Theo dữ liệu từ Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, từ ngày 2/9/2024 đến 26/1/2025, nước này đã ghi nhận khoảng 9,5 triệu ca mắc cúm mùa. Đặc biệt, trong tuần cuối cùng của năm 2024 (từ 23-29/12), số ca nhiễm mới đạt hơn 317.000 trường hợp, đánh dấu mức cao nhất trong 25 năm qua.
Các khu vực đông dân cư và có nhiều điểm du lịch như Tokyo, Hokkaido, Osaka và Fukuoka là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đợt bùng phát này chủ yếu do virus cúm A gây ra, tuy nhiên, vẫn tồn tại nguy cơ lây lan của virus cúm B.
Không chỉ tại Nhật Bản, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vào thời điểm cuối năm, nhiều quốc gia ở Bắc bán cầu cũng ghi nhận sự gia tăng các bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính. Nguyên nhân chính là do các tác nhân gây bệnh như virus cúm mùa, RSV và các virus phổ biến khác như hMPV, mycoplasma pneumoniae.

Bộ Y tế Việt Nam nhấn mạnh sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh trong và ngoài nước để chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng chống kịp thời.
Đồng thời, Bộ cũng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, đeo khẩu trang tại nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng và hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh khi không cần thiết.
Việc tiêm vắc-xin cúm mùa cũng được khuyến nghị để tăng cường phòng bệnh.
Ngoài ra, Bộ Y tế khuyến cáo người dân duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tăng cường vận động thể lực để nâng cao sức khỏe và ngăn ngừa nhiễm virus cúm.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân nên liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn và khám chữa kịp thời, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà.