Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cây húng chanh (tần dày lá) và những công dụng chữa bệnh

(VOH) - Không chỉ là loại rau gia vị thông dụng mà húng chanh còn là một trong những vị thuốc quý, dễ tìm. Húng chanh chữa được nhiều bệnh, đặc biệt là ho do viêm họng và giải cảm rất tốt.

Qua những chia sẻ của PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những tác dụng của cây húng chanh. 

1. Húng chanh là cây gì?

Cây húng chanh còn được gọi với nhiều tên khác nhau như tần dày lá, rau thơm lùn, rau thơm lông,…Đây là loại rau dễ trồng, chỉ cần cắt nhánh và ghim xuống đất là cây có thể sống và phát triển. Hơn nữa, cây húng chanh còn thích hợp với nhiều loại đất nên ở vùng đất nào cũng có thể trồng được loại rau này.

Bác sĩ Nguyễn Thị Bay cho biết, húng chanh có chứa nhiều vitamin C, vitamin nhóm B và vitamin A, đặc biệt là hàm lượng axit ascorbic cao, giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. 

cay-hung-chanh-tan-day-la-va-nhung-cong-dung-chua-benh-voh

Húng chanh hay còn gọi là tần dày lá - loại rau gia vị phổ biến (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, lá húng chanh còn có chứa tinh dầu. Tinh dầu trong húng chanh là hợp chất phenolic và colein, hợp chất này có tác dụng giảm đau và giảm ho hiệu quả. Bên cạnh đó, húng chanh còn có tính sát trùng và sát khuẩn cao. 

Về Đông y, cây húng chanh có tính ấm, vị cay the, có mùi thơm, có thể dùng được cho trẻ em trong các trường hợp ho có đờm.

2. Cây húng chanh có tác dụng gì?

Dưới đây là một số tác dụng của cây húng chanh (tần dày lá) và những bài thuốc liên quan:

2.1 Chữa ho nhiều ngày, ho khan

Theo bác sĩ Bay, húng chanh là loại thảo dược đặc trưng cho bệnh lý đường hô hấp trên như cảm, ho, viêm mũi dị ứng, viêm xoang,…đặc biệt là chữa ho nhiều ngày.

  • Bài thuốc 1: Hấp cách thủy lá húng chanh với trứng để ăn.
  • Bài thuốc 2: Giã nát lá húng chanh, sau đó vắt lấy nước cốt rồi pha với một chút muối để uống.
  • Bài thuốc 3: Lấy lá húng chanh nấu nước để uống. Lưu ý, khi nấu nước nên đậy kín để tinh dầu không thoát ra ngoài và nấu trong thời gian ngắn.

Theo bác sĩ Bay, các bài thuốc này đều có tác dụng đối với các bệnh lý viêm đường hô hấp trên như ho do viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm xoang,…Để phát huy tác dụng của lá húng chanh, bạn nên dùng lá tươi sẽ tốt hơn.

2.2 Chữa kiết lỵ có đi cầu ra máu

cay-hung-chanh-tan-day-la-va-nhung-cong-dung-chua-benh-voh

Những bài thuốc từ cây húng chanh rất dễ thực hiện (Nguồn: Internet)

Theo kinh nghiệm dân gian, người ta còn sử dụng húng chanh cho các trường hợp bị kiết lỵ có đi cầu ra máu. 

Bài thuốc: Dùng lá húng chanh cắt nhỏ hoặc thái sợi. Đánh 2 lòng đỏ trứng gà rồi trộn với lá húng chanh. Đem hỗn hợp này đi hấp và ăn. Sử dụng bài thuốc này trong 2 – 3 ngày sẽ khỏi bệnh.

Qua nghiên cứu, người ta nhận thấy lá húng chanh có tinh dầu có tính sát trùng, khi phối hợp với lòng đỏ trứng chứa đạm và lecithin sẽ có tác dụng chữa bệnh kiết lỵ có triệu chứng đi cầu ra máu.

2.3 Chữa rối loạn thị giác, thoái hóa điểm vàng

Các caroten và vitamin A trong cây húng chanh còn có tác dụng cải thiện thị lực và hiện tượng thoái hóa điểm vàng.

Bài thuốc: Nếu thị lực kém hoặc bị rối loạn thị giác, thoái hóa điểm vàng thì bạn có thể ăn 1 ít rau húng chanh mỗi ngày.

Lưu ý: Các bài thuốc trên có tác dụng chữa bệnh nhưng hiệu quả ở mỗi người sẽ khác nhau. Vì vậy, trước khi sử dụng bài thuốc nào, tốt nhất nên tham khảo ý kiến của các thầy thuốc để nhận được sự tư vấn đúng đắn nhất.

Xem nội dung bài viết nhanh hơn tại video này:

 

Bình luận