Tiêu điểm: Nhân Humanity

COVID-19 sáng 8/12: TPHCM tiêm mũi 3 vắc xin phòng COVID-19 từ ngày 10/12

(VOH) - Ngày 8/12, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung và nhắc lại tại TPHCM.

Theo đó, từ ngày 10/12, TPHCM sẽ bắt đầu tiêm liều bổ sung cho người từ 18 tuổi trở lên có tình trạng suy giảm miễn dịch (người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang hoặc đã sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong vòng 6 tháng...). Các trường hợp nói trên phải tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Những người từ 50 tuổi trở lên được ưu tiên.

Liều nhắc lại sẽ dành cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung ít nhất 6 tháng. TPHCM sẽ ưu tiên tiêm cho những người có bệnh nền; người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế; người từ 50 tuổi trở lên; người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19; nhân viên y tế; lực lượng tuyến đầu chống dịch…

covid-19-sang-8-12-tphcm-tiem-mui-3-vac-xin-phong-covid-19-tu-ngay-10-12-voh.com.vn-anh1
Từ ngày 10/12, TPHCM tiêm mũi 3 vắc xin phòng COVID-19.

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế có công văn gửi Sở Y tế TP.HCM về việc  tăng cường kiểm tra, xác minh việc mua bán thuốc điều trị COVID-19 đang thử nghiệm lâm sàng, thuốc chưa được cấp phép lưu hành trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến.

Theo văn bản này, thời gian qua, một số trang báo phản ánh tình trạng rao bán thuốc chữa Covid-19 tràn lan và tình trạng thiếu hụt “túi thuốc C” (gói thuốc được cấp cho bệnh nhân COVID-19 có chứa thuốc Molnupiravir đang thử nghiệm lâm sàng), một số đối tượng trên địa bàn đã rao bán trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến các loại thuốc điều trị COVID-19 có dược chất Molnupiravir là thuốc đang được thử nghiệm lâm sàng hoặc thuốc nước ngoài chứa dược chất Molnupiravir, Favipiravir chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

Theo Cục Quản lý Dược, việc mua, bán sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường này là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch và nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu.

Tính từ 16h ngày 6/12 đến 16h ngày 7/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.840 ca mắc mới, gồm 5 ca nhập cảnh và 13.835 ca ghi nhận trong nước tại 59 tỉnh, thành. Trong đó TPHCM nhiều nhất với 965 ca, tiếp đến là Cần Thơ (898 ca), Tây Ninh (869 ca)…

Trong ngày 7/12, có thêm 1.249 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca điều trị khỏi lên hơn 1 triệu 11 ngàn người. Trong ngày 6/12, cả nước thực hiện tiêm 910.139 liều vaccine phòng COVID-19. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là hơn 128,6 triệu liều.

Trước tình hình 5 tỉnh, thành có số ca mắc và tử vong do Covid-19 gia tăng gần đây là Thành phố Cần Thơ, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bà Rịa- Vũng Tàu và An Giang, Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh rà soát ngay việc điều động nhân lực từ các Bệnh viện tuyến trung ương theo Quyết định số 5500 của Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành ngày 30/11/2021 về việc phân công các Bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị Covid-19 tại TPHCM và 10 tỉnh phía Nam.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện trong danh sách phân công phải nhanh chóng đưa thêm nhân lực y tế vào 5 tỉnh, thành này để đảm bảo phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác phòng chống dịch.

Cụ thể Bệnh viện Bạch Mai phải cử thêm 1 đoàn cán bộ y tế nữa đến An Giang, Bệnh viện Việt Đức vào hỗ trợ Bà Rịa- Vũng Tàu, Bệnh viện E vào hỗ trợ Tây Ninh, Bệnh viện Nội tiết Trung ương vào hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng.

Riêng Thành phố Cần Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp tục hỗ trợ thành phố trong công tác điều trị. Song song tăng cường nhân lực, Bộ trưởng chỉ đạo các bệnh viện tuyến Trung ương phải cử chuyên gia hồi sức có kinh nghiệm đến các tỉnh để hỗ trợ điều trị, đồng thời chú trọng triển khai tập huấn, nâng cao năng lực điều trị cho y bác sĩ tại chỗ.

Bình luận