Năm khoa thính học thuộc Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) của Anh cho biết, họ đã thấy sự gia tăng ở những người trẻ tuổi có vấn đề về thính giác. Sau khi kiểm tra thêm, họ phát hiện ra rằng vấn đề không nằm ở tai mà thực chất là do vấn đề về não.
Nhiều người trong số này được chẩn đoán mắc chứng rối loạn xử lý thính giác (APD), một tình trạng thần kinh ảnh hưởng đến khả năng xử lý âm thanh của một người.

Mặc dù người mắc ADP sẽ vượt qua các bài kiểm tra thính giác - nghĩa là tai của họ hoạt động bình thường - nhưng họ có thể gặp khó khăn trong việc giải mã các yếu tố âm thanh cụ thể hơn, chẳng hạn như tiếng ồn phát ra từ đâu.
Họ cũng có thể gặp khó khăn trong việc hiểu người khác nói trong phòng ồn ào hoặc nếu người đó nói nhanh. Những người này có thể cần lặp lại hoặc mất nhiều thời gian hơn để trả lời trong cuộc trò chuyện.
“Bộ não xử lý các xung điện này thành âm thanh, sau đó thành từ ngữ, rồi thành câu và ý tưởng có ý nghĩa”, bác sĩ thần kinh Martin Kutscher, MD, nói với Additude.
“Hầu hết chúng ta đều làm điều đó một cách dễ dàng. Một số người lớn gặp vấn đề trong việc chuyển đổi các xung điện thần kinh này thành ý nghĩa. Chúng tôi gọi những vấn đề này là rối loạn xử lý thính giác trung ương” – bác sĩ cho biết thêm.
Các triệu chứng khác bao gồm khó nhớ hướng dẫn bằng lời nói, khó nghe nhạc hoặc gặp khó khăn trong việc học ngôn ngữ mới.
APD thường bắt đầu ở thời thơ ấu, ảnh hưởng đến 2% đến 7% trẻ em. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng đọc và đánh vần của trẻ. Trong những trường hợp đó, nó thường do một căn bệnh như chấn thương đầu, nhẹ cân khi sinh hoặc nhiễm trùng tai mãn tính hoặc viêm màng não - nhưng sự gia tăng này ở những người trẻ tuổi mắc ADP là mới.
Claire Benton, Phó chủ tịch Viện thính học Anh nói rằng, não người lớn có thể "quên" cách xử lý tiếng ồn xung quanh do sử dụng tai nghe quá nhiều.
“Bạn gần như đã tạo ra môi trường giả tạo này bằng cách đeo tai nghe chỉ nghe những gì bạn muốn nghe. Bạn không cần phải làm việc để có được nó”, cô nói.
Theo David McAlpine, Giám đốc học thuật của Khoa thính giác thuộc Đại học Macquarie, tất cả những chức năng khử tiếng ồn đó có thể khiến não phải bù trừ quá mức, điều này có thể dẫn đến tăng độ nhạy cảm và tình trạng mà ông gọi là "mất khả năng nghe".
“Những kỹ năng nghe phức tạp hơn, cấp cao hơn trong não chỉ thực sự hoàn thiện khi bạn bước vào cuối tuổi thiếu niên. Vì vậy, nếu bạn chỉ đeo tai nghe chống ồn và ở trong thế giới giả tạo này khi bạn bước vào cuối tuổi thiếu niên, thì bạn đang làm chậm một chút khả năng xử lý lời nói và tiếng ồn của mình”, Benton nói thêm.
Trong nhiều năm qua, các bác sĩ đã cảnh báo rằng, nghe tai nghe với âm lượng lớn có thể gây tổn thương cho tai, nhưng cảnh báo mới này chỉ ra rằng, ngay cả âm lượng nhỏ hơn cũng có thể gây tổn thương, chỉ là theo cách khác.