Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết bệnh nhân N.X.H. nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau nhức cơ và các khớp tay chân, đau lưng, có vết thương sưng mưng mủ ở ngón trỏ tay trái, khó thở…
Bệnh nhân H. cho biết trước đó khoảng một tuần bị mèo cắn vào ngón trỏ tay trái. Cho rằng mèo đã tiêm phòng nên anh không rửa tay, sát trùng vết thương. Sau khi bị cắn chưa đầy 2 tiếng, ngón tay của anh H. sưng đỏ, có mủ, đau nhức, thi thoảng cơ ngón tay giật liên hồi.
Bệnh nhân đợi đến sáng hôm sau mới đi tiêm vaccine phòng bệnh dại và uốn ván, mua thuốc kháng sinh uống. Sau khi tiêm và uống thuốc, tình trạng sưng có giảm nhưng ngón tay vẫn đau nhức. Ba ngày sau đó, bệnh nhân H. sốt nhẹ, ban đêm sốt lên cao hơn kèm đau nhức toàn thân. Anh H. uống thuốc hạ sốt, sau đó được người nhà đưa đến bệnh viện.
Dựa vào thông tin người bệnh đã tiêm phòng dại, uốn ván và con mèo cắn bệnh nhân cũng đã được tiêm phòng, bác sĩ đánh giá khả năng người bệnh bị nhiễm trùng huyết do vi khuẩn hoặc virus tấn công, chưa loại trừ nhiễm Bartonella - là vi khuẩn gram âm thường xuất hiện ở người bị mèo cào hoặc cắn.
Để tránh tình trạng nhiễm trùng diễn tiến xấu, ngay lập tức bệnh nhân được điều trị bằng truyền kháng sinh, truyền dịch, thở oxy; đồng thời, bệnh nhân được cấy máu, xét nghiệm chức năng gan thận, đông máu.
Kết quả cấy máu phát hiện anh N.X.H nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người” Burkholderia Pseudomallei, gây ra bệnh Whimore khiến nhiễm trùng nặng, chức năng gan và thận giảm, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu. Đồng thời xác định anh H. bị tiểu đường type 2.
Ngày thứ 2 sau khi nhập viện, bệnh nhân được chỉ định thay huyết tương cấp cứu. Chỉ sau thay huyết tương 1 lần (phương pháp ly tâm công nghệ Mỹ) tình trạng bệnh nhân đã ổn định hơn, các chỉ số xét nghiệm viêm hay chức năng cơ quan dần hồi phục.
Sau 5 ngày điều trị tại khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, anh N.X.H thoát khỏi nguy cơ sốc nhiễm trùng, suy đa tạng do “vi khuẩn ăn thịt người”; đồng thời chức năng gan, thận, khả năng đông máu… đều phục hồi tốt nên được xuất viện.