn đến táo bón.

Việc bạn cần, có lẽ là phải sắm ngay một chiếc ghế con để trong nhà vệ sinh nếu gia đình bạn đang dùng loại bệ xí phổ biến hiện nay.

Bình luận