Nhận biết những nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và thực hiện các biện pháp điều chỉnh và phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe của bạn. Dưới đây là các thói quen làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Bỏ bữa sáng
Khi nhịn ăn kéo dài, cơ thể sử dụng năng lượng thông qua quá trình phân giải lipid (tổng hợp và phân giải chất béo trong cơ thể).
Người bỏ ăn sáng có nồng độ axit béo tự do trong máu cao hơn người ăn sáng đều đặn. Nồng độ axit tự do trong máu tăng cao ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa glucose bằng cách làm gián đoạn tín hiệu thụ thể insulin ở cơ xương và gan, lâu dần gây ra tình trạng kháng insulin, tăng nguy cơ tiểu đường.
Hút thuốc và uống rượu
Hút thuốc lá và uống rượu quá nhiều có liên quan trực tiếp đến các bệnh tim, cholesterol cao, huyết áp cao và cả bệnh tiểu đường.
Hút thuốc lá gây tác động lên mạch máu, làm hẹp động mạch, khiến người bệnh dễ bị đau tim. Nó cũng làm tăng nguy cơ kháng insulin dẫn đến bệnh tiểu đường.
Uống quá nhiều rượu sẽ làm phát sinh gan nhiễm mỡ, do đó có thể dẫn đến kháng insulin và bệnh tiểu đường.
Thức khuya, ngủ không đủ giấc
Thói quen này làm tăng đường huyết do tăng đề kháng insulin - giai đoạn đầu tiên của quá trình rối loạn đường huyết ở người bình thường.
Người thường ngủ không đủ giấc dễ bị tăng tiết ghrelin (hormone gây cảm giác đói) và giảm tiết leptin (hormone tạo cảm giác no), khiến thèm ăn, muốn ăn khuya, dễ thừa cân béo phì - yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Ít vận động
Các nghiên cứu đã chứng minh lợi ích của việc tập thể dục đối với sức khỏe hệ hô hấp tốt cho tim mạch.
Vận động thường xuyên không chỉ giúp trì hoãn sự khởi phát của bệnh tiểu đường mà còn giúp duy trì lượng đường ổn định ở bệnh nhân tiểu đường. Thời gian khuyến nghị tập thể dục là ít nhất 150 phút/tuần, tập ít nhất 5 ngày/tuần.
Ăn nhiều thức ăn nhanh
Thức ăn nhanh thường tẩm ướp nhiều gia vị, chế biến qua nhiều công đoạn, nhiều dầu mỡ dễ làm tăng cân, béo phì, dư thừa mỡ trong cơ thể, nhất là mỡ nội tạng.
Tiêu thụ nhiều sản phẩm có đường, tinh bột
Tinh bột và đường khi hấp thụ được chuyển hóa thành glucose (đường) trong máu. Ăn càng nhiều thực phẩm có chứa nhiều đường và tinh bột làm tăng lượng đường trong máu, dễ bị tiểu đường hơn.
Ăn nhiều calo
Tiêu thụ quá nhiều calo sẽ dẫn đến tăng cân và khiến một người dễ mắc bệnh tiểu đường type 2. Lượng calo cần được tiêu thụ tương ứng với sự vận động hàng ngày, tùy thuộc vào công việc mà mỗi cá nhân thực hiện.
Do đó, lượng calo cần thiết sẽ ít hơn ở những người ít hoạt động và họ phải theo dõi lượng thức ăn ăn vào sao cho phù hợp.