Mời bạn đọc nghe phân tích từ bác sĩ Nguyễn Thị Bay hoặc đọc bài viết.
Kinh nguyệt là gì ?
Kinh nguyệt là hiện tượng chảy máu đều đặn mỗi tháng 1 lần hoặc có thể 2,3 tháng/ lần với điều kiện là phải đều đặn. Đông y gọi là nguyệt kinh.
Rối loạn kinh nguyệt là gì?
Rối loạn kinh nguyệt là biểu hiện bất thường của kinh nguyệt về thời gian, tần số, số lượng, màu, chất lượng máu trong 1 lần kinh…Kinh có thể đến sớm, trễ, hoặc mất kinh một thời gian dài.
Đông y có các thuật ngữ hay dùng trong rối loạn kinh nguyệt là bế kinh, vô kinh, rong kinh và băng kinh (kinh ra xối xả rất nhiều).
Nguyên nhân của rối loạn kinh nguyệt (theo Đông y)
Kinh nguyệt phụ thuộc vào 2 nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ là oestrogen và progesterone. Rối loạn kinh nguyệt có lý do từ rối loạn nội tiết tố này của phụ nữ.
Y học cổ truyền không hiểu rõ về chu kỳ này nhưng giải thích dựa trên phần âm và phần dương. Nếu có sự quân bình âm dương thì có hành kinh đúng và ngược lại.
Y học cổ truyền dùng các thuật ngữ:
- Bế kinh: Tới ngày nhưng kinh không ra. Có thể do huyết ứ hoặc do khí trệ. Biểu hiện là đau bụng do kinh không ra.
- Băng kinh : Tới ngày hành kinh thì kinh ra rất nhiều (băng huyết).
- Rong kinh: Kinh ra liên tục, không cầm được từ ngày này qua ngày khác
- Vô kinh: ra vài lần đầu rồi sau đó không ra kinh nữa.
Dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt:
+ Dấu hiệu huyết nhiệt:
Có kinh sớm hơn bình thường (5-10 ngày so với chu kỳ) kèm theo trong người nóng nảy, bức rứt, đi tiểu gắt, buốt.. Điều đó báo hiệu tình trạng tích nhiệt trong người hoặc có thể có viêm nhiễm ở vùng âm đạo, nội mạc tử cung… nên ảnh hưởng đến vòng kinh, sẽ ra kinh sớm. Tình trạng này Đông y gọi là huyết nhiệt.
Bình thường hành kinh kéo dài từ 3-4 ngày, mỗi ngày từ 50 đến 150cc máu, thay 4,5 miếng lót/ ngày cho ngày chính, những ngày phụ chỉ 2,3 miếng. Nếu thấy các miếng lót nhiều hơn bình thường có nghĩa là chúng ta đang trong tình trạng huyết nhiệt. Tuy nhiên, tình trạng này khác với tình trạng huyết nhiệt trên. Nguyên nhân là viêm nhiễm âm đạo hoặc đường tiểu.
+ Dấu hiệu huyết ứ:
Kinh nguyệt có màu đỏ thẫm hoặc tím lịm (không có màu đỏ tươi), bị đau bụng dữ dội trước khi hành kinh. Khi ra kinh có thể có máu hòn, cục. Đông y gọi là huyết ứ.
Để chữa trị huyết ứ, phải giải uất, ứ đi ! Do đó phải dùng thuốc có tính an thần hoặc dùng các loại giúp điều hòa máu huyết tốt hơn như ngải cứu kết hợp mã đề.
+ Dấu hiệu huyết hư: Khi chu kỳ kinh kéo dài từ 7- 10 ngày, huyết ra rỉ rả, lai rai, đông y gọi đó là huyết hư. Khi đó người ta dùng các loại dược thảo: cỏ mực, trắc bá diệp hay thục địa, đậu đen… để bổ huyết, ngăn ngừa kinh ra kéo dài.
Nguyên tắc chữa trị rối loạn kinh nguyệt
Việc chữa trị phụ thuộc vào nguyên nhân bị rối loạn:
Nếu liên quan đến nội tiết tố sinh dục thì giải pháp phải giải quyết nội tiết tố.
Nếu liên quan đến tâm lý, căng thẳng, bị stress thì phải giải quyết áp lực căng thẳng, tình trạng stress. Đó là nghỉ ngơi.
Nếu liên quan vấn đề dinh dưỡng kém (khi đó bị huyết hư) thì phải bổ huyết, bồi dưỡng sức khỏe, tăng cường thể chất.
Chữa trị rối loạn kinh nguyệt:
+ Cần chú ý vấn đề dinh dưỡng, cần bổ sung vitamin, khoáng chất, chất đạm để tạo máu tốt, nuôi dưỡng cơ thể giúp điều chỉnh, điều hóa nội tiết tố.
+ Cần chú ý ngủ đủ, tập thể dục thể thao, uống nước đủ, làm việc khoa học cũng có tác dụng tốt cho điều hòa kinh nguyệt.
+ Áp lực công việc, căng thẳng trong cuộc sống, bị stress cũng có thể gây bế kinh, rong kinh hay rong huyết. Nên cần tránh căng thẳng tâm lý, stress…
+ Người có bệnh phụ khoa phải như viêm âm đạo, nhiễm trùng đường tiểu, buồng trứng đa nang, u xơ tử cung …cần phải chữa trị dứt điểm vì những bệnh này cũng gây ra rối loạn kinh nguyệt.
+ Trường hợp bị rối loạn kinh nguyệt do bị những bệnh nội khoa khác. Cần điều hòa kinh nguyệt cùng với việc chữa trị các bệnh nôi khoa khác.