Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa Folasade May, phó giáo sư tại Trường Y khoa David Geffen thuộc Đại học California, Los Angeles cho biết, đó là một quan niệm sai lầm và “thực sự không có số lần đi tiêu cố định hay bình thường”.
Tiến sĩ Michael Camilleri, chuyên gia tư vấn và giáo sư khoa tiêu hóa và gan tại Phòng khám Mayo ở Minnesota cho biết, quan niệm đi ị mỗi ngày một lần có lẽ bắt nguồn từ niềm tin thời Victoria rằng đi tiêu hàng ngày giúp bạn khỏe mạnh hơn.
Tuy nhiên theo May, điều này ‘không cần thiết’. May cho biết: “Hầu hết mọi người sẽ đi cầu từ 3 lần một ngày đến 3 lần một tuần. Trong phạm vi đó, chúng tôi coi là bình thường”.

Khi nói đến nhu động ruột như một thước đo sức khỏe, tần suất không phải là yếu tố quan trọng duy nhất.
Tiến sĩ Trisha Pasricha, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và là giảng viên y khoa tại Trường Y Harvard cho biết, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến tần suất chúng ta đi ị, bao gồm chế độ ăn uống, bù nước, căng thẳng, tuổi tác, sử dụng thuốc và hoàn cảnh xã hội.
Giống như việc chúng ta cần có những lựa chọn đúng đắn để có được giấc ngủ ngon, chúng ta cần có những lựa chọn thức ăn và đồ uống khôn ngoan để giữ cho ruột khỏe mạnh.
Các chuyên gia cho biết, ăn đủ chất xơ từ rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt có thể giúp ngăn ngừa táo bón. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, tổng lượng chất xơ nên có ít nhất 25 gam mỗi ngày.
Các chuyên gia cho biết, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, kiwi và mận khô có thể đặc biệt hữu ích trong việc giảm táo bón. Nhưng các chuyên gia cho biết, đừng ăn quá nhiều chất xơ, vì điều đó có liên quan đến chứng đầy bụng hoặc đi ngoài phân lỏng…
Chuyển động cũng quan trọng. May cho biết, nhiều người ở Mỹ có lối sống ít vận động, nhưng tập thể dục giúp xoa bóp đường tiêu hóa và di chuyển thức ăn, thúc đẩy quá trình đi ngoài.