Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Đàn ông ít gặp vấn đề về táo bón hơn phụ nữ?

VOH - Vì sao một số đàn ông lại đi đại tiện lâu và có phải đàn ông sẽ ít gặp vấn đề về táo bón hơn phụ nữ?

Tại sao đàn ông dường như có “sản phẩm đầu ra” của ruột già nhiều và dài vô tận? Chính vì vậy, có phải tính cách của đàn ông “thẳng như ruột ngựa” và họ có thể tiêu hóa ngay lập tức khi vừa ăn no?

Có phải đàn ông ít gặp vấn đề về táo bón hơn phụ nữ? Ngược lại, phụ nữ thì thường xuyên gặp vấn đề về táo bón?

Đàn ông ít gặp vấn đề về táo bón hơn phụ nữ? 1
Không có sự khác biệt về “cấu trúc” đường tiêu hóa của nam và nữ, nhưng ông đàn ông có thể tiêu hóa ngay lập tức khi vừa ăn no, còn phụ nữ thực sự dễ bị táo bón hơn đàn ông - Ảnh: TVBS

Tại sao đàn ông có “sản phẩm đầu ra” của ruột già nhiều?

Nguyên nhân dễ thấy nhất của việc đàn ông thường xuyên có “sản phẩm đầu ra” của ruột già nhiều là do “đầu vào” của họ cũng nhiều.

Vóc dáng của nam và nữ vốn dĩ khác nhau, so với nam cân nặng 80 kg và nữ cân nặng 50 kg thì chênh lệch nhau ít nhất 750 calo thiết yếu mỗi ngày, tức là giữa họ chênh lệch “đầu vào” khoảng 6 chén cơm.

Nếu “đầu vào” nhiều, tức là nạp thức ăn vào bụng nhiều, thì đương nhiên “đầu ra” theo đó cũng phải nhiều, nghĩa là đàn ông đi đại tiện sẽ nhiều hơn một cách tự nhiên.

Vì sao phụ nữ thường xuyên dễ bị táo bón?

Bác sĩ Lao Zhaoxiong, một chuyên gia về Khoa phẫu thuật (Khoa ngoại) người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, không có sự khác biệt về “cấu trúc” đường tiêu hóa của nam và nữ, nhưng ông đàn ông có thể tiêu hóa ngay lập tức khi vừa ăn no, còn phụ nữ thực sự dễ bị táo bón hơn đàn ông.

Ngày càng có nhiều nghiên cứu y khoa phát hiện ra rằng, nội tiết tố nữ (ví dụ: estrogen, progesterone) có thể là nguyên nhân chính gây ra vấn đề này, đây cũng có thể giải thích tại sao phụ nữ dễ gặp các vấn đề về đường tiêu hóa trong chu kỳ kinh nguyệt của họ. Cụ thể là phụ nữ thì thường xuyên gặp vấn đề về táo bón hơn so với đàn ông.

Táo bón lâu ngày tăng nguy cơ ung thư

Bác sĩ Lao Zhaoxiong giải thích rằng, vi khuẩn trong đường ruột của con người sẽ phân hủy thức ăn không tiêu hóa được thành độc tố, các độc tố này sẽ được bài tiết ra ngoài theo phân.

Tuy nhiên, nếu bị táo bón lâu ngày, cơ thể không thải loại các độc tố và các chất cặn bã kịp thời; thay vào đó, các độc tố và chất cặn bã này sẽ được cơ thể tái hấp thu, dễ dẫn đến rối loạn các cơ quan nội tạng và mô.

Do đó, chúng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các loại bệnh và ung thư, chẳng hạn như ung thư đại tràng, bệnh trĩ, viêm túi thừa đại trực tràng và bệnh gan…

Ung thư đại tràng

Trong phân có nhiều độc tố và chất cặn bã đang chờ đào thải ra ngoài cơ thể như phụ gia thực phẩm, dư lượng thuốc trừ sâu, nitrosamine các loại chất gây ung thư…trước đó thông qua thực phẩm ăn uống hàng ngày đi vào cơ thể.

Táo bón sẽ khiến những chất độc gây ung thư này lưu lại trong cơ thể lâu ngày, liên tục kích thích niêm mạc ruột, do đó làm tăng tỷ lệ ung thư đại tràng và tỷ lệ tái phát sau các phẫu thuật.

Bệnh trĩ

Khi bị táo bón, nước sẽ bị ruột già tái hấp thu hoàn toàn nên phân trở nên khô cứng, lúc này nếu cố sức “rặn ra” sẽ làm tổn thương niêm mạc xung quanh hậu môn và gây chảy máu, dẫn đến bệnh trĩ, nứt hậu môn, sa trực tràng, viêm cơ và các bệnh lý xung quanh hậu môn.

Viêm túi thừa đại tràng: Túi thừa là một túi hình thành do sự lồi ra của thành ruột, thường gặp ở lứa tuổi trung niên và những người trên 40 tuổi, nếu bị táo bón lâu ngày, các độc tố và cặn bã thức ăn dễ thấm bám vào túi thừa gây ra viêm nhiễm, gọi là viêm túi thừa đại tràng.

Đàn ông ít gặp vấn đề về táo bón hơn phụ nữ? 2
Đàn ông có “sản phẩm đầu ra” của ruột già nhiều là do “sản phẩm đầu vào” của họ cũng nhiều tương ứng - Ảnh: TVBS

Bệnh gan

Ruột già của cơ thể con người không có chức năng tiêu hóa mà chỉ có công dụng hấp thụ nước, nếu “sản phẩm tiêu hóa” ứ đọng quá lâu trong ruột già, một lượng lớn độc tố và chất cặn bã sẽ bị ruột già tái hấp thu.

Những chất độc này sẽ theo đường máu trực tiếp đi vào gan, làm tăng gánh nặng cho gan, dẫn đến bệnh gan. Người suy giảm chức năng gan hoặc người mang mầm bệnh viêm gan B có thể đẩy nhanh tiến triển của bệnh xấu hơn và trầm trọng hơn.

Ngoài ra, bệnh nhân bị táo bón thường có các biểu hiện như đau bụng, nhức đầu, mỏi vai gáy, chán ăn, hơi thở có mùi hôi, chóng mặt, mất ngủ, bứt rứt, khó chịu, khô miệng và mệt mỏi.

Làm thế nào để ngăn ngừa táo bón?

Để ngăn ngừa táo bón hiệu quả, bác sĩ Lao Zhaoxiong tư vấn cho chúng ta như sau, nên bắt đầu từ việc loại bỏ các yếu tố gây táo bón, sau đó hãy chú ý hơn đến các phương pháp chăm sóc sức khỏe như: ăn nhiều thực phẩm chứa chất xơ, duy trì chế độ ăn uống điều độ và lành mạnh, hình thành thói quen đi đại tiện đều đặn để thải bỏ “sản phẩm” của ruột già một cách tự nhiên, vận động với cường độ vừa phải, uống nhiều nước lọc đun sôi và không quên phải tập thể dục thường xuyên...

Đặt biệt, không được hình thành thói quen phụ thuộc quá nhiều vào thuốc men, nhất là không nên phụ thuộc phải uống thuốc nhuận tràng mới có thể đi đại tiện được, tránh làm cho tinh thần căng thẳng áp lực quá mức.

Sau cùng, mọi người nên thả lỏng và thư giãn tự nhiên, thoải mái nhất; có thể xoa bóp vùng bụng đều đặn và nhẹ nhàng để kích thích dạ dày, giúp “đầu ra” hoạt động dễ dàng và trơn tru.