Chờ...

Bị viêm dạ dày ruột nên ăn gì?

VOH - Cuối năm là mùa tiệc tùng tất niên, không khí ăn uống liên hoan sôi nổi tràn ngập các hàng quán, nhà hàng, khu ăn uống chợ đêm và tiệc tại gia.

Không may bị viêm dạ dày ruột cấp tính do tham dự tiệc tùng nhiều và ăn uống nhiều cuối năm thì phải làm sao? Lúc này, mọi người chỉ có thể ăn cháo trắng, bánh mì sandwich và chuối thôi sao?

Các chuyên gia dinh dưỡng nói, khi mắc bệnh viêm dạ dày ruột, mọi người chỉ cần tuân thủ nguyên tắc ăn uống nhẹ nhàng, ít chất xơ, dễ tiêu hóa, ít gây kích ứng cho đường ruột.

Đồng thời, mọi người cũng có thể lựa chọn đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và đẩy nhanh quá trình bình phục.

Bị viêm dạ dày, ruột nên ăn gì? 1
Các triệu chứng của viêm dạ dày ruột chủ yếu là tiêu chảy và ói mửa - Ảnh: TVBS

Viêm dạ dày ruột có thể chia thành hai loại

Trần Di Đình, chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) cho rằng, viêm dạ dày ruột có thể được chia thành hai loại là “viêm dạ dày ruột do vi khuẩn” và “viêm dạ dày ruột do virus”, các triệu chứng của chúng chủ yếu là tiêu chảy và ói mửa.

Viêm dạ dày ruột do vi khuẩn là do nhiễm vi khuẩn, nguyên nhân có thể là do thực phẩm hoặc nước uống không bảo đảm an toàn vệ sinh.

Còn viêm dạ dày ruột do virus thường là do virus norovirus, adenovirus… gây ra, cũng có thể do ăn phải thực phẩm và nước uống bị nhiễm virus hoặc tiếp xúc với người bệnh mà mọi người sẽ bị nhiễm bệnh.

Những điểm cần chú ý trong chế độ ăn của người bị viêm dạ dày ruột

Chuyên gia dinh dưỡng Trần Di Đình cho biết, có 3 điểm cần chú ý trong việc điều chỉnh chế độ ăn uống khi bị viêm dạ dày ruột:

Bổ sung thêm nước

Nếu xảy ra các triệu chứng như tiêu chảy, ói mửa, mất nước… thì mọi người cần bổ sung thêm một lượng nước cần thiết. Trong đó, trẻ em từ 7 đến 12 tuổi nên uống 50 đến 60 ml cho mỗi kg trọng lượng cơ thể, thanh thiếu niên từ 13 đến 18 tuổi, người lớn trên 19 tuổi và người già nên uống 30 ml đến 35 ml trên mỗi kg trọng lượng cơ thể.

Ăn nhiều bữa nhỏ và thường xuyên

Mọi người có thể chia nhỏ lượng thức ăn cần thiết trong ngày để làm sao  “ăn nhiều bữa”, làm sao cho các loại và tổng lượng thức ăn không thay đổi, có thể đổi 3 bữa một ngày thành 4 đến 6 bữa, hoặc có thể ăn nhiều bữa hơn.

Giảm kích ứng đường tiêu hóa

Thực phẩm có hàm lượng chất xơ quá cao sẽ thúc đẩy nhu động ruột và làm bệnh tiêu chảy nặng hơn. Trong khi thực phẩm có hàm lượng chất xơ thấp, dễ tiêu hóa có thể làm giảm lượng cặn bả còn sót lại trong ruột. Mọi người có thể đợi đến khi triệu chứng thuyên giảm rồi mới tăng dần lượng chất xơ hấp thu vào.

Những thực phẩm người bị viêm dạ dày ruột nên tránh xa

Chuyên gia Trần Di Đình cho biết, các sản phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa chua, sữa chua, phô mai… là những thực phẩm có chất cặn bả cao và không thích hợp để tiêu thụ khi bị viêm dạ dày ruột. Thay vào đó, mọi người có thể chọn các sản phẩm không chứa đường lactose, không bổ sung thêm chất xơ hoặc thực phẩm bổ sung dinh dưỡng dạng chất lỏng trong suốt.

Người bị viêm dạ dày ruột cũng nên tránh ăn các loại thực phẩm nhiều chất béo, nhiều đường, hạn chế ăn đồ cay nồng, nhiều gia vị, đồ uống có ga, rượu bia…

Chuyên gia Trần Di Đình cũng nhắc nhở, mọi người nên bổ sung muối khi nấu ăn để tránh mất cân bằng điện giải.