Theo Viện Y tế Quốc gia, khi chúng ta già đi, bộ não giảm kích thước và trọng lượng khoảng 5% mỗi thập kỷ sau khi bước sang tuổi 40 - và có thể nhanh hơn sau khi kỷ niệm 70 tuổi, góp phần ảnh hưởng tới chức năng nhận thức đi kèm với quá trình lão hóa.
Nhưng nghiên cứu mới phát hiện ra rằng, ngủ trưa nhanh có thể giúp ích cho điều đó. Chính xác mà nói, những người thường xuyên ngủ trưa được phát hiện có sự khác biệt về tuổi già từ 2,6 đến 6,5 năm so với những người hoạt động cả ngày mà không ngủ trưa.
Tiến sĩ Victoria Garfield, tác giả nghiên cứu cho biết: “Phát hiện của chúng tôi cho thấy, đối với một số người, những giấc ngủ ngắn ban ngày có thể là một phần của câu đố giúp bảo vệ sức khỏe của não khi chúng ta già đi”.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học College London và Đại học Cộng hòa Uruguay đã phân tích kết quả về sức khỏe và chức năng nhận thức giữa những người có khuynh hướng di truyền muốn ngủ trưa và những người không ngủ trưa.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp ngẫu nhiên Mendelian, phương pháp “kiểm tra một số hành vi, môi trường hoặc các yếu tố khác dẫn đến kết quả sức khỏe cụ thể như thế nào bằng cách xem xét những khác biệt về mặt di truyền ảnh hưởng đến cách cơ thể con người phản ứng với hành vi, môi trường hoặc các yếu tố khác”.
Tác giả chính Valentina Paz cho biết, nghiên cứu có thể tìm thấy “mối liên hệ ngẫu nhiên” để chứng minh rằng việc ngủ trưa trực tiếp dẫn đến tổng thể tích não lớn hơn”.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng tất cả những người tham gia đều có nguồn gốc châu Âu da trắng, có nghĩa là kết quả có thể không đúng với các dân tộc khác.
Nhưng nghiên cứu này không phải là nghiên cứu đầu tiên chứng minh lợi ích của việc ngủ trưa.
Theo Sleep Foundation, việc ngủ trong khoảng 20 đến 30 phút có thể nâng cao sự tỉnh táo, tâm trạng và trí nhớ, đồng thời giảm căng thẳng, tránh tình trạng uể oải.
Các chuyên gia thậm chí còn tuyên bố rằng, ngủ trưa có thể giúp bạn trở thành một nhân viên tốt hơn và một bậc cha mẹ tốt hơn.
Nghiên cứu được đưa ra khi ngày càng có nhiều người coi trọng giấc ngủ của mình - số lượt tìm kiếm trên Google về “giấc ngủ” đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào năm ngoái.