Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cây hương thảo có tác dụng gì?

(VOH) – Hương thảo là loại thảo mộc có hương thơm nhẹ thường được dùng làm gia vị và làm thuốc trong Đông Y. Vậy cây hương thảo có tác dụng gì đối với sức khỏe con người?

1. Tìm hiểu về cây hương thảo

Cây hương thảo (hay còn gọi là trạch lan, lan thảo...) có tên khoa học là Rosmarinus officinalis, là một loại thực vật có hoa trong họ Hoa môi, nguồn gốc ở Địa Trung Hải. Tại Việt Nam hiện cây được nhập trồng ở một số tỉnh miền Trung và miền Nam.

Hương thảo là một loại cây nhỏ, cao khoảng 1 – 2m, phân nhánh và mọc thành bụi. Lá nhiều, hẹp, dài khoảng 1 – 3cm có mép gập xuống màu xanh sẫm và nhẵn ở trên, phủ lông rải rác màu trắng ở mặt dưới. Hoa xếp 2 – 10 ở các vòng lá, dài khoảng 1cm, màu lam nhạt hơi có màu hoa cà với những chấm tím ở phía trong các thuỳ. Toàn cây có mùi rất thơm.

Cây hương thảo có tác dụng gì? 1

Cây hương thảo (Nguồn: Internet)

Cây hương thảo được trồng để làm hương liệu và làm thuốc. Bộ phận dùng làm thuốc là thân và lá, thường được thu hái vào mùa hè, cắt lấy đoạn ngọn cành có lá, rửa sạch phơi trong bóng râm, sấy khô hoặc tươi để làm thuốc.

Ngoài ra, lá hương thảo non cũng được dùng làm gia vị, nấu canh ăn giải nhiệt mùa hè. Lá hương thảo già nấu nước uống hàng ngày để giúp ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt.

2. Tác dụng của cây hương thảo

Trong y học cổ truyền, cây hương thảo có mùi thơm đặc biệt, vị hơi đắng, cay, vào 2 kinh: can và tỳ. Tác dụng của cây hương thảo giúp hoạt huyết, phá ứ huyết, thông kinh lợi tiểu. Dùng chữa kinh nguyệt không đều, phụ nữ sau sinh kém ăn, mệt mỏi, mất ngủ, giảm sưng đau do mụn nhọt và có tác dụng xua đuổi muỗi hiệu quả.

Đông y thường dùng hương thảo trong các trường hợp cơ thể suy nhược, làm việc quá sức, choáng do huyết áp thấp, người mệt yếu do tuần hoàn kém, mau quên, ăn uống không tiêu, đau nhức cơ, thấp khớp, viêm họng, nhức đầu, căng thẳng thần kinh, lo âu và mất ngủ, trí nhớ giảm sút...

Cây hương thảo thường được dùng dưới các dạng: ngâm rượu (cồn thuốc), nước hãm, làm pomat hoặc chiết xuất tinh dầu để xông hoặc xoa bóp ngoài da.

2.1 Một số bài thuốc thường dùng

  • Giải cảm do nắng nóng: Lá non hương thảo 100g, nấu canh ăn trong ngày. Nên ăn khi canh còn nóng. Dùng trong 3 ngày.
  • Hỗ trợ tiêu hóa, giải nhiệt: Hương thảo 20g (nên hái trước khi cây có hoa, thái nhỏ rồi sấy khô) hãm với nước đun sôi uống thay trà hàng ngày. Hoặc hương thảo sấy khô 20g, cho vào ấm đổ 300ml nước còn 100ml, uống hàng ngày.
  • Chữa kén ăn, mệt mỏi, mất ngủ ở phụ nữ sau sinh: Hương thảo, mạch môn 20g, ngải cứu 10g, nhân trần 6g, rẻ quạt 4g, vỏ quả bưởi đào khô 4g. Tất cả cho vào ấm, đổ 550ml nước, sắc nhỏ lửa còn 250ml, chia 2 lần uống trong ngày, lúc thuốc còn ấm. Dùng trong 10 ngày liền.
  • Kinh nguyệt không đều: Hương thảo, củ gấu, ích mẫu, ngải cứu, nhọ nồi, mỗi vị 20g, tán nhỏ, rây thành bột mịn, thêm chút mật, hoàn viên thành viên bằng hạt lạc. Ngày uống 1 lần trước khi đi ngủ, mỗi lần 15-20 viên. Dùng trong 10-15 ngày trước chu kỳ kinh.
  • Giúp sạch gàu: Hương thảo tươi 25g, bồ kết 5 quả nướng, lá bưởi 20g đun lấy nước gội đầu. Mỗi tuần nên gội 3 lần.
  • Xua đuổi muỗi: Lá hương thảo tươi 20g, rửa sạch, giã nát cho vào túi vải xát trực tiếp vào tay, chân có hiệu quả tốt trong vòng 2-3 tiếng.
  • Cách ngâm rượu hương thảo: Dùng 200g lá hương thảo khô ngâm với 1 lít rượu trắng trên 40 độ, bảo quản trong chai thủy tinh đã được khử trùng, cất nơi khô ráo, tránh ánh nắng. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 2ml rượu thuốc pha với nước sôi để nguội, giúp tăng cường sức khỏe, chữa căng thẳng thần kinh, tiêu hóa kém.

cay-huong-thao-co-tac-dung-gi-1-voh

Hương thảo được sử dụng trong nhiều bài thuốc y học cổ truyền (Nguồn: Internet)

 Lưu ý: Không dùng hương thảo cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, những phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, người có cơn động kinh, những người quá nhạy cảm với tinh dầu hương thảo.

Ngoài ra, y học hiện đại cho biết, qua nghiên cứu trong phòng thí nghiệm người ta còn ghi nhận hương thảo có khả năng ức chế độc tố aflatoxin - một chất có thể gây ra bệnh ung thư, được tìm thấy trong nhiều loại sản phẩm thực phẩm dùng cho người và động vật khi bị lên mốc.

3. Tinh dầu hương thảo có giúp tăng cường trí nhớ cho trẻ em

Khi nghiên cứu thành phần bên trong cây hương thảo, các nhà khoa học phát hiện trong cây hương thảo có chứa tinh dầu dễ bay hơi (0.5% ở cây khô, 1- 2% ở lá, 1.4 – 2% ở hoa). 

cay-huong-thao-co-tac-dung-gi-2-voh

Tinh dầu hương thảo có tác dụng giúp tăng cường trí nhớ (Nguồn: Internet)

Nếu mới cất, tinh dầu hương thảo là một chất lỏng không màu hay màu vàng nhạt, về sau sẽ sẫm dần và cứng lại, có thể hòa tan vào rượu ở bất kỳ tỷ lệ nào. Tinh dầu hương thảo có mùi thơm kết hợp giữa mùi long não nhẹ dịu và mùi của cây thông.

Trong một nghiên cứu của ĐH Northumbria, Anh, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên 40 đứa trẻ xếp vào 2 căn phòng khác nhau, một phòng có chứa tinh dầu hương thảo khuyết tán trong 10 phút. Sau đó các em được tham gia một bài kiểm tra, kết quả cho thấy, những trẻ ở căn phòng có tinh dầu hương thảo có điểm số cao những trẻ ở căn phòng còn lại.

Các nhà khoa học nhận định, tác dụng của tinh dầu hương thảo có thể ảnh hưởng đến hoạt động điện trong não hoặc các hợp chất hoạt tính hữu cơ thể được hấp thụ khi trẻ tiếp xúc với mùi hương.

Bên cạnh đó, tinh dầu hương thảo có những tác dụng như: chống co thắt, làm ra mồ hôi, hạ nhiệt, giảm đau đầu, dịu đau, hưng phấn thần kinh, trợ tiêu hóa, lợi tiểu, giải độc, chống viêm, gia tăng bài tiết mật. Đặc biệt loại tinh dầu này có thể gây sảy thai.

Bình luận