Tiêu điểm: Bệnh Suy Thận
Chờ...

Phụ nữ bị đau vú có thể là dấu hiệu của bệnh gì?

(VOH) – Nhắc đến bệnh của tuyến vú, nhiều người thường nghĩ đến ung thư vú – căn bệnh đáng sợ đối với phụ nữ. Vậy với những chị em thường xuyên bị đau vú, liệu có phải là dấu hiệu của ung thư?

Đau vú (đau ngực) là cảm giác khó chịu hay bị đau nhói ở vú. Tình trạng này có thể bao gồm căng ngực, đau nhiều hoặc tức các mô vú. Cơn đau có thể liên tục hoặc nó xảy ra không thường xuyên, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của phái nữ.

1. Đau vú là bệnh gì?

Đau vú là tình trạng đau, bị mềm hay cảm giác khó chịu ở vú và vùng dưới cánh tay, thường gặp nhiều ở phụ nữ còn kinh nguyệt và ít xảy ra hơn ở những phụ nữ đã có tuổi (ngoại trừ những người đang dùng nội tiết tố thay thế).

Thông thường, đau vú được chia ra làm 3 loại: Đau vú theo chu kỳ, đau vú không theo chu kỳ và đau có nguồn gốc ở ngoài vú. Cả ba loại này đều rất khác nhau về nguyên nhân, dấu hiệu, triệu chứng và cách điều trị.

1.1 Đau vú theo chu kỳ

Đa số phụ nữ thường hay gặp phải tình trạng đau theo chu kỳ, thường bị đau trước kỳ hành kinh khoảng vài ngày, bớt đau dần cho đến khi thấy kinh nguyệt. Cơn đau thường xuất hiện ở cả 2 vú, mặc dù một bên vú có thể bị đau nhiều hơn. Vùng đau hay gặp là vùng trên ngoài của vú (phía nách). Cường độ đau thay đổi, có thể đau nhiều hơn khi mặc áo ngực, khi ngủ.

Loại đau vú này hầu hết điều liên quan đến một tình trạng được gọi là thay đổi sợi bọc (xơ nang tuyến vú). Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây ra tình trạng đau vú theo chu kỳ, đó là:

  • Thay đổi nội tiết tố sinh dục.
  • Hậu quả của stress.
  • Đau vú có thể gặp ở phụ nữ có thai giai đoạn đầu do sự tăng sinh và phát triển các ống tuyến vú, gây cảm giác cương đau.

dau-vu-o-phu-nu-co-the-la-dau-hieu-cua-benh-gi-voh

Đau vú theo chu kỳ không cần phải điều trị nếu các triệu chứng điều nhẹ (Nguồn: Internet)

Những trường hợp đau vú theo chu kỳ sẽ không cần phải điều trị nếu các triệu chứng đều nhẹ. Bạn chỉ cần giảm các yếu tố stress, nghỉ ngơi thư giãn, chế độ ăn uống hợp lý, sử dụng áo ngực phù hợp và dùng bổ sung các loại vitamin B6, vitamin E là bệnh có thể tự thuyên giảm.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng các loại thuốc giảm đau thông thường: paracetamol, hay loại giảm đau không có steroid như: ibuprofen, diclofenac... để giảm bớt triệu chứng đau tức vú.

Tuy nhiên, nếu không an tâm bạn có thể đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chụp X-quang vú, nhằm loại trừ đau vú do ung thư.

1.2 Đau vú không theo chu kỳ

Đau vú không theo chu kỳ thường xảy ở một bên vú (đau vú phải hoặc đau vú bên trái), có thể xuất hiện liên tục hoặc không thường xuyên. Bạn sẽ có cảm giác nhói, hay gặp ở ngay dưới quanh núm vú.

Nguyên nhân là do:

  • Chấn thương vú, một cú đánh hay do tác động lực vào vú rõ ràng gây đau.
  • Khối u nang to chèn ép mô vú gây đau hoặc nhạy cảm đau khu trú.
  • Nhiễm trùng vú, vú sưng đỏ, núm vú tiết dịch, thường gặp trong thời kỳ cho con bú do tắc tuyến sữa hay áp-xe tuyến vú.

Đối với tình trạng đau vú không theo chu kỳ thì cách điều trị tốt nhất là xác định nguyên nhân và điều trị theo từng nguyên nhân gây đau vú.

Các phương phương pháp điều trị đau vú thường được bác sĩ áp dụng đó là sử dụng thuốc kháng viêm kèm giảm đau đối với trường hợp nhẹ và điều trị chọc hút nang hay bóc nang trong u nang to đối với trường hợp đau vú nặng.

Lưu ý: Phụ nữ trong thời kỳ cho con bú bị nhiễm trùng vú cần dùng kháng sinh và hút sữa để tránh nhiễm trùng.

1.3 Đau có nguồn gốc ở ngoài vú

Đây không thực sự là một dạng đau vú, mặc dù người phụ nữ có cảm giác giống với đau vú. Vị trí đau thường ở giữa ngực và không thay đổi theo chu kỳ kinh, phổ biến nhất là đau khớp sườn ức, khi ấn vào xương ức nơi tiếp nối các xương sườn sẽ có cảm giác đau nhiều hơn.

Nguyên nhân của các cơn đau thường không phải từ vú mà là do viêm khớp ở đốt sống cổ lan xuống vú; viêm dây thần kinh liên sườn gây đau vú hoặc bệnh zona do virus herpes zoster gây ra ở vị trí ngực.

dau-vu-o-phu-nu-co-the-la-dau-hieu-cua-benh-gi-1-voh

Phụ nữ có thể gặp phải những cơn đau vú có nguồn gốc từ bên ngoài (Nguồn: Internet)

Điều trị đau vú có nguồn gốc ngoài vú cần tìm hiểu về nguyên nhân. Ngoài sử dụng thuốc giảm đau bác sĩ còn có thể dùng thêm các loại thuốc đặc hiệu khác.

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng.... cũng có thể là thủ phạm gây đau tức vú. Một số hoạt chất thuộc nhóm xanthines như: caffeine, theophylline, theobromine... thường có nhiều nhiều trong các thực phẩm là cà phê, trà, cacao, một số loại nước giải khát có gas, chocolate... Bên cạnh đó, một số dược phẩm có thể có tác dụng phụ làm đau nhức vú, như thuốc tránh thai, một số loại thuốc chữa tăng huyết áp, lợi tiểu, thuốc chữa loãng xương, thiếu máu,...

2. Đau vú có phải là dấu hiệu của ung thư vú?

Rất nhiều phụ nữ cho rằng đau vú là một trong những dấu hiệu cảnh báo của ung thư, tuy nhiên các bác sĩ cho biết, bệnh thường xảy ra nhất của tuyến vú lại không phải là ung thư và đau vú cũng không phải là một triệu chứng sớm của bệnh ung thư vú. Ngay cả khi đau ngực kèm với một khối u vú thì nhiều khả năng là lành tính hơn ác tính.

Tuy nhiên, nếu chị em nhận thấy vùng vú bị đau tức và có các dấu hiệu sau đây thì nên đi thăm khám ngay:

  • Có một khối u nhỏ ở vú hoặc dưới cánh tay nhưng không đau.
  • Có tiết dịch từ một khối u hoặc tại vị trí núm vú.
  • Tiền sử gia đình có mẹ hay chị/em gái mắc bệnh ung thư vú.
  • Có dấu hiệu sưng và đỏ ở vú mà không liên quan đến việc cho em bé bú.

Nhìn chung, đau vú không phải là dấu hiệu của bệnh nặng, hầu hết không gây khó chịu, chỉ làm lo lắng nếu chị em hiểu nhầm đau vú là dấu hiệu của ung thư. Đau vú theo chu kỳ kinh nguyệt thường gia tăng theo tuổi, tự khỏi, nhất là khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh. Hầu hết không mấy khó chịu và không phải điều trị gì đặc biệt. Đau vú do nhiễm trùng thường khỏi nhanh chóng, không biến chứng nếu điều trị đúng cách.