"Tuyệt đối không đưa người nhà, người thân, người quen vào danh sách này, chỉ có các thầy thuốc, nhân viên y tế làm việc trực tiếp" – PGS. TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, bản thân các chuyên gia ở Tiểu ban Điều trị, cán bộ Cục Quản lý Khám chữa bệnh của Bộ Y tế thường xuyên tiếp xúc với các bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 cũng sẵn sàng xin không tiêm vắc xin trong đợt đầu, dành ưu tiên cho các y bác sĩ, nhân viên y tế tại các cơ sở trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19.
Cục trưởng Lương Ngọc Khuê yêu cầu, các bệnh viện phải làm hết sức nghiêm túc, cố gắng tối đa để xảy ra sai sót.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, do số lượng vắc xin lần này sẽ triển khai tiêm từ thứ 2 ngày 8/3, có số lượng hạn chế nên các địa phương đã được phân bổ vắc xin, cụ thể là 13 địa phương có bệnh nhân COVID-19 và các bệnh viện, cơ sở điều trị cần thực hiện nghiêm theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.
“Có như vậy mới tạo được niềm tin khi triển khai tiêm chủng và đảm bảo được công bằng trong tiếp cận vắc xin theo đề nghị của Tổ chức y tế thế giới, UNCEF và COVAC”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Các địa phương chưa được phân bổ cần tiếp tục chuẩn bị kế hoạch, chương trình đào tạo, tập huấn. Bộ Y tế đang tích cực phối hợp với COVAC và đề nghị chuyển vắc xin về Việt Nam sớm nhất có thể. Trong tháng 3 này, sẽ có thêm 1,3 triệu liều vắc xin của COVAC về Việt Nam. Từ tháng 4, tháng 5 sẽ có nguồn vắc xin dồi dào hơn.
Bộ Y tế đã đàm phán COVAC đã đồng ý cung ứng 30 triệu liều và AstraZeneca đã đồng ý cung ứng 30 triệu liều vắc xin trong năm nay. Bộ Y tế đã đề nghị nhà sản xuất chuyển vắc xin về Việt Nam trước tháng 9/2021.
Đồng thời, Bộ Y tế đang đàm phán tiếp tục với Pfizer để sớm có 30 triệu liều vắc xin Covid-19.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang đàm phán với các hãng khác để sớm có được lượng vắc xin cần thiết.