Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, việc hạn chế thịt đỏ và tăng cường ăn ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu cũng như nhiều loại trái cây và rau nhiều màu sắc có thể làm giảm cholesterol và nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ngăn ngừa bệnh tiểu đường type 2 và thậm chí kéo dài tuổi thọ.
Tuy nhiên, khi nói đến việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường, những lợi ích đó chỉ có thể thể hiện nếu chế độ ăn dựa trên thực vật là chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế thực phẩm được chế biến nhiều hoặc chứa nhiều đường, theo một nghiên cứu mới phân tích 206 loại thực phẩm khác nhau.
Xem thêm: 7 kiểu ăn kiêng sai lầm nhiều người mắc phải khi giảm cân
Phân tích kéo dài 12 năm về mô hình chế độ ăn uống của hơn 113.000 người tham gia nghiên cứu Biobank của Anh, đã xếp mọi người thành bốn nhóm dựa trên lượng trái cây tươi, rau và ngũ cốc nguyên hạt mà họ ăn.
Những người trong top 25% chủ yếu ăn chế độ ăn dựa trên thực vật, ít đồ ngọt, món tráng miệng, ngũ cốc tinh chế và đồ uống có đường.
Những người ở nhóm 25% dưới cùng tiêu thụ nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật không tốt cho sức khỏe hơn.
Theo nghiên cứu được công bố hôm 19/12 trên tạp chí Diabetes & Metabolism, so với những người ở mức thấp nhất, những người ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả tươi nhất và hạn chế ăn các lựa chọn không lành mạnh đã giảm 24% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Những người có chế độ ăn uống lành mạnh nhất cũng có chỉ số khối cơ thể và chu vi vòng eo thấp hơn, cũng như lượng đường trong máu tốt hơn và mức độ viêm thấp hơn.
Nghiên cứu này cũng mở rộng cho những người có khuynh hướng di truyền mắc bệnh tiểu đường và những người có các yếu tố nguy cơ khác mắc bệnh tiểu đường như béo phì.
Tác giả Alysha Thompson, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại trường Đại học California cho biết: “Những dữ liệu này thực sự quan trọng, đặc biệt đối với những người được cho là có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường type 2 vì nó chứng tỏ, họ có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh bằng cách tuân theo chế độ ăn thực vật lành mạnh”.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy những người ăn chế độ ăn thực vật ít lành mạnh nhất có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn 37%, cùng với vòng eo lớn hơn và mức chất béo trung tính cao hơn, một dạng cholesterol.
Trên thực tế, béo phì là “nhân tố trung gian chính gây nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn ở những người theo chế độ ăn không lành mạnh dựa trên thực vật” - đồng tác giả Tilman Kühn, giảng viên Viện An ninh lương thực toàn cầu tại Đại học Queen's Belfast và Chủ tịch khoa dinh dưỡng sức khỏe cộng đồng tại Đại học Queen's Belfast - cho biết.
Đồng tác giả Aedín Cassidy, giáo sư tại Viện An ninh lương thực toàn cầu của Đại học Queen Belfast cho biết: “Lần đầu tiên chúng tôi chứng minh được rằng, những cải thiện trong cả quá trình trao đổi chất cũng như chức năng của gan và thận nhờ chế độ ăn thuần thực vật lành mạnh. Điều này có thể giải thích tại sao chế độ ăn này có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2”.