Trào ngược dạ dày thực quản là gì?
PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết, trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch vị của dạ dày trào ngược lên thực quản và vùng hầu họng.
Bình thường, dịch vị trong dạ dày có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa thức ăn nhưng do sự kích thích ở thực quản hay cơ co thắt của thực quản yếu nên dịch vị bị đẩy ngược lên trên.
Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh đường tiêu hóa phổ biến (Nguồn: Internet)
Triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản
Có rất nhiều triệu chứng của tình trạng trào ngược dạ dày thực quản với các mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng. Bác sĩ Bay cho biết, tình trạng trào ngược dạ dày thực quản có thể gây ra những triệu chứng sau đây:
- Ợ hơi, ợ nóng, đây là 2 triệu chứng thường gặp nhất.
- Ợ chua do axit trong dịch vị nhiều, kèm theo nóng rát cổ họng.
- Buồn nôn và nôn.
- Đau tức ngực.
- Tiết nhiều nước bọt.
- Triệu chứng nặng nề hơn là khó nuốt do axit trào lên gây tổn thương và làm sưng tấy thanh quản, khiến việc nuốt trở nên khó khăn.
- Đắng miệng.
- Khàn giọng, đau họng và ho.
Các triệu chứng trào ngược thực quản dạ dày có thể tăng lên khi người bệnh ăn no, sau khi uống nước, khi đang đầy bụng, khó tiêu hoặc khi cúi gập người về phía trước.
Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản
Theo bác sĩ Bay, có 3 nhóm nguyên nhân chính gây trào ngược dạ dày thực quản gồm:
-
Nhóm 1: Do căng thẳng, lo âu
Những căng thẳng (stress), áp lực, lo âu thái quá sẽ gây ra bệnh ở dạ dày trước, sau đó ảnh hưởng và gây trào ngược dạ dày thực quản. Việc căng thẳng nhiều sẽ kích thích các hệ thống trong cơ thể, làm tăng axit trong dạ dày, sau đó làm tổn thương dạ dày và gây trào ngược thực quản dạ dày.
-
Nhóm 2: Ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học
Những thói quen ăn uống thiếu khoa học như ăn quá no, ăn đêm, ăn nhiều đồ ăn cay nóng, thức ăn nhiều dầu mỡ,…sẽ làm dạ dày phải tiết nhiều axit, mật tăng tiết dịch vị để tiêu hóa thức ăn. Việc tăng tiết như vậy lâu ngày sẽ đưa đến bệnh dạ dày và tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.
Ngoài ra, thói quen hút thuốc lá cũng có thể là nguyên nhân gây trào ngược dạ dày thực quản. Bởi thuốc lá sẽ ảnh hưởng đến vùng thực quản, dạ dày, làm nhược cơ co thắt nên các chất dịch vị bị trào ngược lên trên.
-
Nhóm 3: Do tổn thương niêm mạc dạ dày
Khi mắc các bệnh lý như viêm dạ dày, loét dạ dày, những tổn thương ở niêm mạc dạ dày,…trong quá trình co bóp thức ăn sẽ đẩy các thức ăn lên và gây ra hiện tượng trào ngược dạ dày thực quản.
Trào ngược dạ dày thực quản uống thuốc gì?
Bác sĩ Bay cho biết, trào ngược dạ dày thực quản thường được gọi là hội chứng, do đó, người bệnh cần phải chú ý đến các nguyên nhân để giải quyết. Cụ thể:
- Nếu các nguyên nhân từ bệnh lý dạ dày thì phải chữa dứt điểm để trào ngược dạ dày thực quản không tái phát.
- Nếu trào ngược dạ dày do thói quen ăn uống, sinh hoạt thì người bệnh cần chủ động thay đổi những thói quen xấu đó.
- Nếu trào ngược dạ dày do stress, lo âu,…thì tìm cách giảm stress, tổ chức lịch làm việc và nghỉ ngơi sao cho khoa học, cố gắng thư giãn và tập luyện mỗi ngày.
Cần điều trị dứt điểm bệnh lý ở dạ dày để giải quyết tình trạng trào ngược dạ dày thực quản (Nguồn: Internet)
Trong Đông y, dưỡng sinh là một phương pháp khá hiệu quả đối với hội chứng trào ngược dạ dày thực quản. Bởi dưỡng sinh bao gồm cách sống, thực dưỡng, thái độ tinh thần và tập luyện, những hình thức này sẽ giúp giải quyết stress, lo âu hiệu quả, đồng thời hướng dẫn cách ăn uống và sinh hoạt đúng đắn hơn.
Ngoài ra, người bị trào ngược dạ dày thực quản có thể sử dụng một số “thuốc” thảo dược tại nhà như:
- Nghệ;
- Mã đề;
- Lô hội;
- Gừng;
- Cây cỏ cú hay hương phụ tứ chế;
- Trà hoa cúc;
Các loại thảo dược này rất có lợi cho dạ dày, giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày tốt hơn, đồng thời chúng cũng giúp lợi tiểu, thanh lọc cơ thể,…
Nếu người bệnh muốn sử dụng các loại thuốc Đông y thì phải đến gặp thầy thuốc để được thăm khám và cấu tạo bài thuốc phù hợp với cơ địa của mình.
Bạn có thể nghe lại phần tư vấn trực tiếp của bác sĩ Nguyễn Thị Bay tại audio bên dưới: