Đây là thông tin do TS. BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia cho biết tại chương trình Gặp mặt người hiến máu nhóm máu hiếm, nhóm máu hòa hợp phenotype năm 2022, diễn ra vào ngày 10/12.
Hội Truyền máu Quốc tế quy ước một nhóm máu có tần suất xuất hiện dưới 0,1% được gọi là nhóm máu hiếm và dưới 0,01% được gọi là nhóm máu rất hiếm. Như vậy, nhóm máu Rh(D) âm ở Việt Nam là nhóm máu hiếm.
Xem thêm: Thủ Đức tổ chức Lễ Tôn vinh gương hiến máu tiêu biểu năm 2022
Máu có vai trò quan trọng trong duy trì sự sống của con người cũng như trong y học. Năm 1901, nhà bác học Karl Landsteiner đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO, mở ra kỷ nguyên mới trong thực hành truyền máu, mang lại hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Năm 1940, Karl Landsteiner và nhóm các nhà khoa học đã phát hiện ra hệ nhóm máu Rh. Tiếp sau đó là các hệ nhóm máu Kell, Duffy, Kidd, Lewis, MNS...
Ngoài nhóm máu ABO và Rh(D) là hai hệ thống nhóm máu có ý nghĩa nhất trong thực hành truyền máu, còn rất nhiều các hệ thống nhóm máu khác mà kháng nguyên của nó có tính sinh miễn dịch cao. Tức là cơ thể người nhận sinh ra kháng thể chống lại kháng nguyên tương ứng (còn gọi là kháng thể bất thường). Các kháng thể bất thường này có thể gây ra các tai biến truyền máu và để lại hậu quả nặng nề cho người bệnh.
Những bệnh nhân càng truyền máu nhiều lần thì khả năng tiếp xúc với kháng nguyên lạ càng nhiều và nguy cơ sinh kháng thể bất thường càng cao. Khi đó, truyền máu hòa hợp hệ nhóm máu ABO và Rh(D) là chưa đủ để đảm bảo an toàn cho người bệnh, mà phải truyền máu hòa hợp các kháng nguyên của các hệ thống nhóm máu khác (hay còn gọi là truyền máu hòa hợp phenotype).
Do vậy, không phải cứ trùng nhóm O là truyền được cho nhau, có khi bệnh viện chọn 300 đơn vị máu nhóm O cũng không tìm được đơn vị máu phù hợp. Do đó bệnh nhân cần phải được truyền "máu chọn".
Theo bác sĩ Quế, sự đa dạng của các kháng nguyên nhóm máu là thách thức vô cùng lớn đối với ngành y tế, đặc biệt là lĩnh vực truyền máu trong cấp cứu và điều trị người bệnh có nhóm máu hiếm và cần truyền máu hòa hợp phenotype. Trong khi đó, chi phí để làm xét nghiệm đầy đủ các kháng nguyên nhóm máu khá tốn kém.
Nhiều năm qua, nhờ nguồn kinh phí của một số chương trình/dự án mà Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã xây dựng được và tiếp tục mở rộng ngân hàng hiến máu dự bị bằng cách xác định các kháng nguyên nhóm máu ngoài hệ ABO và Rh(D) cho một số người hiến máu tình nguyện thường xuyên.
Hiện cả nước có nhiều Câu lạc bộ nhóm máu hiếm Rh(D) âm cùng hoạt động giúp người mang nhóm máu hiếm được truyền máu an toàn trị khi không may cần máu. Thông thường các bệnh viện sẽ gửi dự trù cần máu nhóm hiếm hoặc máu hòa hợp phenotype tới Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương hoặc các Trung tâm Truyền máu lớn. Nếu lượng dự trữ có thể đáp ứng đủ, Viện sẽ đảm bảo cung cấp kịp thời. Trong trường hợp nguồn chế phẩm máu nhóm hiếm hoặc nhóm hòa hợp phenotype không có sẵn, Viện sẽ liên hệ mời người hiến máu theo danh sách. Năm 2022, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận dự trù gần 350 đơn vị chế phẩm máu nhóm hiếm và 780 đơn vị máu hòa hợp phenotype từ các cơ sở điều trị. Lượng máu phù hợp dự trữ sẵn chỉ đáp ứng được khoảng 30%, 70% còn lại Viện huy động trực tiếp, khẩn cấp từ những người hiến máu. |