Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Chương trình 'Vắc xin Tinh thần' chính thức khởi động: Tâm an để vượt qua đại dịch

(VOH) - Sáng nay, 05/09, chương trình "Vắc xin Tinh thần" chính thức khởi động.

Chương trình do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) thực hiện, nhằm hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

Sự kiện ra mắt có sự tham gia dự trực tuyến của Nguyên Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo Đại học Quốc gia TPHCM cùng các đại biểu, đặc biệt là đội ngũ y - bác sĩ, người dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình “Vắc xin Tinh thần” chính thức khởi động: Tâm an để vượt qua đại dịch 1
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV ĐHQG TPHCM phát biểu khai mạc.

Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM – Trưởng ban tổ chức chương trình cho hay, thời gian qua đã có nhiều hoạt động hỗ trợ tâm lý cho người dân trong bối cảnh đại dịch và đã có những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trước sự diễn biến phức tạp và tác động mạnh mẽ của đại dịch, chúng tôi thấy là cần phải có một chương trình toàn diện tiếp cận theo hướng ngăn ngừa, can thiệp chữa trị, và phục hồi. Đó là lý do ra đời của Chương trình Vắc xin Tinh thần.

Trên thực tế, một số các hoạt động của chương trình đã được triển khai ngay từ đầu dịch nhưng trong chương trình này, những người thực hiện đặt các hoạt động đó trong một hệ thống và triển khai với quy mô rộng lớn hơn và bổ sung một số hoạt động mới:

“Với hướng tiếp cận, Đẩy lùi đại dịch Covid-19 = 5T + Vắc xin tinh thần, chương trình này thực hiện thông điệp “Bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài” của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch Covid 19; Hướng mục tiêu động viên sức mạnh tinh thần, củng cố niềm tin, giải quyết các vấn đề tâm lý của người dân, đội ngũ y tế và các lực lượng tuyến đầu với mục tiêu ổn định “an sinh tinh thần” trong và sau đại dịch, hạn chế đến mức thấp nhất các “tổn thương tinh thần” do ảnh hưởng, di chứng của dịch bệnh và giãn cách xã hội.

Chương trình là những đóng góp về mặt khoa học của các nhà chuyên môn thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM và các đối tác đối với công tác chống dịch của Thành phố.

Đội ngũ thực hiện là các giảng viên, chuyên gia từ các ngành: Tâm lý học, Xã hội học, Công tác xã hội, Nhân học, các nhà thực hành tôn giáo, các y bác sĩ và các lĩnh vực khác.

Chia sẻ tại sự kiện, bác sĩ CK2 Phạm Đăng Trọng Tường, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 12 cho hay, ngay trong giai đoạn tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên, bệnh nhân được điều trị, được theo dõi không chỉ về sức khỏe thể chất mà còn cả tinh thần. Có được những điều này, là nhờ sự đóng góp của các tình nguyện viên cũng như một số chuyên viên về tâm lý. Song song đó, bệnh nhân covid-19 cũng còn có những vấn đề gây stress như: sự mất mát người thân, người thân bị bệnh, chứng kiến cảnh mất việc, mất nguồn thu nhập…Đội ngũ nhân viên y tế cũng vậy, họ gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ do áp lực công việc lớn, hay chứng kiến bệnh nhân khó thở, bệnh nhân tử vong….

Như vậy, việc hỗ trợ của bộ môn Tâm lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM) thật sự là những nhịp cầu cần thiết, quan trọng để cùng với đội ngũ nhân viên y tế hoàn thành công việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân covid-19, giúp Thành phố vượt qua khó khăn dịch bệnh đợt này.

Chương trình “Vắc xin Tinh thần” chính thức khởi động: Tâm an để vượt qua đại dịch 2
BS CKII Phạm Đăng Trọng Tường - Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 12. 

Chương trình Vắc xin tinh thần triển khai chính thức vào ngày 5/9, dự kiến kết thúc vào cuối năm 2022 hoặc kéo dài tùy vào tình hình diễn tiến của đại dịch. Dựa trên mô hình cung cấp dịch vụ sức khỏe tinh thần cho từng nhóm nhu cầu, chương trình có 3 nhóm nội dung hoạt động chính:  

1. Phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần: Chương trình tư vấn khẩn cấp cho người có nguy cơ thấp, có các dấu hiệu lo lắng, căng thẳng, hoang mang nhẹ, chưa đạt mức bệnh lý; giáo dục và truyền thông các chiến lược nhận thức, thể lý, cảm xúc ứng phó với tác động tiêu cực của Covid-19 thông qua các hình thức dễ tiếp cận về mặt nghe/nhìn, các chương trình tập huấn trên truyền hình, radio, truyền thông mạng xã hội…

Các hoạt động chính của chương trình phòng ngừa bao gồm: Triển khai các buổi hội thảo trực tuyến (webinar) và các chương trình đào tạo (workshop) nâng cao năng lực cho các nhóm cộng đồng dân cư trong phòng ngừa các vấn đề sức khoẻ tâm thần.

Phối hợp cùng Đài tiếng Nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh thực hiện chương trình radio Tâm an vượt qua đại dịch, phát vào 9h30-10h00 thứ 7, 21h30-22h00 Chủ nhật trên sóng AM 610kzh từ 11/9/2021 phối hợp với ban Khoa học và Đời sống – báo Tri thức và Cuộc sống xuất bản các bài viết tư vấn tâm lý, các chủ đề hỗ trợ về sức khỏe tâm lý cho bạn đọc. Các nội dung, thông điệp của chương trình cũng sẽ được cập nhật tại tài khoản Youtube: Người Nhân văn, Tiktok: Người Nhân văn.

Triển khai tư vấn và hỗ trợ khủng hoảng tâm lý thông qua: a) tư vấn trực tiếp cho các cá nhân gửi thông tin cho ban tư vấn thông qua fanpage chương trình: https://www.facebook.com/vacxintinhthan để được đội ngũ tư vấn, hỗ trợ; b) tư vấn trực tiếp thông qua cổng thông tin 1022 (Sở Thông tin truyền thông)

2. Tham vấn và trị liệu tâm lý: Chương trình đáp ứng cho khoảng 15-20% người dân có nguy cơ vừa/trung bình đến cao. Nhóm đối tượng này có thể là người có các biểu hiện bệnh lý về lo âu, trầm cảm, nguy cơ tự tử, bị sang chấn vì nhiễm bệnh hoặc mất người thân do Covid-19…Các chuyên gia của chương trình cũng sẽ tư vấn cho người dân tại các khu vực cách ly, khi vực đang chữa trị.

Chương trình phối hợp với Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện dã chiến số 12 (phường Bình Khánh, TP. Thủ Đức) để tư vấn tâm lý cho bệnh nhân đang chữa trị tại đây.

Các chuyên gia tâm lý của hương trình sẽ tham vấn tâm lý cho rộng rãi cho các cá nhân có nhu cầu thông qua tổng đài 0987 111 801 (Tổng đài tư vấn tâm lý của chương trình Vắc xin Tinh thần). Trường hợp cá nhân gặp phải bệnh lý nặng sẽ được hỗ trợ tham vấn, trị liệu lâu dài.

3. Hỗ trợ tái hòa nhập hậu Covid-19: Chương trình nhằm hỗ trợ cho người dân tái phục hồi sau khi được can thiệp, giúp họ tìm thấy nguồn lực để tăng trưởng thông qua cung cấp thông tin về việc làm, phát triển bản thân, học tập và lao động hay các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, TPHCM...