Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cập nhật dịch COVID-19 ngày 10/10: Sáng cuối tuần không có ca mắc mới

(VOH) - Bộ Y tế sáng nay (10/10) thông báo không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.

Tính đến 6h ngày 10/10, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.

Còn tính riêng từ 18h ngày 09/10 đến 6h ngày 10/10 chúng ta không ghi nhận ca mắc mới nào.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 15.777 ca, trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 281 trường hợp, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 12.910 trường hợp, cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 2.586 ca.

 

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, số ca âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 là 5 ca, lần 2 là 7 ca và lần 3 là 5 ca.

Như vậy, từ đầu dịch COVID-19 đến nay, Việt Nam ghi nhận 1.105 ca mắc COVID-19, trong đó, 1.024 ca đã được điều trị khỏi, 35 ca tử vong.

 

Trước đó, Chiều 9/10, Bộ Y tế thông báo ghi nhận thêm 5 ca mắc mới COVID-19, đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay tại tỉnh Đồng Tháp. Các bệnh nhân này đều là chuyên gia làm việc tại Công ty TNHH Dầu gạo Sethia Hemraj. Ngày 6/10/2020, 5 người này từ Ấn Độ nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay 6E9471, được chuyển đến cách ly tập trung tại Trường Quân sự tỉnh Đồng Tháp. Ngày 7/10/2020, các bệnh nhân được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cần Thơ lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với virus SAR-CoV-2.

Hiện tại các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

* Tình hình dịch bệnh tại các nước châu Âu tiếp tục phức tạp,  nhiều nước phải áp đặt các biện pháp chống dịch hoặc đóng cửa biên giới. Chẳng hạn như Chính phủ Tây Ban Nha đã tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Madrid và vùng phụ cận, thực hiện lệnh phong tỏa từng phần để kiềm chế dịch bệnh lây lan. Bộ trưởng Y tế Pháp kêu gọi người dân đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập nơi công cộng để tránh trầm trọng thêm tình hình.

Điều đáng lo ngại khác, tổ chức Di cư quốc tế (IOM) của Liên hiệp quốc vừa đưa ra cảnh báo việc các nước đóng cửa biên giới và cấm đi lại đã khiến 2,75 triệu người di cư bị mắc kẹt tại nước ngoài. Họ phải đối mặt với nhiều vấn đề về an ninh, lương thực. Những người này gồm người lao động thời vụ, người tạm trú, du học sinh, người ra nước ngoài để chữa bệnh và các thuyền viên.

Bình luận