Chờ...

7 loại thực phẩm thích hợp trong bữa sáng

(VOH) - Bữa sáng quan trọng nhất trong ngày. Để cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng và năng lượng đầy đủ, chúng ta nên chọn một số thực phẩm bổ dưỡng và lành mạnh.

Sau đây là 7 loại thực phẩm thích hợp cho bữa sáng:

1. Sữa đậu nành

Ảnh minh họa: internet

Uống sữa đậu nành giúp cải thiện lipid (mỡ), bảo vệ các mạch máu, ngăn chặn nguy cơ đột quỵ; ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt; giảm nguy cơ ung thư vú; ngăn ngừa các triệu chứng tiền mãn kinh và cải thiện bệnh loãng xương…Bạn có thể sử dụng dòng sản phẩm sữa đậu nành giàu đạm có bổ sung vitamin D và canxi hỗ trợ hệ xương, giúp cơ thể luôn dẻo dai, giữ cho mỗi ngày luôn năng động.

2. Trứng

Ảnh minh họa: internet

Một quả trứng luộc chín kỹ là món ăn sáng tuyệt vời. Mỗi quả trứng chỉ chứa 72 calo và 8g protein nên việc chọn trứng  thay các thực phẩm chứa nhiều hyđrat cácbon tinh chế sẽ giúp bạn cảm thấy no và tràn đầy năng lượng cho cả buổi sáng.

3. Bánh mì lúa mạch

Ảnh minh họa: internet

Nhiều người thường chọn bánh mì cho bữa sáng, nhưng tốt nhất nên chọn bánh mì lúa mạch vì lúa mạch được chứng minh làm giảm lượng đường trong máu, giúp kiểm soát mức độ insulin. Chỉ cần một miếng bánh mì có chứa lúa mạch có thể cung cấp lên đến 25% lượng chất xơ cần thiết hàng ngày.

4. Yến mạch

Ảnh minh họa: internet

Yến mạch chứa một hàm lượng cao chất xơ có tác dụng kiểm soát nồng độ cholesterol giúp ngăn chặn hiệu quả sự lão hoá. Ngoài ra, với thành phần axit béo omega-3, folate và kali, yến mạch còn có tác dụng điều hoà tốc độ giải phóng carbohydrate, ngăn chặn sự tăng đột biến insulin.Vì vậy, thưởng thức bữa sáng với yến mạch có thể giúp tái tạo tế bào mới và làm giảm nếp nhăn.

5. Chuối

Ảnh minh họa: internet

Chuối được biết đến như một loại “thực phẩm có năng lượng cao”. Trong chuối chứa một số lượng lớn chất béo, dễ dàng hấp thụ bởi cơ thể con người. Chuối cũng giàu kali, giúp duy trì chức năng bình thường của cơ bắp và dây thần kinh, nhưng nó không thể lưu giữ thời gian dài trong cơ thể. Sau khi tập thể dục, cơ thể sẽ tiêu thụ một lượng lớn kali. Các nghiên cứu chỉ ra, thiếu hụt kali có thể gây đau cơ, nhịp tim không đều, phản ứng chậm… Trong trường hợp này, bạn có thể ăn chuối để cung cấp đủ kali cho cơ thể.

6. Dâu

Ảnh minh họa: internet

Dâu tây giàu sinh tố A, B1, B2 và đặc biệt là lượng sinh tố C khá cao, hơn cả cam, dưa hấu. Tính ưu việt của quả dâu tây giúp tăng sức đề kháng chống nhiễm trùng, nhiễm độc, cảm cúm và chống stress, chống lão hóa…

7. Sữa chua

Ảnh minh họa: internet

Sữa chua hay yaourt thực chất là sữa bò tươi được lên men với các vi khuẩn có lợi cho đường ruột, giúp bảo vệ hệ tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng. Sữa chua có giá trị dinh dưỡng cao, chứa đầy đủ các chất protein (với nhiều axit amin cần thiết, nhất là lisin), glucid, lipid, các muối khoáng (nhất là canxi) và vitamin, chủ yếu là vitamin nhóm B và A.

Nhiều nghiên cứu khoa học gần đây cho biết ăn sữa chua hằng ngày sẽ mang đến làn da tươi sáng, mịn màng và có độ đàn hồi cao. Người ta tìm thấy gần như đầy đủ trong sữa chua các dưỡng chất cần thiết cho da, đó là vitamin A, B, D… và chất khoáng. Các chất canxi và sắt có nhiều trong sữa chua có tác dụng ngăn ngừa thiếu máu, giúp da hồng hào, trẻ đẹp.