Chờ...

Coi chừng thương hàn trong mùa nắng nóng !

(VOH) – Theo Trung tâm y tế dự phòng TPHCM, thương hàn là bệnh truyền nhiễm có thể gây thành dịch.

Phòng bệnh thương hàn cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa

Năm 2016, Trung tâm y tế dự phòng TPHCM đã ghi nhận 43 trường hợp và trong ba tháng đầu năm 2017 ghi nhận 3 ca nhiễm vi khuẩn thương hàn.

Bệnh thương hàn là gì?

Thương hàn là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Salmonella typhi. Vi khuẩn này có thể tồn tại trong môi trường nước 2-3 tuần, trong phân và trong nước đá 2-3 tháng.

Người bị mắc bệnh do ăn phải thức ăn và uống bị nhiễm khuẩn mà không được nấu chín hoặc do tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, người mang vi khuẩn qua chất thải, chân, tay, đồ dùng bị nhiễm khuẩn.

Triệu chứng của thương hàn thế nào?

Người nhiễm bệnh thường có biểu hiện sốt cao kéo dài, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, táo bón hoặc tiêu chảy, đôi khi đi ngoài ra máu, có những nốt hồng ban trên thân, bệnh nặng có thể mê sảng, ảo giác và có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

Bệnh này rất dễ lây và có thể diễn biến rất nghiêm trọng.

Phòng ngừa thương hàn thế nào?

Phòng ngừa lây nhiễm căn bệnh này cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân và vệ sinh an toàn thực phẩm:

- Rửa tay thường xuyên với nước sạch và xà bông.

- Ăn thức ăn đã nấu chín, uống nước đun sôi để nguội.

- Không ăn những trái cây và rau quả đã cắt sẵn và không được bảo quản lạnh.

- Tách biệt giữa thực phẩm nấu chín và chưa nấu. Khi vận chuyển, bảo quản phải tách biệt trái cây và rau quả với thịt sống. Luôn bảo quản thức ăn chưa dùng trong tủ lạnh.

- Không dùng sữa hay các sản phẩm sữa chưa được tiệt trùng.

- Che đậy thức ăn phòng tránh ruồi hoặc bẫy ruồi, diệt ruồi bằng hóa chất.

- Đặc biệt những nơi chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm, những bếp ăn tập thể của trường học và công ty xí nghiệp phải tuân thủ đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm.

Có phòng ngừa thương hàn bằng vắc xin được không?

Bệnh thương hàn có thể phòng ngừa bằng vắc xin. Có hai loại vắc xin được sử dụng: loại vắc xin bất hoạt dùng qua đường tiêm và loại vắc xin sống được giảm độc lực dùng qua đường uống.

Những người chế biến thực phẩm, kinh doanh ăn uống, người đi du lịch thường xuyên cần tiêm phòng ngừa căn bệnh này.

Tuy nhiên để tăng hiệu quả phòng bệnh cần kết hợp nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh.