Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương vừa cho biết thông tin trên đồng thời khuyến cáo các bậc phụ huynh cẩn trọng khi cho trẻ ăn các loại hạt bí, dưa, hạt dẻ... trong dịp Tết.
Gần Tết và Tết là thời điểm gia tăng các trường hợp liên quan tới hóc dị vật đường thở, thường gặp là các loại hạt như đậu phộng, hạt dưa, hạt bí, bắp rang... hay các loại đồ chơi có kích thước nhỏ, một số vật dụng sinh hoạt hằng ngày, các loại pin...
Nhiều loại dị vật rất trơn, rất dễ tuột sâu vào lòng phế quản, đi sâu vào trong và gây tổn thương phổi. Các bậc phụ huynh cần biết cách phát hiện kịp thời trẻ có khả năng bị dị vật đường thở, tránh để quá lâu, dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc.
Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương khuyên, các bậc cha mẹ phải nghĩ tới dị vật khi trẻ đang chơi đang ăn đột nhiên ho, sặc sụa, tím tái, khó thở, ngạt thở có khi rất đột ngột.
Nhiều trẻ có thói quen ngậm đồ chơi, nhặt các đồ vật lạ, thức ăn rơi vãi cho vào miệng rất dễ khiến dị vật lọt sâu vào đường thở. Do đó, cha mẹ cần:
- Đưa trẻ đi khám chuyên khoa khi có biểu hiện ho khò khè lâu ngày, khó thở.
- Luôn để ý đến con, tránh cho bé ăn các loại thực phẩm dễ gây hóc, nghẹt đường thở như các loại hạt, thạch, những loại trái cây có hạt nhỏ...
- Thức ăn nên cắt làm nhiều mảnh nhỏ, cẩn thận khi chế biến và cho trẻ ăn các đồ ăn có xương.
- Tránh các thói quen nguy hiểm như bóp mũi nhét đồ ăn vào khi trẻ khóc, biếng ăn.
- Ngoài ra, không nên cho trẻ chơi đồ chơi quá nhỏ, góc cạnh, có nhiều bộ phận dễ tách rời, chơi mà không có sự giám sát của người lớn. Không để đồ chơi, vật dụng quá nhỏ, có thể nguy hiểm trong tầm tay của trẻ, gần nơi ăn, nơi ngủ...
- Khi phát hiện trẻ ngậm phải vật lạ trong miệng, cần giữ bình tĩnh, không gây hốt hoảng, sợ hãi cho trẻ.
- Không tự ý dùng tay móc dị vật trong họng.
- Khi dị vật đã lọt vào đường thở, tùy từng trường hợp mà có cách xử trí đúng đắn, vỗ lưng ấn ngực hoặc Heimlich kịp thời nếu đã được hướng dẫn, để không dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Cách xử trí hóc dị vật
- Trẻ nhỏ: Đứng phía sau người bị hóc, hãy dùng lòng bàn tay của bạn đặt lên lưng của họ, giữ chặt và thực hiện một cú đấm mạnh vào giữa lưng. Động tác này có thể giúp dị vật di chuyển và thoát ra ngoài.
- Người lớn: Đứng phía sau người bị hóc, hãy đặt hai tay lên bụng của họ, phía trên rốn. Sau đó, thực hiện một cú đấm mạnh vào bụng, hướng lên và vào trong. Động tác này có thể tạo áp lực đủ mạnh để dị vật bị đẩy ra khỏi đường thở.